Quân đội nhân dân anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng

Chính trị - Ngày đăng : 15:33, 19/12/2017

(HNMO) - Nhân kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2017), Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có bài viết


Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng sinh ra từ nhân dân, vì nhân dân mà chiến đấu, do Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sáng lập, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện, được nhân dân tin yêu gọi với cái tên trìu mến “Bộ đội Cụ Hồ”. Trải qua 73 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, Quân đội ta ngày càng lớn mạnh, cùng toàn Đảng, toàn dân vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, lập được nhiều chiến công hiển hách, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ngày 22 tháng 12 năm 1944, thực hiện Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, tại khu rừng Sam Cao, châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam, do đồng chí Võ Nguyên Giáp lãnh đạo, được thành lập, đánh dấu bước ngoặt trong chiến lược xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng của Đảng ta. Ngày 22 tháng 12 đã đi vào lịch sử vẻ vang dân tộc, trở thành Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, ngày hội truyền thống của đất nước. Vừa mới thành lập, được nhân dân hết lòng thương yêu, giúp đỡ, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã giành thắng lợi trong hai trận đánh đồn Phai Khắt (ngày 25-12-1944) và Nà Ngần (ngày 26-12-1944), gây tiếng vang lớn, mở đầu truyền thống “trăm trận trăm thắng” của quân đội ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân cùng các đơn vị Cứu quốc quân, các đội du kích phát triển thành Việt Nam giải phóng quân, đã cùng đồng bào cả nước tiến hành Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thắng lợi, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc ta.

Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) thành lập ngày 22-12-1944. Ảnh tư liệu


Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Quân đội ta đã quán triệt đường lối kháng chiến của Đảng là toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính, phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc; từ đánh nhỏ lên đánh lớn, từ đánh du kích lên đánh chính quy, từ tiến công chiến thuật lên tiến công chiến dịch, tiến công và phản công chiến lược, càng đánh càng mạnh, lập nên những chiến công vang dội. Trải qua chín năm kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh, Quân đội ta đã làm phá sản chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” và sau đó là “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”, khoét sâu thế yếu của địch, làm cho địch càng đánh càng lâm vào thế bị động, càng đánh càng thua. Với thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, quân và dân ta đã buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ. Lần đầu tiên trong lịch sử đương đại, một quân đội trang bị thô sơ đã đánh bại đội quân nhà nghề của một cường quốc thực dân. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ đã mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ, cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới. Đây là mốc son chói lọi không chỉ đối với lịch sử dân tộc ta mà còn cả với nhân loại tiến bộ.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ác liệt nhất, quy mô lớn nhất trong thời đại ngày nay, Quân đội ta với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, đã cùng toàn Đảng, toàn dân không quản gian khổ, hy sinh, liên tiếp đánh bại các chiến lược chiến tranh phản cách mạng của năm đời tổng thống Mỹ: Chiến lược “Phản ứng linh hoạt” của Ai-xen-hao; chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Ken-nơ-đi; chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Giôn-xơn; chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Ních-xơn. Với những chiến thắng vang dội: Ấp Bắc, Vạn Tường, Bàu Bàng, Plâyme, Đường 9 - Nam Lào..., Quân đội ta càng đánh càng lớn mạnh, tiến công Mỹ - ngụy ở các thành phố, các sào huyệt của địch, buộc chúng phải ngồi vào bàn đàm phán hòa bình ở Pa-ri. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, kết thúc vẻ vang 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc đầy hy sinh, gian khổ, nhưng cũng rất hào hùng, oanh liệt. Thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc như trang sử chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX.

Không chỉ chiến đấu giải phóng dân tộc mình, Quân đội ta còn sát cánh với lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân Lào, Campuchia cùng chống kẻ thù chung, vì độc lập, tự do của mỗi nước. Ngay sau khi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược vừa kết thúc thắng lợi, Quân đội ta lại bước vào cuộc chiến đấu ác liệt bảo vệ biên giới và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng, để lại những hình ảnh tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân Campuchia.

Cùng với thắng lợi vẻ vang của Cách mạng Tháng Tám, kháng chiến chống thực dân Pháp, thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên hòa bình, thống nhất, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Trong giai đoạn cách mạng mới, bản chất tốt đẹp và truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” được tôi luyện qua các cuộc kháng chiến và chiến tranh vệ quốc tiếp tục tỏa sáng trong công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng, Quân đội ta đã tập trung xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, xứng đáng là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Chủ động nắm vững, phân tích, đánh giá và dự báo đúng tình hình, thực hiện tốt chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước về quân sự, quốc phòng. Phối hợp, tham mưu, xử lý kịp thời, có hiệu quả các tình huống phức tạp nảy sinh, không để bị động, bất ngờ, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững ổn định chính trị, môi trường hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước.



Phát huy tốt vai trò nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững mạnh ở từng khu vực và trên phạm vi cả nước, nhất là ở các địa bàn chiến lược, trọng điểm về quốc phòng, an ninh. Quan tâm xây dựng lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ vững mạnh. Tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường củng cố tiềm lực quốc phòng. Chủ động phối hợp, hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ với Công an nhân dân và các bộ, ban, ngành, địa phương lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, phát huy sức mạnh tổng hợp, tích cực tham gia phòng, chống chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, phản động và đấu tranh phòng, chống tội phạm…

Cùng với việc thực hiện tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, Quân đội ta còn làm tốt công tác dân vận, tích cực giúp nhân dân phát triển sản xuất, dạy học, chữa bệnh, xóa đói, giảm nghèo, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu nạn, cứu hộ; xây dựng cơ sở chính trị ở cơ sở, củng cố “thế trận lòng dân” vững chắc, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Thời gian tới, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta đang đứng trước tiền đồ hết sức vẻ vang, nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Trên thế giới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, sắc tộc, tôn giáo, hoạt động can thiệp, lật đổ, khủng bố và các thách thức an ninh phi truyền thống diễn biến phức tạp với những đặc điểm mới. Các thế lực thù địch, phản động ráo riết thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ với những thủ đoạn ngày càng thâm độc, xảo quyệt hòng “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Trong bối cảnh trên, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng đặt ra rất nặng nề, đòi hỏi Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng, lực lượng vũ trang nhân dân nói chung phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, không ngừng nỗ lực phấn đấu xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu ngày càng cao, bảo đảm hoàn thành tốt chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động, sản xuất, thực sự là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Chủ động nắm chắc tình hình trong nước và quốc tế liên quan đến quốc phòng, làm tốt công tác dự báo chiến lược, kịp thời đề xuất với Đảng, Nhà nước các chủ trương, giải pháp về bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, biển, đảo, vùng trời, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Chú trọng xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh, toàn diện gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc phù hợp với thực tiễn và đặc điểm của từng địa bàn, khu vực, nhất là địa bàn chiến lược và vùng biên giới, biển, đảo của Tổ quốc. Xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững mạnh, bảo đảm để các địa phương xử lý tốt các tình huống quốc phòng, an ninh trong cả thời bình và thời chiến.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh; tăng cường tiềm lực quốc phòng, trước hết là tiềm lực về chính trị, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội ở cơ sở và từ cơ sở.

Thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng; đồng thời, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, thi đua quyết thắng, tạo chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm chính trị và hành động cách mạng của cán bộ, chiến sĩ, giữ vững và phát huy truyền thống cách mạng, phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, tăng cường đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước, kỷ luật Quân đội. Mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân phải sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ Quân đội, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, trước hết là vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, bảo đảm đủ năng lực lãnh đạo hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Toàn quân tiếp tục quán triệt, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về quân sự, quốc phòng. Đảng bộ Quân đội gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Kế thừa và phát huy truyền thống 73 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam - Quân đội anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng đã, đang và sẽ viết nên những trang sử oanh liệt, làm rạng rỡ non sông, đất nước. Đảng, Nhà nước, nhân dân ta vô cùng tự hào về Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng và mong muốn các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục lập nhiều chiến công, thành tích to lớn hơn nữa, xứng đáng với lời khen tặng của Bác Hồ kính yêu: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”1.

TRẦN ĐẠI QUANG
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam


------------------------
1Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t. 11, tr. 350.