Nhà sản xuất và người tiêu dùng đều hướng tới tiết kiệm năng lượng
Kinh tế - Ngày đăng : 11:45, 15/12/2017
Theo đó, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh với mức giá mới là 1.720,65 đồng/kWh (chưa gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 6,08% so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.622,01 đồng/kWh). Thời điểm điều chỉnh là từ 1-12-2017. Để có thêm thông tin cho bạn đọc, phóng viên đã phỏng vấn ông Franz Gerner, Trưởng nhóm Năng lượng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam về những vấn đề có liên quan đến việc điều chỉnh giá bán điện.
- Ông đánh giá như thế nào về quyết định gần đây của Bộ Công Thương về tăng giá điện thêm 6,08%, tức là lên đến 1.720 đồng/kWh. Đây là lần tăng đầu tiên kể từ tháng 3-2015?
- Vấn đề chính mà EVN và ngành điện nói chung đang phải đối mặt hiện nay là không thể nâng giá điện tiêu dùng theo mức tăng chi phí. Hiện EVN đang hoạt động với chi phí thấp nhưng giá bán điện thấp đã làm cho tình hình tài chính của doanh nghiệp không khả quan. Giá điện đã bị đóng băng kể từ 2015 ở mức 0,076 USD/kWh, trong khi tổng giá thành là 0,113 USD/kWh năm 2017. Do vậy, đợt tăng giá này sẽ giúp đưa giá điện về gần hơn với mức phản ánh đầy đủ chi phí sản xuất mà mọi người sử dụng đều có thể chi trả được và đồng thời bảo vệ được người tiêu dùng thu nhập thấp thông qua mạng lưới an sinh sẵn có.
- Ông có cho rằng lộ trình tăng giá điện hiện nay là phù hợp không? Giá điện hiện nay cao hay thấp? Việt Nam so với các nước khác trong khu vực và trên thế giới thì như thế nào?
- Giá điện hiện nay thấp hơn mức giá mà EVN phải bỏ ra để mua điện từ các nguồn trong tương lai, kể cả năng lượng tái tạo và nhiệt điện. Nhu cầu đầu tư sản xuất điện tăng nhanh nhằm đáp ứng tốc độ tăng cầu về điện. Muốn thỏa mãn nhu cầu đó thì giá điện phải lên tới mức 0,143 USD/kWh vào năm 2021. Mỗi nước đều có tiềm năng về năng lượng và giá thành sản xuất điện khác nhau. Trong trường hợp Việt Nam, lượng điện có thể sản xuất từ các nguồn rẻ tiền như thủy điện, than, khí đã bị khai thác tới hạn; tất cả sản lượng điện sản xuất mới từ than nhập khẩu và trữ lượng khí trong nước đều sẽ có giá thành cao hơn.
Tuy mức giá thành khác nhau như vậy, nhưng giá bán điện sinh hoạt, giá bán điện cho kinh doanh dịch vụ và giá bán điện cho công nghiệp xây dựng tại Việt Nam hiện nay tương đối thấp so với các nước có cùng trình độ phát triển (GDP/người) trong khu vực và trên thế giới. Ví dụ, giá điện tại Campuchia, Lào, Philippines và Indonesia lần lượt là 19 US cent/kWh, 9 US cent/kWh, 14,6 US cent/kWh, và 7,3 US cent/kWh.
- Lượng điện tiêu thụ tại Việt Nam tăng với mức 2 con số trong giai đoạn 2016-2020. Vậy, mỗi năm Việt Nam cần đầu tư bao nhiêu vào các dự án sản xuất điện mới? Mức giá hiện nay có hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài không?
- Do kinh tế phát triển nhanh nên nhu cầu về điện tại Việt Nam tăng nhanh, khoảng 8%/năm từ nay cho tới năm 2020. Với tốc độ đó, dự tính, tổng vốn đầu tư cần thiết sẽ vào khoảng 12,8 tỉ USD (11 tỉ USD đầu tư vào sản xuất điện và 1,8 tỉ USD đầu tư vào truyền tải và phân phối điện) trong khoảng thời gian 2016-2020. Mô hình cấp vốn ngành điện trước đây của Việt Nam dựa chủ yếu vào đầu tư công nhưng hiện nay sẽ không khả thi nữa do chính phủ sẽ không tiếp tục bảo lãnh cho EVN vay vốn từ các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính quốc tế.
Việt Nam là một trong những nước tiêu thụ nhiều điện nhất khu vực Châu Á-Thái Bình Dương; do vậy tăng cường tiết kiệm sử dụng điện là cách rẻ tiền nhất để tránh phải nâng cao công suất phát điện trong tình hình nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Trong tình hình này, Ngân hàng Thế giới có một gói hỗ trợ tổng thể về tài chính và kỹ thuật huớng tới tăng cường tiết kiệm sử dụng điện trong các nhà máy.
Đồng thời với việc tiết kiệm điện, muốn huy động các nguồn mới đầu tư vào hạ tầng điện lực thì cần áp dụng một số chính sách mới xoay quanh 3 trụ cột gồm: Phát động một chương trình được xây dựng kỹ lưỡng về phát triển các nhà máy phát điện độc lập theo hình thức PPP để qua đó xây dựng lòng tin đối với nhà đầu tư tư nhân; chuẩn bị cho EVN và các công ty thành viên (Tổng Công ty truyền tải điện quốc gia, các Tổng Công ty phát điện, các Tổng Công ty điện lực) đạt tiêu chuẩn vay vốn doanh nghiệp; thực hiện một chương trình nâng cao khả năng cấp vốn bằng đồng nội tệ và tăng cường phát triển thị trường vốn trong nước.
Theo Bộ Công Thương, đợt tăng giá này sẽ làm CPI tăng 0,08% trong năm 2017, 0,1% năm 2018 và giảm mức tăng GDP 0,166%. Ông có ý kiến gì về điều này?
- Kinh nghiệm quốc tế cho thấy tác động của tăng giá điện lên tỉ lệ lạm phát là khá thấp, nhất là khi áp dụng tăng giá từ từ. Đợt tăng giá này có thể làm cho giá cả tăng mạnh hơn xu thế lạm phát thông thường nhưng tác động chỉ mang tính nhất thời và không đáng kể. Nguyên nhân là chi tiền điện chỉ chiếm 2,5% giỏ hàng tiêu dùng mặc dù tác động đó có thể còn lan truyền đôi chút sang các loại hàng hóa và dịch vụ khác có tiêu thụ điện trong sản xuất. Hiện nay, lạm phát khá thấp. Đây chính là điều kiện thuận lợi để tăng giá điện.
Về tăng trưởng GDP thì có hai hiệu ứng trái ngược. Một mặt giá điện tăng sẽ giúp các công ty sản xuất điện cải thiện tình hình tài chính. Nhờ vậy chính phủ cũng có thể cắt giảm hỗ trợ cho các doanh nghiệp này, và vẫn có thể đầu tư vào nâng cao năng lực sản xuất, truyền tải và phân phối điện. Điều đó tất nhiên sẽ góp phần thúc đẩy tăng GDP. Nhưng mặt khác, giá điện tăng sẽ làm tăng chi phí sản xuất, nhất là những ngành tiêu thụ nhiều điện năng, ví dụ ngành công nghiệp chế tạo và một bộ phận nông nghiệp.
Các ngành này sẽ chịu một số tác động ngắn hạn, nhưng về lâu dài tăng giá điện sẽ buộc các khách hàng điều chỉnh các sử dụng điện của mình. Họ sẽ chuyển sang sử dụng điện lệch giờ cao điểm để được hưởng giá thấp hơn hay áp dụng các biện pháp tăng cường tiết kiệm điện. Như vậy sẽ góp phần tăng năng suất lao động. Kinh nghiệm chung trên thế giới là quy định mức giá phản ánh đúng chi phí và hợp lý chính là chính sách kinh tế đúng đắn. Qua đó sẽ đảm bảo rằng cả nhà sản xuất và người tiêu dùng đều hướng tới tiết kiệm năng lượng và đầu tư vào các công nghệ tiết kiệm năng lượng hơn.
- Chính phủ vẫn dành nguồn lực để giúp đỡ người nghèo khi tăng giá nhằm hạn chế bớt tác động lên các nhóm khách hàng khó khăn. Xin ông cho ý kiến về vấn đề này?
- Chính phủ đã thiết lập một mạng lưới an sinh xã hội nhằm giúp đỡ nhóm thu nhập thấp trước các đợt tăng giá; mọi người đều cho rằng các mạng lưới an sinh như vậy được thiết kế tốt và hướng tới các nhóm khó khăn, cần giúp đỡ.
- Chính phủ đã khẳng định cần tăng giá điện theo giá đầu vào, trong khi đó thì giá một số vật tư đầu vào vẫn bị quản lý chứ không theo giá thị trường. Cần làm gì để tránh mua than đắt chỉ với mục đích cứu ngành than? Như vậy có công bằng với ngành điện không?
- Trước đây, Việt Nam đã phát triển thành công các nguồn sản xuất điện bằng than, khí và thủy điện với giá thành thấp. Nhưng, nay do cầu về điện tăng nên các nguồn trong nước không đủ đáp ứng nữa. Ngoài ra, các nguồn mới như than, điện nhập từ Lào và Trung Quốc cùng các nguồn trong nước như các mỏ khí mới, điện gió, điện mặt trời đều có giá thành cao hơn trước đây. Vì vậy, giá thành sản xuất điện và giá bán lẻ sẽ phải tăng thì mới đảm bảo phát triển ngành điện bền vững và cấp điện ổn định.
Hiện nay, điện gió và điện mặt trời đang phát triển tại Việt Nam với giá thành ngày càng hạ. vì vậy các công nghệ này, cùng với chi phí tích điện ngày càng hạ, sẽ cạnh tranh được với các nguồn truyền thống như than và thuỷ điện và có thể cấp được công suất tải tối thiểu. Ngoài ra, Việt Nam cần giảm sự phụ thuộc vào than đá thì mới có thể hoàn thành cam kết NDC (đóng góp quốc gia) về thúc đẩy năng lượng thay thế.
- Tuy tăng giá điện như vậy, nhưng Bộ Công Thương cho biết, trong giá điện vẫn chưa tính đến trên 8.000 tỷ đồng lỗ do chênh lệch tỷ giá... Nếu tính đến khoản này thì giá điện sẽ còn cao hơn nữa. Ông có cho rằng tăng giá như vừa rồi có giúp EVN cải thiện tình hình tài chính không?
- Chiến lược chung về giá điện của Bộ Công Thương là nhằm đảm bảo cho EVN có đủ lãi để bù đắp đủ chi phí hoạt động và hoàn trả vốn vay. Do dựa chủ yếu vào thủy điện nên nếu năm nào có lượng mưa trung bình thì EVN cũng có lãi. Nhưng, vấn đề là nhu cầu vốn đầu tư của EVN và ngành điện rất lớn, vào khoảng 4-7 tỉ USD mỗi năm từ nay cho tới 2030. Con số đó hiện nay chưa thể hiện trong giá điện và cái khó của EVN và ngành điện là làm sao thu hút được vốn thương mại và sự tham gia của khu vực tư nhân vào đầu tư.
- Giá điện, khí, xăng đều tăng trong thời gian gần đây. Ông có cho rằng các doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam có thể theo kịp hàng loạt sự tăng giá như vậy không?
- Chính phủ tăng giá điện là thể hiện điều kiện trên thị trường và làm như vậy sẽ có tác dụng làm tăng hiệu quả phân bổ nguồn lực mà thôi; đồng thời, khi trả mức giá đó người tiêu dùng cũng sẽ tìm cách tối ưu hóa cung cách tiêu dùng của mình và sẽ hưởng lợi từ đó. Nhiều nền kinh tế mới nổi đã trải qua các thời kỳ tương tự trong quá trình phát triển kinh tế (tỉ lệ GDP/người tăng) của mình, và họ cũng có các mạng lưới an sinh nhằm bảo vệ các nhóm thu nhập thấp trước các cú sốc tăng giá. Hiện nay, Việt Nam đã có các mạng lưới như vậy và chúng hoạt động rất hiệu quả.
- Nhằm giảm áp lực lên ngành điện, hiện đã có nhiều dự án BOT với tổng giá trị lên đến 2 tỉ USD. Một số người sợ rằng BOT ngành điện cũng đi theo vết xe đổ của BOT ngành giao thông và giá điện rồi sẽ tăng. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Việt Nam đã thu hút thành công các dự án BOT điện khí và điện than từ các nhà đầu tư quốc tế. Gần đây Việt Nam đã cập nhật và cải thiện khung đối tác công tư PPP. Nhưng, hiện nay khung PPP mới vẫn chưa được chấp nhận rộng rãi; chính phủ và các nhà đầu tư còn nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề phân bổ rủi ro trong các dự án PPP và BOT. Điều đó đã làm chậm quá trình xây dựng dự án. Do chưa có khung PPP chuẩn hóa nên thu hút vốn vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là thu hút vốn qua biên giới.
- Từ trước đến nay, trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Ngân hàng Thế giới chủ yếu đầu tư vào các công trình thủy điện nhỏ. Ông có thể cho biết tại sao như vậy?
- Trước đây, Ngân hàng Thế giới đã cấp vốn mở rộng các công trình thủy điện nhỏ do Việt Nam có tiềm năng thuỷ điện dồi dào và chi phí xây dựng thấp. Nhờ nguồn quỹ 200 triệu USD trong dự án Phát triển năng lượng tái tạo (REDP), Ngân hàng Thế giới đã tài trợ các công trình thủy điện nhỏ do tư nhân sở hữu với tổng công suất trên 220 MW và giúp các ngân hàng tham gia nâng cao năng lực đánh giá và cấp vốn cho các dự án này. Phát huy kinh nghiệm trong dự án REDP, các ngân hàng tham gia dự án đã tài trợ thêm các dự án tư nhân khác với tổng công suất phát điện lên tới 1,8 GW. Ngân hàng Thế giới cũng tài trợ dự án thủy điện Trung Sơn, Thanh Hóa với công suất 260 MW. Dự án này đã đi vào hoạt động tháng 7-2017. Đáng chú ý là dự án đã hoàn thành trước thời hạn và tiết kiệm được chi phí so với dự toán ban đầu. Hiện nay, các nguồn năng lượng tái tạo khác ngoài thủy điện như điện gió, điện mặt trời đang trở nên cạnh tranh hơn nên Ngân hàng Thế giới đã dần sang cấp vốn và hỗ trợ kỹ thuật cho các công nghệ sản xuất điện mới này.
- Ngân hàng Thế giới có kế hoạch nào đầu tư vào năng lượng tái tạo, kể cả điện mặt trời và điện gió, trong thời gian tới không?
- Hiện nay, Ngân hàng Thế giới đang thực hiện nghiên cứu “Tối đa hóa cấp vốn cho phát triển ngành điện Việt Nam (MDF)” trong đó tập trung vào tìm ra và giải quyết các nút thắt liên quan đến việc huy động vốn đầu tư thương mại và tư nhân vào trong ngành điện, kể cả vào năng lượng tái tạo. Dựa vào kết quả nghiên cứu đó, Ngân hàng Thế giới sẽ có giúp Chính phủ Việt Nam giải quyết một cách chiến lược vấn đề thiếu vốn cho các dự án năng lượng tái tạo.
Ngoài ra, hiện nay chúng tôi cũng đang cung cấp một gói hỗ trợ tổng thể cho EVN và Bộ Công Thương nhằm phát triển điện mặt trời gồm: Hỗ trợ Bộ Công Thương xây dựng một chiến lược quốc gia về phát triển năng lượng mặt trời để có thể hòa mạng 12 GW từ nay cho tới năm 2030; giúp thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng xây dựng chiến lược phát triển các hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà và chiến dịch về đo lường năng lượng mặt trời đi kèm; hỗ trợ Bộ Công Thương xây dựng và kiểm tra bản đồ năng lượng mặt trời tại Việt Nam; hỗ trợ Bộ Công Thương thiết kế và thực hiện thí điểm sàn đấu giá năng lượng mặt trời đầu tiên sau khi chương trình cấp điện vào mạng (FIT) hết hạn vào tháng 7-2019 và hỗ trợ EVN phát triển điện mặt trời, bao gồm cả nhà máy điện mặt trời trên mặt nước.
Sau khi thực hiện thành công dự án REPD, hiện nay chúng tôi đang thảo luận với chính phủ về việc tiếp tục hỗ trợ tài chính nhằm mở rộng các dự án điện gió và điện mặt trời.
- Vậy theo ông, tiềm năng sản xuất điện mặt trời tại Việt Nam như thế nào? Liệu có một làn sóng đầu tư vào điện mặt trời hay không?
- Nhìn chung, Việt Nam có tiềm năng về điện mặt trời và nguồn này có thể cùng với các nguồn khác góp phần thỏa mãn nhu cầu về điện ngày càng tăng của Việt Nam. Chi phí sản xuất điện mặt trời đã giảm nhanh chóng trong những năm gần đây và qua đó đã làm tăng tính khả thi của điện mặt trời. Nhưng, chúng ta cần có một môi trường pháp quy tốt thì mới có thể thu hút đầu tư tư nhân. Giá điện đấu nối (feed-in-tariff) 9,35 US cent/kWh làm cho các nhà đầu tư tư nhân rất quan tâm, nhất là các nhà đầu tư trong nước. Bộ Công Thương đã nhận được nhiều đề nghị phát triển các dự án năng lượng mặt trời với tổng công suất lên đến vài GW. Qua đó có thể thấy rằng, giá điện hiện nay hấp dẫn, nhất là đối với các nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên, trong thỏa thuận mua điện hiện nay vẫn còn một số điểm làm giảm sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế và sự tham gia từ phía họ; ví dụ, hiện nay trong thỏa thuận không có điều khoản về chuyển đổi tiền tệ hoặc hỗ trợ khi dừng dự án.
Xin cám ơn ông.