Nâng nhận thức, tăng đồng thuận
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:15, 21/12/2017
Tiếc rằng, trong nhiều trường hợp, bản thân người cung tiến và người có trách nhiệm quản lý di tích không thực hiện đúng quy tắc về quản lý, lại thiếu kiến thức phân biệt linh vật ngoại lai, linh vật thuần Việt nên đã làm dấy lên những quan ngại về sự “xâm lăng, lai căng văn hóa” khi những linh vật lạ xuất hiện này càng nhiều. Trong khi đó, vì thiếu kiến thức sử dụng hiện vật, linh vật cho từng loại hình di tích nên nhiều nơi đã bày đặt linh vật tùy tiện, trái thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Những hành vi ấy dẫn đến hệ lụy là phần nào làm mất đi nét văn hóa truyền thống, phá vỡ không gian di tích, nặng hơn có thể làm bản sắc văn hóa Việt Nam bị mờ nhạt, trộn lẫn.
Thực tế cho thấy, kể từ khi thực hiện Công văn số 2662 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, “cuộc chiến” với linh vật ngoại lai đã diễn ra ở nhiều nơi; các cấp, các ngành chức năng và người dân đã bước đầu được nâng cao nhận thức về việc sử dụng linh vật trên cơ sở khoa học, phù hợp thuần phong mỹ tục. Tại nhiều địa phương, hiện vật ngoại lai đặt tại di tích, công sở,… được di dời, gỡ bỏ. Cùng với đó, một trào lưu tìm hiểu, nghiên cứu về biểu tượng, linh vật thuần Việt đang hình thành, phát triển mạnh mẽ.
Tại Hà Nội, các cấp, các ngành chức năng nhận thấy đây là vấn đề hệ trọng nên đã thực hiện nhiều giải pháp để trả lại không gian thiêng đúng với bản sắc văn hóa thuần Việt cho các di tích, đền chùa... Đến nay, trên địa bàn thành phố hầu như không còn tình trạng cung tiến, sử dụng đồ thờ và các hiện vật lạ trong di tích. Hà Nội cũng hoàn thành việc kiểm kê, đánh giá, phân loại di tích. Đó là cơ sở quan trọng để cơ quan quản lý, người trông coi di tích và nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ, bảo quản linh vật phù hợp với thuần phong mỹ tục, đồng thời “nói không” với linh vật ngoại lai, biểu tượng, hiện vật lạ.
Tuy nhiên, để giữ cho không gian các di tích giữ được sự thuần Việt, góp phần làm lành mạnh hóa môi trường văn hóa, các cấp, các ngành và nhân dân phải khắc phục những hạn chế về nhận thức và ý thức, bởi đây chính là gốc của vấn đề. Cơ quan, cán bộ quản lý cần nghiêm túc chấp hành quy định pháp luật về di sản văn hóa; cần tự trang bị thêm kiến thức để phân định rõ cái đúng, cái chưa đúng trong lúc làn sóng văn hóa ngoại lai vẫn đang âm ỉ. Đặc biệt là đẩy mạnh tuyên truyền trực quan, ban hành bộ tài liệu hướng dẫn để cộng đồng nhận diện linh vật ngoại lai, linh vật thuần Việt, tránh sử dụng nhầm lẫn.
Tiếp tục tạo sự đồng thuận trong xã hội, từ giới nghiên cứu, nhà quản lý đến người dân cũng là việc phải làm thường xuyên, liên tục. Một linh vật khi được sử dụng ở di tích phải có sự thống nhất về nhận thức từ trong quan niệm, thuần phong mỹ tục của dân tộc, quyết định sử dụng, đến việc sản xuất - chế tác, bày đặt và thụ hưởng. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức vận động, cưỡng chế di dời biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp còn bày đặt ở các di tích, cơ quan công sở của nhà nước...
Với thế hệ trẻ, các cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành Văn hóa, Giáo dục cần nghiên cứu, cải tiến, nâng cao chất lượng chương trình giáo dục di sản trong trường học, cộng đồng, giúp họ nhận thức đúng về linh vật thuần Việt, góp phần khơi dậy ý thức bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.