"Nước Mỹ trên hết”
Thế giới - Ngày đăng : 06:23, 20/12/2017
Chiến lược an ninh quốc gia mới của Mỹ cam kết xây dựng quân đội Mỹ hùng mạnh hơn. |
Nền tảng trong Chiến lược an ninh quốc gia 2017 của Mỹ được xây dựng dựa trên học thuyết “Nước Mỹ trên hết” của ông chủ Nhà Trắng. Đây là chủ đề chính trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống D.Trump và cũng là một nước cờ giúp ông chiến thắng trong cuộc đua vào chiếc ghế người lãnh đạo nước Mỹ cuối năm ngoái. Theo chiến lược an ninh mới, xứ Cờ hoa sẽ hợp tác với các nước khác theo hướng bảo vệ lợi ích quốc gia. Thậm chí, Mỹ có thể đơn phương hành động, bỏ qua các thỏa thuận đang tồn tại, không tính đến lợi ích các nước liên quan trong một số vấn đề như biên giới, thương mại, biến đổi khí hậu, di cư. Cụ thể, văn kiện này đã xác định rõ những khó khăn mà nước Mỹ đang phải đối mặt trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều thay đổi không có lợi cho nước Mỹ. Các thách thức được chia thành ba nhóm.
Thứ nhất, Mỹ cho rằng các quốc gia như Trung Quốc và Nga, đang tìm cách xây dựng một trật tự toàn cầu mới, cả về quân sự lẫn kinh tế, tranh giành ảnh hưởng với nước này. Washington nhận định Nga là một “nhân tố tiêu cực trên trường quốc tế” và coi Mátxcơva là một đối thủ, bất chấp ý định của cá nhân ông D.Trump muốn có mối quan hệ nồng ấm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Chính quyền Tổng thống D.Trump cũng coi hành vi mà họ gọi là "xâm lăng kinh tế" từ những nước như Trung Quốc là mối quan ngại an ninh quốc gia quan trọng. Nhóm thứ hai là các quốc gia được Mỹ xếp vào diện “cứng đầu” hoặc “bất hảo” như Iran và Triều Tiên, với nỗ lực theo đuổi vũ khí hủy diệt hàng loạt, trợ giúp khủng bố cũng như các “hoạt động gây bất ổn khác”. Thứ ba là các nhân tố phi nhà nước như các tổ chức khủng bố và băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia. Đề cập đến sức mạnh quân sự, Chiến lược an ninh mới khẳng định sẽ "xây dựng lại" quân đội Mỹ không thua kém bất cứ lực lượng nào trên thế giới.
Theo các nhà phân tích, chiến lược của ông D.Trump mang nhiều chỉ dấu cho thấy việc nhìn nhận thế giới đang quay trở lại thời Chiến tranh Lạnh. Trong khi cựu Tổng thống Barack Obama giảm nhẹ tầm quan trọng của vũ khí hạt nhân thì Tổng thống D.Trump xem đây là "nền tảng trong chiến lược của chúng ta nhằm duy trì hòa bình, ổn định thông qua việc ngăn chặn các hành vi hung hăng chống lại Mỹ, các đồng minh và đối tác của Mỹ". Tuy nhiên, chiến lược mới không sử dụng từ "phủ đầu", kể cả trong nội dung nói về Triều Tiên. Các nhà phân tích cũng cho rằng, các mối đe dọa mà Chiến lược an ninh 2017 ưu tiên trùng với những gì được chính quyền cựu Tổng thống B.Obama trình bày vào năm 2015, nhưng ông B.Obama tập trung vào việc chia sẻ và mở rộng các lợi ích kinh tế của Mỹ. Trong khi đó, cách tiếp cận của chính quyền D.Trump nhấn mạnh rằng sự thịnh vượng của Mỹ phải được bảo vệ, không phải mở rộng.
Có thể thấy, "Nước Mỹ trên hết" không chỉ là một khẩu hiệu tranh cử mà giờ đây trở thành động lực định hướng quá trình xây dựng chính sách của xứ Cờ hoa. Dư luận Mỹ đang có những phản ứng khác nhau về chiến lược trên. Nhiều ý kiến bày tỏ sự ủng hộ quan điểm của Tổng thống D.Trump. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến cho rằng, những chính sách trên sẽ khiến chủ nghĩa dân tộc cứng rắn trỗi dậy và làm cho nước Mỹ càng ngày càng bị cô lập, dẫn tới việc khó có thể bảo vệ an ninh cũng như thịnh vượng của chính mình.