Đơn vị đầu tiên bắn hạ B-52 và “danh hiệu ba lần anh hùng”

Chính trị - Ngày đăng : 06:31, 16/12/2017

(HNM) - Vào giữa năm 1965, lần đầu tiên, giặc Mỹ cho B-52 ném bom hủy diệt một căn cứ hậu cần của ta ở Bến Cát rồi đánh rộng ra khắp miền Nam. Mười tháng sau, ngày 12-4-1966, B-52 Mỹ leo thang ra miền Bắc, ném bom đèo Mụ Giạ, miền Tây Quảng Bình.


Không để B-52 Mỹ ngang nhiên gây tội ác, một trung đoàn tên lửa SAM2 đã được lệnh lên đường vào tuyến lửa Vĩnh Linh. Đó là Trung đoàn H38, biệt danh là Đoàn Hạ Long.

Xác máy bay B-52 bị quân và dân ta bắn rơi. Ảnh tư liệu


Lúc này không quân, hải quân Mỹ đánh phá Quân khu 4 vô cùng ác liệt. Xuất phát từ tháng 6-1966, vừa đi vừa đánh địch, mãi đến đầu năm 1967, các tiểu đoàn hỏa lực của Trung đoàn H38 mới đến được Vĩnh Linh, nhưng khí tài đều bị máy bay Mỹ gây thiệt hại nặng nề. Máy móc nào bị hỏng, cán bộ, nhân viên kỹ thuật ra sức dồn lắp, sửa chữa. Khí tài nào không phục hồi được, các chiến sĩ lại vượt đạn bom, kéo ra miền Bắc để đổi khí tài mới.

Trên mảnh đất nhỏ hẹp Vĩnh Linh, những trận địa tên lửa của Trung đoàn H38 trở thành mục tiêu số một mà giặc Mỹ quyết tâm xóa sổ. Bom đạn và hỏa tiễn không đối đất của các loại máy bay chiến thuật, chiến lược liên tục dội xuống. Đạn pháo tầm xa, pháo bầy, cả pháo cực nhanh 40 ly từ các căn cứ pháo binh Mỹ ở phía Nam sông Bến Hải bắn sang, từ các tàu tuần dương ở ngoài biển bắn vào, cả ngày và đêm, cực kỳ khốc liệt. Nhờ được nhân dân Vĩnh Linh kiên cường, nhất là công nhân Nông trường Quyết Thắng hết lòng giúp đỡ, đào đắp hầm hào, xây dựng trận địa, ngụy trang che giấu vũ khí, khí tài, nên Trung đoàn H38 đã bám trụ, để vào một ngày tháng 7-1967, lần đầu tiên khi phát sóng, các trắc thủ đã “chộp” được “con ngáo ộp” Mỹ trên màn huỳnh quang.

Đại tá Đặng Tính, Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân, sau cả tháng trời lặn lội trên các trận địa Vĩnh Linh, ngủ chung hầm, ăn chung bữa với các chiến sĩ, khi trở về Hà Nội đã phát biểu trước Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân: Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn H38 là những người xứng đáng “ba lần anh hùng”. Điều này được thể hiện qua việc: Đưa được cả một trung đoàn tên lửa, với những cỗ khí tài đồ sộ, những bệ phóng cồng kềnh, vượt qua bom đạn ác liệt, qua một chặng đường dài biết bao đèo cao, dốc hiểm, hành quân đến được Vĩnh Linh là “một lần anh hùng”. Cả trung đoàn tên lửa ấy đã phải giấu mình trong phi pháo địch, nhưng vẫn trụ vững hàng trăm ngày đêm trên một vùng đất mà nếu ta bốc lên một nắm, bất cứ ở nơi đâu cũng có thể nhìn thấy mảnh đạn, mảnh bom. Đây cũng là nơi báo chí Mỹ và phương Tây đã nhiều lần đưa tin: “Không quân Mỹ đã xóa sạch những giàn tên lửa của Bắc Việt”. Đó là “hai lần anh hùng”. Và “lần thứ ba anh hùng” là: Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn H38 đã khắc phục muôn vàn khó khăn, phức tạp về kỹ thuật, chiến thuật, đã mưu trí, sáng tạo, quyết tâm phát sóng tìm địch, để cuối cùng nhận diện được B-52 Mỹ trên màn hiện sóng, ghi được những dấu hiệu đầu tiên vô cùng quý báu về một loại kẻ thù mới, còn xa lạ với chúng ta. (Lúc này, Trung đoàn H38 chưa bắn rơi được B-52).

Chính ủy Đặng Tính đề nghị, Quân chủng và Binh chủng phải khẩn trương có biện pháp, nhanh chóng cử cán bộ vào Vĩnh Linh chỉ đạo, giúp đỡ Trung đoàn H38 vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ, bắn rơi cho được B-52 Mỹ.

Sau đó không lâu, chấp hành chỉ thị của Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng, một đoàn cán bộ của Binh chủng Tên lửa, gọi là “Đoàn công tác B” do Phó Tư lệnh Binh chủng Hoàng Văn Khánh làm Trưởng đoàn mang theo những kinh nghiệm của các đơn vị tên lửa Hà Nội, cấp tốc lên đường vào Vĩnh Linh. Trước khi đi, Đoàn được Chính ủy Đặng Tính căn dặn thêm: “Quyết tâm của Quân ủy Trung ương là dù khó khăn đến mấy cũng phải bắn rơi cho được B-52, từ đó rút ra được những bài học kinh nghiệm, để làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch đối phó với B-52 trong tình huống phức tạp hơn sau này”.

Được sự chỉ đạo của “Đoàn công tác B”, trong hoàn cảnh bị “sứt mẻ”, Trung đoàn H38 đã phải dồn ghép lực lượng - người và vũ khí khí tài - tập trung bảo đảm cho một tiểu đoàn sẵn sàng chiến đấu. Đó là Tiểu đoàn 84. Tin vui đã đến, ngày 17-9-1967, Tiểu đoàn Tên lửa 84, dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Đình Phiên, đã bắn rơi 2 chiếc B-52 trên vùng trời sông Bến Hải.

Nhận được điện của “Đoàn công tác B” gửi ra, mặc dù đêm đã khuya, Tư lệnh Quân chủng Phùng Thế Tài cũng “đánh bạo” gọi điện lên Bác Hồ, để báo cáo với Bác kính yêu tin vui này. Ngay hôm sau, Bác Hồ đã gửi thư khen đồng bào, chiến sĩ Vĩnh Linh:
“Bác rất vui lòng được tin ngày 17-9-1967, Vĩnh Linh đã lập công xuất sắc, lần đầu bắn rơi hai máy bay B-52 của giặc Mỹ.
Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Bác đặc biệt gửi lời khen đồng bào, cán bộ và chiến sĩ Vĩnh Linh đánh giỏi, bắn trúng, chiến thắng vẻ vang. Vĩnh Linh xứng đáng là tiền tuyến anh hùng của miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Đồng bào, cán bộ và chiến sĩ Vĩnh Linh hãy phát huy truyền thống đoàn kết, anh dũng, kiên cường trong chiến đấu và sản xuất, giành nhiều thắng lợi hơn nữa.
Chào thân ái và quyết thắng!”.
Tiểu đoàn 84 còn được Bác ký quyết định tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì.

Ý nghĩa của chiến công này thật to lớn. Bấy lâu nay, một bài toán khó: “Làm sao bắn rơi được B-52 Mỹ?” được đặt ra trước Bộ Tư lệnh cùng cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Phòng không - Không quân, đã có lời giải đáp: Máy bay B-52 đã bị tên lửa SAM2 của Việt Nam bắn rơi. Qua chiến công ngày 17-9-1967, hoàn toàn có thể khẳng định: “Tên lửa SAM2 của ta hoàn toàn có đủ điều kiện bắn rơi pháo đài bay B-52 của Mỹ”.

Những bài học đổi bằng xương máu của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn H38 đã được “Đoàn công tác B” đúc kết lại trong 29 trang giấy viết tay mang tên “Bản tổng kết đánh B-52 ở Vĩnh Linh”, một tài liệu rất quý giá, góp phần làm cơ sở cho việc biên soạn bản “Kế hoạch đánh B-52 bảo vệ Hà Nội - Hải Phòng” ra đời 5 tháng sau đó. Đây là bản kế hoạch “tiền thân” cho những bản kế hoạch tiếp theo, những phương án đánh B-52 ngày càng hoàn chỉnh của Quân chủng Phòng không - Không quân. Cũng có thể nói: Chiến công của Trung đoàn H38 ngày 17-9-1967 là một trong những chiến công mở đầu cho cuộc hành trình đi tới Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” oanh liệt của quân dân ta vào tháng 12-1972.
(“Điện Biên Phủ trên không” - chiến thắng của ý chí và trí tuệ Việt Nam)

Lưu Trọng Lân