Hoạt động hợp tác xã - Hiệu quả chưa như kỳ vọng
Kinh tế - Ngày đăng : 07:27, 18/12/2017
Chăm sóc đàn lợn giống tại Hợp tác xã Chăn nuôi - Dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa, Hà Nội). Ảnh: Nhật Nam |
Yếu nhiều khâu
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cạnh tranh ngày càng gay gắt, Luật Hợp tác xã năm 2012 ra đời đã góp phần hoàn thiện quan hệ sản xuất, phù hợp với cơ chế thị trường. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, nhiều địa phương còn gặp vướng mắc: Một số chính sách ban hành phân tán, chưa đồng bộ, thiếu tính khả thi, chưa có hướng dẫn cụ thể như xử lý tài sản không chia sau chuyển đổi, giải thể hợp tác xã, hướng dẫn định mức và thủ tục thực hiện hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng cho hợp tác xã nông nghiệp; thủ tục đăng ký hợp tác xã phức tạp hơn so với doanh nghiệp (yêu cầu phải đầy đủ các thủ tục, biểu mẫu theo quy định, trong đó có chữ ký, chứng minh nhân dân của thành viên hợp tác xã); nguồn lực hỗ trợ hợp tác xã về xúc tiến thương mại, ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới, đất đai còn phân tán; chưa có cơ chế, chính sách riêng... Đa số hợp tác xã ít vốn, trang thiết bị lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chưa xây dựng được chuỗi liên kết, khả năng huy động vốn trong các thành viên còn hạn chế...
Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh nông sản thực phẩm huyện Phúc Thọ Nguyễn Hưng Thịnh cho biết: Hợp tác xã chuyển đổi từ năm 2016, nhưng hầu như vẫn hoạt động theo phương thức cũ, chưa có nhiều dịch vụ cung ứng cho người dân. Đặc biệt, hợp tác xã chưa hình thành được chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nên các thành viên vẫn tự lo về "đầu ra". Nguyên nhân do năng lực của hợp tác xã còn yếu, thiếu kinh phí hoạt động...
Đánh giá về quá trình chuyển đổi của hợp tác xã, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định: Nhìn chung, việc thực hiện chuyển đổi từ hợp tác xã cũ sang hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012 còn chậm. Nguyên nhân do một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến hợp tác xã; chưa sát sao trong chỉ đạo, giám sát; cán bộ quản lý hợp tác xã chủ yếu kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi. Hiện, chỉ có 0,4% hợp tác xã đang hoạt động được tiếp cận vay vốn tín dụng và 48,5% hợp tác xã nông nghiệp xây dựng và thực hiện phương án sản xuất kinh doanh trong quá trình hoạt động.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Mạnh Quân cho biết: Một số hợp tác xã nông nghiệp thực hiện chuyển đổi chậm hoặc chuyển chỉ mang tính hình thức; doanh thu từ các ngành dịch vụ thấp, không đủ khả năng chi trả chi phí quản lý; cán bộ quản lý hợp tác xã đa số tuổi cao, trình độ hạn chế, thiếu năng động, chưa nhạy bén với thị trường...
Điều chỉnh sát thực tế
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho rằng: Về cơ bản, các quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 đáp ứng được yêu cầu phát triển đơn vị trong cơ chế thị trường hiện nay. Tuy nhiên, về lâu dài, các bộ, ngành cần tiếp tục rà soát văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012, qua đó, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế, như thủ tục đăng ký, giải thể tự nguyện, giải thể bắt buộc hợp tác xã… Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên, nhân dân để họ hiểu rõ vai trò tất yếu của kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã...
Ngoài ra, cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung việc nâng tỷ lệ vốn góp tối đa 30% thay vì 20% như hiện nay, nhằm khuyến khích thành viên hợp tác xã tham gia tăng cường vốn hoạt động cho hợp tác xã. Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định về chế độ bảo hiểm nông nghiệp; chính sách hỗ trợ bảo quản sau thu hoạch; ứng dụng công nghệ cao; áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất an toàn…
Để đạt hiệu quả cao, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Cần nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác xã nông nghiệp trước hết bằng việc nâng cao trình độ cán bộ quản lý trong lĩnh vực này. Các địa phương nên lựa chọn một số hợp tác xã có quy mô phù hợp để hỗ trợ xây dựng mô hình liên kết chuỗi theo hướng ứng dụng công nghệ cao; tiêu chuẩn an toàn; xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, nhân rộng mô hình đã có hiệu quả tới các địa phương khác.
Ngoài ra, cần xây dựng kế hoạch thành lập mới các hợp tác xã theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT theo mục tiêu đến năm 2020 là xây dựng 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả. Song hành, các bộ, ngành cùng chính quyền địa phương cần quan tâm nguồn phát triển hợp tác xã, chủ yếu là các tổ hợp tác và trang trại (hiện cả nước có 62.697 tổ hợp tác và gần 31.717 trang trại), qua đó, tích cực vận động, tuyên truyền các trang trại liên kết, tiến tới phát triển tổ hợp tác và thành lập hợp tác xã kiểu mới.