Nâng chất lượng dân số để phát triển đất nước
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:11, 18/12/2017
Hơn nửa thế kỷ qua, chính sách dân số của Việt Nam vẫn là một dòng chảy liên tục, là mục tiêu quan trọng trong đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nghị quyết số 04-NQ/HNTƯ (năm 1993) của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa VII đã nhấn mạnh: “Công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước, là một trong những vấn đề kinh tế - xã hội hàng đầu của nước ta, là một yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và của toàn xã hội”.
Đến nay, với dân số khoảng 94 triệu người, Việt Nam đang có mức tăng quy mô dân số thấp nhất trong 35 năm qua, trong khi tỷ lệ sinh đang tiếp tục giảm và ổn định. Đây là một thành tựu lớn của chính sách dân số hợp lý mà chúng ta đã thực hiện. Tuy vậy, trong một bối cảnh mới, “bức tranh” dân số đang đặt ra nhiều thách thức to lớn đối với sự phát triển bền vững của đất nước, đòi hỏi phải có sự đổi mới về nhận thức và phương pháp hành động.
Từ yêu cầu thực tiễn, ngày 25-10-2017, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TƯ về công tác dân số trong tình hình mới, với quan điểm mang tính “cách mạng” trong chính sách dân số: Chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là đầu tư nâng cao chất lượng dân số, chỉ số phát triển con người… góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.
Có thể khẳng định, chiến lược dân số là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước; một trong những vấn đề hàng đầu tác động trực tiếp đến nền kinh tế - xã hội; là yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của con người. Nói cách khác, dân số vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Vì vậy, đầu tư cho công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình là đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế trực tiếp rất cao.
Muốn vậy, công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh bảo đảm phát triển nhanh và bền vững. Chính sách dân số phải bảo đảm cân bằng, hài hòa giữa quyền và nghĩa vụ của mọi người dân; giữa việc tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi với thực thi nghiêm kỷ cương pháp luật; giữa việc mở rộng, ứng dụng các kỹ thuật mới với việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân.
Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam phát biểu trong Lễ kỷ niệm Ngày dân số thế giới năm nay đã nhấn mạnh nhiệm vụ “xây dựng một thế giới mà mỗi lần mang thai đều được mong đợi, mỗi lần sinh nở đều được an toàn và mỗi người trẻ tuổi đều được phát triển hết tiềm năng của mình”.
Chất lượng dân số là sự phản ánh các đặc trưng về thể chất, trí tuệ và tinh thần của toàn bộ dân số, bao gồm cả trình độ giáo dục, cơ cấu và trình độ nghề nghiệp - xã hội, tính năng động, mức sống, tình trạng sức khỏe; có quan hệ mật thiết với trình độ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Do đó, chất lượng dân số phải là mục tiêu phấn đấu của cả cộng đồng, quốc gia nhằm hướng tới mục tiêu “nâng cao vị thế con người và phát triển đất nước phồn vinh”.