Xuất khẩu gạo năm 2017: Mức tăng trưởng vượt cả kỳ vọng

Kinh tế - Ngày đăng : 20:03, 20/12/2017

Thông tin từ Bộ Công Thương và các doanh nghiệp cho thấy ngành gạo đã có một năm khá thành công về xuất khẩu, vượt xa kế hoạch đã đề ra trước đó.

Dây chuyền lau bóng gạo, xay lúa và sấy lúa với công nghệ hiện đại. (Nguồn: TTXVN)


Xuất khẩu vượt xa kế hoạch

Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 11 tháng năm 2017 đạt 5,52 triệu tấn, với trị giá 2,49 tỷ USD, tăng 24,1% về lượng và 24,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Dự báo trong tháng cuối cùng của năm 2017, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ đạt khoảng 400.000-450.000 tấn, đưa tổng khối lượng gạo xuất khẩu trong năm 2017 lên mức 5,9-6 triệu tấn gạo, tăng 1,1-1,2 triệu tấn gạo so với năm 2016.

Như vậy, với kết quả trên, năm 2017 được xem là một năm thành công đối với ngành gạo, vượt xa mục tiêu xuất khẩu 5 triệu tấn gạo đặt ra từ đầu năm. Bởi lẽ, ngay từ đầu năm, thị trường được đánh giá là sẽ gặp nhiều khó khăn khi nhiều quốc gia chuyển sang chính sách tự cung tự cấp lương thực; nhiều thị trường nhập khẩu gạo chính của Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á đang dần thay đổi cơ chế điều hành nhập khẩu gạo, từ việc Chính phủ nhập khẩu chuyển dần sang giao cho doanh nghiệp tư nhân đấu thầu hạn ngạch hoặc tự do hóa hoàn toàn thương mại gạo.

Theo chuyên gia và các doanh nghiệp, xuất khẩu gạo năm nay tăng trưởng mạnh chủ yếu là do tác động của biến đổi khí hậu khiến nguồn cung gạo tại một số nước giảm, qua đó, làm tăng nhu cầu nhập khẩu gạo từ các thị trường tiêu thụ chính như Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Hàn Quốc... Đặc biệt, việc mở rộng xuất khẩu gạo tới các thị trường mới như Bangladesh, Iraq... cũng góp phần đưa xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng mạnh vượt kỳ vọng trong năm nay.

Về phía các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo, đây cũng là năm khá thành công.

Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Hưng cho biết xuất khẩu gạo năm nay tăng trưởng tốt chủ yếu nhờ việc tăng mua của thị trường Trung Quốc, nhất là ở 2 chủng loại gạo thơm và gạo nếp. Cũng nhờ thị trường này, doanh thu xuất khẩu của công ty trong năm 2017 dự kiến tăng trên 20% so với năm ngoái.

Ngoài Trung Quốc, lượng gạo xuất khẩu sang thị trường khác cũng tăng mạnh. Đơn cử, trong 10 tháng năm 2017, xuất khẩu gạo sang Philippines tăng tới 41,3% so với cùng kỳ năm ngoái; Malaysia tăng 97,3%, Cote d'Ivoire tăng 39,7%...

Đáng chú ý, một số thị trường có sự tăng trưởng đột biến như: Iraq tăng 9.070%, Hàn Quốc tăng 470%, Saudi Arabia tăng 210%...

Một số doanh nghiệp cũng đã tìm hướng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng khác, có giá trị xuất khẩu cao như Châu Âu, Nhật Bản… Theo ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc điều hành Công ty trách nhiệm hữu hạn Gạo Việt, trong vài năm gần đây, doanh nghiệp này tập trung xuất khẩu gạo trắng và gạo đồ sang thị trường Đông Âu. Năm 2017, doanh thu xuất khẩu của doanh nghiệp sang thị trường này ước tính cũng tăng 20% so với năm 2016.

Nhiều tín hiệu lạc quan

Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)


Theo các doanh nghiệp, trong thời gian tới, xuất khẩu gạo của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan nhờ nhu cầu tăng từ thị trường Trung Quốc, Philippines, Hàn Quốc, Iraq...

Bà Đặng Thị Liên, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Lương thực Thực phẩm Long An cho biết thị trường xuất khẩu gạo đang có nhiều tín hiệu tích cực, có nhiều đơn hàng từ các đối tác Philippines, Trung Quốc... Giá gạo xuất khẩu theo đó cũng tăng từ 20-50 USD/tấn tùy chủng loại so với tháng trước.

Theo ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Hưng, sau khi rơi vào trầm lắng gần 3 tháng nay do nguồn cung gạo trong nước hạn chế, thị trường xuất khẩu gạo đang có dấu hiệu khởi động lại. Hiện một số khách hàng đã liên hệ với doanh nghiệp để đặt trước mua gạo vụ Đông Xuân 2018 nhưng doanh nghiệp chưa dám ký, do chưa nắm rõ tình hình sản lượng thu hoạch cũng như sự biến động giá lúa gạo nội địa trong mùa vụ này.

Ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc điều hành Công ty trách nhiệm hữu hạn Gạo Việt cũng nhận định xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý I-2018 sẽ tốt hơn, nếu nguồn cung trong nước được cải thiện. Bởi một số nguồn cung gạo như Pakistan, Myanmar... đã qua vụ thu hoạch lúa; còn Thái Lan có thể thu hoạch trễ hơn 1 tháng.

Đáng chú ý, thông tin từ các doanh nghiệp cho biết kể từ tháng 1-2018, Trung Quốc sẽ giảm thuế nhập khẩu đối với loại gạo nếp nhập từ Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu gạo nếp sang thị trường này trong thời gian tới.

Dù có nhiều tín hiệu tích cực, nhưng theo các chuyên gia, trong năm 2018, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nhất là liên quan đến hàng rào kỹ thuật, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm do các thị trường đặt ra.

Ngay như ở Trung Quốc, thời gian gần đây, thị trường này yêu cầu gạo nhập khẩu phải đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Với sự thay đổi này, nếu ngành gạo Việt Nam và các doanh nghiệp không kịp thích ứng thì sẽ khó đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới.

Mặt khác, việc phụ thuộc xuất khẩu vào một thị trường có thể đem đến nhiều rủi ro cho doanh nghiệp và nông dân, nếu chẳng may thị trường này ngưng nhập khẩu.

Bên cạnh đó, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang một số thị trường ở khu vực Châu Phi đang có dấu hiệu “hụt hơi” do khó cạnh tranh với các đối thủ khác như Pakistan, Ấn Độ, Thái Lan… về giá bán, phí vận chuyển, thanh toán. Những yếu tố thị trường này đòi hỏi ngành gạo cần có chiến lược xuất khẩu mới để phù hợp hơn với nhu cầu thị trường cũng như tránh phụ thuộc vào một thị trường nhất định.

Theo Vietnamplus