Văn phòng Chủ tịch nước công bố 6 luật

Chính trị - Ngày đăng : 16:55, 14/12/2017

(HNMO) - Ngày 14-12, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về công bố 6 luật đã được kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV thông qua.

Luật Quản lý nợ công có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2018 được đánh giá là một bước tiến quan trọng, mạnh mẽ trong quản lý nợ công với nhiều nội dung mới như: thống nhất chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nợ công về một đầu mối. Cụ thể, luật đã quy định, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công. Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công, trong đó quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính: “Chủ trì tổ chức thực hiện đàm phán, ký kết thỏa thuận vay thương mại, hiệp định khung, hiệp định cụ thể về vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài nhân danh Nhà nước và Chính phủ”.

Như vậy, đây là điểm thay đổi quan trọng, trước đây được giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nay được giao về Bộ Tài chính. Đồng thời, luật siết chặt quy định về nợ bảo lãnh chính phủ, vay về cho vay lại, trách nhiệm người đứng đầu; giao Chính phủ quy định nhiệm vụ phối hợp của các bộ, ngành liên quan trong quản lý nợ công.

Điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 15-1-2018 là có 5 phương án để cơ cấu lại các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt. Trong đó, bao gồm các phương án như: phục hồi; sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp; giải thể; chuyển giao bắt buộc và phá sản.

Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các nội dung tại phương án phá sản, bao gồm cả việc yêu cầu tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt nộp đơn yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản. Trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ quyết định việc sửa đổi, bổ sung phương án phá sản.

Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực từ ngày 1-1-2019 gồm 9 chương với 105 điều, giảm 1 chương và tăng 43 điều so với luật hiện hành. Luật khẳng định kiểm ngư là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, thực hiện chức năng bảo đảm thực thi pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản của Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Tiền thu được từ xử phạt vi phạm hành chính của kiểm ngư được nộp vào ngân sách nhà nước và cơ quan kiểm ngư được cấp lại một phần kinh phí thu được từ việc này để phục vụ cho hoạt động kiểm ngư...

Hà Phong