Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ

Kinh tế - Ngày đăng : 07:32, 19/12/2017

(HNM) - Được đánh giá là đóng vai trò quan trọng trong thay đổi cơ cấu ngành Công nghiệp, nhưng thời gian qua, công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung chưa được đầu tư đúng mức.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA), công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam mới dừng ở gia công chế tạo các sản phẩm đơn giản, giá trị gia tăng thấp... Đến nay, tỷ lệ nội địa hóa của ngành chế tạo ô tô chỉ đạt 5-20%; ngành điện tử 5-10%; ngành da giày khoảng 30%...

Nhận định về khó khăn này, ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch HANSIBA cho biết, không chỉ yếu về số lượng, chất lượng các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cũng đáng lo ngại. Do phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ doanh nghiệp nước ngoài, nhiều doanh nghiệp trong nước phải thu hẹp, chuyển hướng, thậm chí dừng sản xuất, phá sản. Điển hình là vừa qua Samsung đã công bố nhu cầu 170 sản phẩm, Toyota công bố cần hàng trăm linh kiện, nhưng các doanh nghiệp của Việt Nam không thể đáp ứng được… Bà Đào Thị Thu Huyền, Phó Giám đốc Công ty TNHH Canon Việt Nam cho biết, cách đây 5 năm, công ty đặt mục tiêu nâng tỷ lệ nội địa hóa lên 70%, nhưng đến nay, con số này vẫn không thay đổi do doanh nghiệp không tìm được thêm nhà cung ứng nội địa nào phù hợp.

Theo ông Nguyễn Hoàng, Việt Nam hiện chỉ có khoảng 0,3% trong tổng số gần 500.000 doanh nghiệp tham gia vào sản xuất chế tạo cho ngành công nghiệp hỗ trợ. Đây thực sự là con số đáng báo động khi so sánh với cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại một số nước ngay trong khối ASEAN.

Sở Công Thương Hà Nội cho biết, từ năm 2007, UBND TP Hà Nội đã xác định phát triển công nghiệp hỗ trợ là một trong những mục tiêu phát triển kinh tế quan trọng của thành phố. Theo đó, trên địa bàn Thủ đô đã hình thành hệ thống doanh nghiệp chuyên sâu về công nghiệp hỗ trợ và một số khu công nghiệp chuyên sâu, như Bắc Thăng Long, Nội Bài, Quang Minh… được điều phối, dẫn dắt bởi các tập đoàn quốc gia, đa quốc gia có trình độ chuyên môn hóa cao, tạo hiệu quả lớn trong sản xuất.

Nhằm nâng tầm doanh nghiệp cũng như ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, theo Chủ tịch HANSIBA Nguyễn Hoàng, các doanh nghiệp nội cần chú trọng đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, tìm hướng tiếp cận các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia để tìm hiểu yêu cầu của đối tác và “đầu ra” cho sản phẩm. Để làm được việc này, rất cần có các chương trình xúc tiến, trong đó chính quyền vừa là cầu nối, vừa là cơ quan giám sát việc thực hiện quá trình kết nối; cần sớm ban hành Luật Công nghiệp hỗ trợ...

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng cho biết, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2017-2020, định hướng 2025. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2020, sẽ có 900 doanh nghiệp chuyên sâu trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, trong đó, 40% doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.

UBND thành phố sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, kết nối doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài; thu hút, kêu gọi doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong việc quản lý, quản trị, phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ. Đồng thời, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư để tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. UBND thành phố cũng sẽ kiến nghị với Chính phủ cho phép ban hành những chính sách đặc thù phù hợp và tận dụng tiềm năng phát triển của Thủ đô.

Thanh Hiền