Đưa nông sản, thực phẩm an toàn đến với người dân

Kinh tế - Ngày đăng : 07:12, 16/12/2017

(HNM) - Để giới thiệu, cung ứng nông sản sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh tới người dân Thủ đô, Trung tâm Xúc tiến, đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội đã tổ chức hội thảo kết nối giữa người sản xuất, doanh nghiệp phân phối của các tỉnh, thành phố và người tiêu dùng.


Theo thống kê, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 250-500 vụ ngộ độc thực phẩm với 7.000-10.000 nạn nhân và từ 100 đến 200 ca tử vong... Nhà nước chi hơn 3 tỷ đồng cho việc điều trị, xét nghiệm và điều tra tìm nguyên nhân; quan ngại nhất là chất lượng thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng con người. Trước vấn nạn thực phẩm bẩn, những năm qua, Trung tâm Xúc tiến, đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội đã tiến hành nhiều hội thảo, hội chợ... nhằm kết nối, giới thiệu nông sản an toàn cho doanh nghiệp cung ứng và người tiêu dùng. Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến, đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh cho biết: Thanh Xuân là một trong những quận nội đô có mật độ dân cư đông đúc, nhiều trường học, cơ quan, đơn vị... nên nhu cầu tiêu thụ thực phẩm, nông sản rất lớn. Để giúp người tiêu dùng hiểu toàn diện về nông sản, thực phẩm sạch, đồng thời giới thiệu những địa chỉ cung ứng nông sản bảo đảm chất lượng, Trung tâm triển khai hội thảo tuyên truyền tới người dân về sản phẩm sạch với nhận biết cơ bản: Thực phẩm an toàn là loại thực phẩm không chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, kháng sinh cấm hoặc vượt quá giới hạn cho phép; không chứa tạp chất (kim loại, thủy tinh, vật cứng…); không chứa tác nhân sinh học gây bệnh (vi rút, vi sinh vật, ký sinh trùng...) và phải có nguồn gốc, xuất xứ đầy đủ, rõ ràng; được kiểm tra, đánh giá chứng nhận về an toàn thực phẩm...

Theo UBND quận Thanh Xuân, hiện trên địa bàn quận có 5 điểm kinh doanh thực phẩm an toàn có kiểm soát. Từ đầu năm 2017 đến nay, các điểm kinh doanh này đã thu hút hơn 34.000 lượt khách. Trước nhu cầu thực tế về thực phẩm an toàn của người tiêu dùng ngày càng cao, việc cung cấp những địa chỉ cung ứng thực phẩm sạch và hướng dẫn người tiêu dùng phân biệt thực phẩm an toàn với không an toàn có ý nghĩa rất quan trọng.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã giới thiệu cách phân biệt những thực phẩm an toàn và không an toàn. Chị Nguyễn Thu Mai ở phường Thanh Xuân Bắc chia sẻ: Lâu nay người tiêu dùng mua thực phẩm an toàn chủ yếu dựa vào cảm quan, niềm tin; sau khi tham gia hội thảo, tham quan các gian hàng bày bán, chị đã có thêm kiến thức để nhận diện những thực phẩm sạch. Đơn cử, các sản phẩm tươi sống như thịt phải chọn loại có màng ngoài khô, màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, óng, vết cắt có màu sắc bình thường, sáng, khô; tránh thịt có màu hơi xanh nhạt hoặc hơi thâm, thậm chí đen, không bóng, màng ngoài nhớt; thịt tươi, ngon phải có độ rắn chắc, đàn hồi cao, lấy ngón tay ấn vào không để lại vết lõm, không bị dính tay; thịt tươi và sạch không có mùi lạ, mùi ôi thiu hay mùi thuốc kháng sinh. Ngoài ra, người dân còn biết nắm rõ cách truy xuất nguồn gốc sản phẩm thông qua tem, nhãn...

Nhân dịp này, Trung tâm Xúc tiến, đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội cũng giới thiệu những địa chỉ sản xuất và cung ứng thực phẩm sạch với người tiêu dùng quận Thanh Xuân nói riêng và người tiêu dùng Thủ đô nói chung. Cụ thể là địa chỉ các hợp tác xã chuyên sản xuất rau an toàn, quả sạch; các công ty cung cấp các loại thịt gia súc, gia cầm… Giám đốc Trang trại Tiên Viên (xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ) Đặng Đình Tiên cho biết, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm sạch vẫn khó khăn trong khâu tiêu thụ. Hiện, trang trại cung cấp cho thị trường hơn 70.000 quả trứng/ngày, tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng Hà Nội chưa biết đến trứng gà Tiên Viên do thiếu khâu kết nối. Các hội thảo được tổ chức chính là “cầu nối” hữu hiệu giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất, phân phối...

Đỗ Minh