Bài 2: Không “từ bỏ” kế hoạch hóa gia đình
Xã hội - Ngày đăng : 06:47, 19/12/2017
Phát tờ rơi tuyên truyền công tác dân số kế hoạch hóa gia đình tại xã Duyên Thái (huyện Thường Tín). Ảnh: Lê Tuấn |
Giảm chỗ cần giảm, nâng chỗ cần nâng
Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam dự báo, nếu để mức sinh giảm xuống thấp và tổng tỷ suất sinh chỉ khoảng 1,35 con/phụ nữ, giai đoạn 2020-2050, quy mô dân số nước ta sẽ đạt cực đại từ 95 đến 100 triệu người. Ðiều này sẽ dẫn đến dân số suy giảm, thiếu nguồn lao động, giai đoạn cơ cấu dân số “vàng” ngắn lại và già hóa dân số diễn ra nhanh. Thế nhưng, nếu để mức sinh tăng trở lại và tổng tỷ suất sinh có thể lên tới 2,3-2,5 con/phụ nữ, thì đến năm 2050 quy mô dân số nước ta sẽ đạt cực đại ở mức quá cao - khoảng từ 130 đến 140 triệu người, mật độ 400 người/km2. Ðiều này sẽ gây áp lực lớn đối với các lĩnh vực y tế, giáo dục, lao động, việc làm..., bất lợi đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và cơ cấu nhân khẩu học của đất nước trong tương lai.
Mới đây, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đã tiến hành cuộc khảo sát với sự tham gia của hơn 700.000 người, trong đó 73% người mong muốn có hai con; 8,3% mong có một con; 9,3% mong có ba con và hơn 8% mong có nhiều hơn ba con. Với kết quả khảo sát này, ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) khẳng định, việc điều chỉnh mức sinh chưa thể gây ra nguy cơ bùng nổ dân số. Hiện tại, chúng ta chỉ chuyển trọng tâm chính sách, từ chỉ tiêu giảm sinh sang duy trì mức sinh thay thế chứ không phải “từ bỏ” kế hoạch hóa gia đình.
GS.TS Nguyễn Đình Cử, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu dân số, gia đình và trẻ em Việt Nam cho biết thêm, để duy trì mô hình gia đình hai con, duy trì vững chắc mức sinh thay thế như Nghị quyết 21-NQ/TƯ đặt mục tiêu, phải áp dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình nhưng theo phương thức mới, linh hoạt hơn. Nếu như trước đây, công tác kế hoạch hóa gia đình áp dụng theo một chiều là vận động giảm sinh thì nay sẽ hướng đến hai chiều, đó là giảm chỗ cần giảm, nâng chỗ cần nâng. Cụ thể, tập trung ưu tiên vận động sinh ít con hơn ở vùng có mức sinh cao. Duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế và sinh đủ hai con ở những nơi có mức sinh thấp. “Do đó, việc truyền thông, phương thức cung cấp phương tiện, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình cũng phải khác nhau giữa các địa phương có mức sinh khác nhau”, GS.TS Nguyễn Đình Cử nói.
Còn theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), việc “nới” chính sách sinh con nhưng không đồng nghĩa với việc các cặp vợ chồng được sinh thoải mái. Việc “nới” lỏng ở đây là để những nơi có mức sinh thấp phải được điều chỉnh, các cặp vợ chồng sinh con có trách nhiệm thực hiện theo định hướng đó. Dự thảo Luật Dân số tới đây nếu được thông qua cũng sẽ quy định mức sinh cho từng vùng, không phải nơi nào cũng có thể sinh con thoải mái.
Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị
Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam là một trong 15 nước mất cân bằng giới tính khi sinh cao. Dù tình trạng này ở nước ta diễn ra sau các nước khác hơn 30 năm nhưng lại tăng nhanh. Cụ thể, năm 2006, tỷ lệ bé trai/bé gái tại nước ta mới ở mức 109 bé trai/100 bé gái nhưng đến 2012 lên tới 112,3 bé trai/100 bé gái, năm 2015 lên 112,6 bé trai/100 bé gái và hiện tại xấp xỉ 113 bé trai/100 bé gái. Trong khi đó, chỉ số này chỉ được coi là bình thường trong khoảng 103-107 bé trai/100 bé gái. Nghiêm trọng nhất là khu vực Đồng bằng sông Hồng, mất cân bằng giới tính khi sinh lên tới 115 bé trai/100 bé gái. Riêng các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định, con số này là 122 bé trai/100 bé gái.
GS.TS Nguyễn Đình Cử chỉ ra rằng, tâm lý ưa thích con trai là nguyên nhân sâu xa, đã ngấm sâu vào ý thức của người dân Việt Nam hàng nghìn năm nay. Thêm vào đó, nhờ công nghệ, kỹ thuật hiện đại, người dân có thể lựa chọn giới tính thai nhi. Rồi an sinh xã hội cho người cao tuổi chưa bảo đảm nên người dân vẫn muốn có con trai để cậy nhờ khi về già. Bên cạnh đó, việc hạn chế mức sinh chỉ 1-2 con khiến khả năng có được con trai bị giảm, làm tăng nhu cầu lựa chọn giới tính, dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh. Với tình trạng này, dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ thiếu ít nhất 2,3 - 4,3 triệu phụ nữ, hàng triệu đàn ông sẽ không có vợ. Ông Nguyễn Văn Tân cho rằng, dù không thể kết hôn nhưng họ vẫn có nhu cầu tình dục và sẽ làm gia tăng các tệ nạn xã hội như: Mại dâm, HIV/AIDS, buôn bán phụ nữ, trẻ em, tội phạm xuyên quốc gia… Đối với những ngành nghề vốn được xem là thích hợp với phụ nữ, như: Giáo viên mầm non, tiểu học, y tế, may mặc… cũng sẽ thiếu vắng lao động nữ…
Vì vậy, theo ông Nguyễn Văn Tân, để thay đổi được toàn bộ nhận thức, hành vi của người dân thì cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Và khi “nới” chính sách sinh con, từng bước sửa đổi các quy định về mức sinh, cùng với các giải pháp khác về kinh tế, an sinh xã hội... thì động lực lựa chọn giới tính khi sinh sẽ giảm dần. Mức sinh bảo đảm hợp lý cũng giúp làm chậm quá trình già hóa dân số, kéo dài thời kỳ dân số “vàng”.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 94 triệu dân, trung bình mỗi năm tăng thêm 850.000 - 900.000 người. Với định hướng không tiếp tục thực hiện giảm sinh mà thay bằng duy trì mức sinh thay thế vững chắc, ước tính, đến năm 2030, quy mô dân số Việt Nam ở mức 104 triệu người; đến năm 2049 ổn định ở 113-115 triệu người. |
(Còn nữa)