"Điểm mặt" đối tượng làm lộ thông tin khách đi máy bay
Đời sống - Ngày đăng : 19:10, 15/12/2017
Cục Hàng không khẳng định đối tượng mua, bán tin "trắng trợn, coi thường pháp luật". |
"Điểm mặt" đối tượng làm lộ thông tin
Theo Phó Cục trưởng Cục Hàng không VN Đào Văn Chương, vừa qua, Cục Hàng không đã tiến hành thanh tra việc tuân thủ quy định của pháp luật chuyên ngành hàng không đối với các hãng Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific Airlines.
Theo đó, việc lộ thông tin hành khách của chuyến bay (danh sách hành khách của cả chuyến bay kèm theo số điện thoại và các thông tin liên lạc khác) có thể xảy ra ở cả 3 hãng hàng không thông qua 2 loại chương trình phần mềm chủ yếu gồm: hệ thống đặt chỗ, giữ chỗ, bán vé của hãng hàng không và một số chương trình tự phát triển và xây dựng được kết nối với hệ thống đặt chỗ, giữ chỗ để phục vụ các mục đích quản lý của hãng hàng không.
“Đối tượng làm lộ thông tin theo 2 loại chương trình này có thể là các nhân viên công nghệ thông tin liên quan trực tiếp đến việc quản trị hệ thống, chương trình phần mềm đặt chỗ, giữ chỗ, bán vé hành khách; nhân viên của hãng hàng không, nhân viên phòng vé của hãng hàng không được phép tiếp cận chương trình đặt chỗ, giữ chỗ và nhân viên phục vụ mặt đất tại các cảng hàng không”, ông Chương nói và cho biết việc lộ thông tin hành khách có thể xuất phát từ các đại lý đối với khách do đại lý đó đặt chỗ, giữ chỗ, bán vé.
Trung tâm môi giới thông tin taxi là đối tượng mua tin
Kết quả thanh tra của Cục Hàng không VN cũng chỉ rõ việc mua thông tin hành khách đi tàu bay chủ yếu do các trung tâm môi giới thông tin taxi thực hiện. Việc cung cấp thông tin hành khách đi tàu bay do các trung tâm này thực hiện liên tục và thông suốt thông qua phần mềm công nghệ thông tin.
“Đây là điểm khác biệt so với thời gian từ năm 2015 trở về trước”, ông Chương nói và cho biết thêm: Thực tế, từ những năm 2013, thông tin khách đi tàu bay đã bị lộ ra ngoài và một số hãng taxi đã sử dụng để chào mời hành khách sử dụng dịch vụ của mình tại một số cảng hàng không có khoảng cách khá xa so với thành phố như Nội Bài, Cam Ranh, Liên Khương.
Đáng lưu ý, theo ông Chương, việc này được thực hiện thường xuyên, không dừng ngay cả khi lực lượng chức năng đang điều tra, thanh tra vụ việc. “Điều này cho thấy mức độ tinh vi trong phương pháp lấy thông tin, mức độ trắng trợn, coi thường pháp luật của các đối tượng vi phạm”, ông Chương nói.
Cục Hàng không VN cũng “điểm mặt” các tổ chức sử dụng thông tin hành khách đi máy bay là một số Trung tâm môi giới thông tin taxi trên mạng internet (tương tự UBER và GRAB) của doanh nghiệp Việt Nam thiết lập và điều hành đã sử dụng thông tin hành khách đi máy bay để tiếp thị, quảng cáo dịch vụ taxi gồm: Công ty vận tải Nội Bài 247, xã Phù Minh, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội; Taxi Vietgo ngõ 27 Huỳnh Thúc Kháng, Đống Đa Hà Nội, Taxi Nội Bài, ngõ 277 Vũ Tông Phan, quận Thanh Xuân, Hà Nội; Cty TNHH kết nối Nội Bài, số 352 đường bưới, quận Ba đình; dịch vụ vận tải quốc tế Nội Bài DHT (Cầu Giấy, Hà Nội); taxi Nội Bài link (Thanh Xuân-Hà Nội).
Đề nghị Bộ Công an tiếp tục vào cuộc
Theo Phó Cục trưởng Đào Văn Chương, các cơ quan chức năng và các hãng hàng không đang đồng loạt tăng cường triển khai các giải pháp quản lý để ngăn chặn tình trạng này.
Cụ thể, Cục Hàng không Việt Nam đã xây dựng, phối hợp với các cơ quan chuyên môn đưa ra các chương trình, giải pháp công nghệ thông tin, giải pháp quản lý chống tin tặc và nâng cao khả năng bảo mật thông tin trong các hệ thống thông tin hàng không, trong đó có thông tin về hành khách đi máy bay; ban hành văn bản yêu cầu các hãng hàng không rà soát các quy trình, quy định nhập, lưu trữ, bảo mật thông tin cá nhân của hành khách; quản lý chặt chẽ các đầu mối truy cập được thông tin cá nhân của hành khách; tăng cường công tác giám sát bảo mật thông tin cá nhân của hành khách.
Các doanh nghiệp vận chuyển hàng không Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar Pacific xây dựng và đưa vào triển khai các chương trình phần mềm, giải pháp ngăn chặn tin tặc; ban hành quy định, ký cam kết với các đại lý bán vé; ban hành chỉ thị ngăn chặn việc lộ thông tin của hành khách và phối hợp với cơ quan công an, điều tra, xử lý một số đối tượng vi phạm quy định.
Cục Hàng không VN cũng kiến nghị Bộ GTVT ban hành chính sách, giải pháp chung về công nghệ thông tin trong lĩnh vực hàng không để tăng cường công tác bảo mật, an ninh thông tin mạng nói chung và thông tin hành khách nói riêng. Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị có chức năng thực hiện các biện pháp nghiệm vụ để ngăn chặn việc lộ thông tin hành khách đi máy bay.