Thách thức ở khâu tiêu thụ

Kinh tế - Ngày đăng : 06:44, 14/12/2017

(HNM) - Thời gian qua, Hà Nội đã đẩy mạnh kết nối chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản nhằm cung cấp sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô. Tuy nhiên, do giá thành sản xuất cao nên sản phẩm trong chuỗi còn gặp nhiều thách thức ở khâu tiêu thụ.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, đến nay, thành phố đã xây dựng được hơn 60 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm, trong đó có 9 chuỗi rau, thịt với 13 cửa hàng được xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Lĩnh vực chăn nuôi đã hình thành được 30 chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ, thu hút 3 nghìn hộ chăn nuôi và khoảng 100 doanh nghiệp tham gia; trung bình mỗi ngày cung cấp cho thị trường Hà Nội 57,4 tấn thịt lợn, 0,75 tấn thịt bò, 14,3 tấn gia cầm, 296 nghìn quả trứng và khoảng 78 tấn sữa tươi. Trong lĩnh vực trồng trọt, đã xây dựng và duy trì 27 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật.

Tại các mô hình liên kết chuỗi nông sản, thực phẩm an toàn, người dân tham gia đã nâng cao kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản Đồng Tâm (huyện Ba Vì) Chu Văn Hồng cho biết: Trên địa bàn huyện đã phát triển được 20ha nuôi trồng thủy sản theo mô hình chuỗi nông sản, thực phẩm an toàn. Các sản phẩm an toàn bán giá cao hơn từ 10 đến 25% so với sản phẩm thông thường. Đặc biệt, sản phẩm cá của hợp tác xã luôn bảo đảm chất lượng, tạo được niềm tin của người tiêu dùng Thủ đô...

Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội Trần Mạnh Giang đánh giá: Các sản phẩm nằm trong chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn bước đầu được người tiêu dùng lựa chọn và khẳng định vị thế trên thị trường. Tuy nhiên, việc xây dựng, phát triển các chuỗi này còn khó khăn. Nguyên nhân do sản xuất theo chuỗi an toàn đòi hỏi vốn đầu tư lớn, nhưng chỉ từ 30 đến 40% sản phẩm sản xuất ra được tiêu thụ theo hợp đồng cung ứng. Còn lại, người sản xuất phải tiêu thụ qua chợ đầu mối và các kênh bán lẻ, nên giá bán nông sản an toàn theo chuỗi thấp, chưa bảo đảm được hiệu quả kinh tế.

Ông Nguyễn Trọng Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ Hoàng Long (huyện Thanh Oai) cho biết: Hiện hợp tác xã đang xây dựng chuỗi cung ứng thịt lợn sạch A-Z; khả năng sản xuất của đơn vị tương đối lớn với 400 con lợn nái và hơn 4.000 con lợn thương phẩm. Để bảo đảm quy trình sản xuất khép kín, hợp tác xã đã đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng cơ sở giết mổ với mục đích cung cấp ra thị trường sản phẩm thịt an toàn. Tuy nhiên, sau 2 năm tham gia chuỗi, hợp tác xã vẫn tiêu thụ sản phẩm với số lượng nhỏ giọt, trung bình mỗi ngày vài tấn thịt cung cấp cho bếp ăn tập thể, cửa hàng thực phẩm sạch.

Để xây dựng, phát triển các mô hình chuỗi cung ứng nông sản an toàn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: Thời gian tới, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương, doanh nghiệp tập trung triển khai, xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh theo chuỗi. Đồng thời, tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn và quảng bá sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng; mở rộng phạm vi cung ứng thực phẩm an toàn theo chuỗi đến bếp ăn tập thể, nhất là trường học, khách sạn, nhà hàng. Bên cạnh đó, tổng hợp và chuyển tải thông tin về sản phẩm an toàn, cơ sở sản xuất tiêu biểu và doanh nghiệp liên kết của Hà Nội với các tỉnh, thành phố để giới thiệu, kết nối đến doanh nghiệp, người tiêu dùng trong nước...

Ngọc Quỳnh