Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải gặp mặt 128 đại biểu tiêu biểu trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản

Chính trị - Ngày đăng : 15:19, 20/12/2017

(HNMO) - Ngày 20-12, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã tổ chức gặp mặt 128 đại biểu tiêu biểu trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội.


Phát biểu khai mạc, đồng chí Hoàng Trung Hải gửi lời chúc tốt đẹp, lời cảm ơn sâu sắc đến các nhà khoa học, tập thể, cá nhân ngày đêm miệt mài cống hiến để góp phần làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Đồng chí Hoàng Trung Hải khẳng định, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa luôn được Đảng, Nhà nước, thành phố Hà Nội quan tâm. Trong những năm vừa qua, thành phố Hà Nội đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, đưa ra nhiều chủ trương, chính sách, cách làm phù hợp, tạo được sự đồng thuận, chung tay của các tầng lớp nhân dân, qua đó góp phần gìn giữ, phát huy tốt vai trò là cái nôi di sản tiêu biểu của cả nước và khu vực. Để có được những kết quả đó, cùng với các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm, chung tay, đóng góp nhân lực, tài lực, trí lực rất lớn từ cộng đồng xã hội, từ mỗi cá nhân, gia đình, dòng họ… và nhất là sự đóng góp của những nhà khoa học, nhà quản lý, những người hằng ngày trực tiếp bảo vệ di tích.

Qua buổi gặp mặt thân mật, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội mong muốn được tiếp thu, trao đổi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất, góp ý để thành phố quản lý và thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội.

Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cho biết, Hà Nội tự hào là địa phương có hệ thống di sản văn hóa phong phú nhất cả nước với 5.922 di tích, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê, đánh giá, phân loại. Một số di sản mang đậm dấu ấn văn hóa Thăng Long - Hà Nội, có giá trị tiêu biểu, đặc trưng như Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, 82 bia đá tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Lễ hội Gióng ở đền Phù Đổng và Đền Sóc, ca trù… đã được UNESCO ghi nhận, tôn vinh. Nhiều di tích được xếp hạng quốc gia, quốc gia đặc biệt, nhiều di sản phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nhằm bảo tồn, phát huy kho tàng di sản văn hóa quý giá, hằng năm, thành phố và các quận, huyện, thị xã đầu tư ngân sách hàng trăm tỷ đồng để tu bổ, chống xuống cấp di tích, đồng thời huy động nguồn lực xã hội khá lớn cho công tác này. Hệ thống di sản văn hóa phi vật thể đã và đang được cộng đồng chung tay bảo vệ, giữ gìn, phát huy bằng nhiều hình thức. Nhờ đó, văn hóa Thăng Long - Hà Nội được đông đảo bạn bè trong nước, quốc tế biết đến, góp phần làm lan tỏa những giá trị tốt đẹp. Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội cũng là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước. “Di sản văn hóa là tài sản quý giá nhưng không thể thay thế và dễ bị tổn thương. Bởi vậy, di sản cần có sự sẻ chia, chung tay, chung sức, cộng tác của các cơ quan, tổ chức, các nhà nghiên cứu và cộng đồng”, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội Tô Văn Động kêu gọi.

Minh Ngọc - Ảnh: Viết Thành