Quỹ BHXH, BHYT: Tình trạng trục lợi ngày càng gia tăng
Xã hội - Ngày đăng : 17:58, 21/12/2017
Chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là những chính sách lớn, trụ cột của hệ thống an sinh, tác động tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Hiệu quả của hệ thống an sinh này thì đã rõ, tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, giải quyết và chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho thấy tình trạng lạm dụng, trục lợi với nhiều hình thức, nhiều mức độ khác nhau với chiều hướng ngày càng gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp.
Một số quy định chưa chặt chẽ về bảo hiểm xã hội là kẽ hở để làm giả giấy tờ, hồ sơ trục lợi cả tỷ đồng
Qua thanh, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm cho thấy các thủ đoạn để trục lợi các loại bảo hiểm ngày càng đa dạng, tinh vi. Các tổ chức, cá nhân lợi dụng kẽ hở của pháp luật và một số quy định chưa chặt chẽ về bảo hiểm xã hội để thực hiện những hành vi lạm dụng, trục lợi, đặc biệt là các chế độ ốm đau, thai sản.
Ông Trần Đức Long, Vụ trưởng Thanh tra - Kiểm tra (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, tình trạng thu gom sổ bảo hiểm xã hội của người lao động đã nghỉ việc mà không nhận lại sổ, sau đó lập hồ sơ bảo hiểm xã hội khống, chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội diễn ra ở nhiều nơi.
Theo quy định, khi người lao động nghỉ việc, doanh nghiệp có trách nhiệm chốt sổ bảo hiểm xã hội và trả cho người lao động. Nếu sau 12 tháng, người lao động không đến nhận sổ thì doanh nghiệp trả cho cơ quan bảo hiểm xã hội lưu giữ nhằm bảo vệ quyền lợi của họ. Nhưng thực tế, các doanh nghiệp không có ý thức chốt và trả sổ bảo hiểm xã hội; người lao động cũng ít khi nhận sổ bảo hiểm sau khi nghỉ việc do thời gian làm việc ngắn hoặc đi xa… Điều này đã tạo điều kiện cho các đối tượng thông đồng với doanh nghiệp thu gom, mua sổ bảo hiểm xã hội, sau đó làm giả, lập khống hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp một lần nhằm chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội.
Không những chiếm dụng sổ bảo hiểm xã hội của người lao động, nhiều đối tượng còn lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan chức năng để hưởng các chế độ bảo hiểm.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, cơ quan Công an thành phố đã thụ lý và điều tra vụ việc hai vợ chồng đối tượng Phạm Thị Ngọc Hằng và Lê Thành Thắng (hộ khẩu thường trú tại số 85, đường Trịnh Hoài Ðức, phường Hiệp Phú, quận 9, thành phố Hồ Chí Minh) lập 10 công ty “ma” ở sáu quận, huyện trong thành phố để trục lợi chế độ thai sản lên tới hơn 1,3 tỷ đồng.
Mới đây, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hải Dương đã thụ lý và điều tra đối tượng Nguyễn Thị Phương (nguyên là cán bộ nhân sự Công ty trách nhiệm hữu hạn may mặc MAKALOT) vì đã cùng đồng bọn thực hiện lập khống 36 hồ sơ người lao động, làm giả 44 hồ sơ thanh toán, quyết toán chế độ thai sản tại Bảo hiểm xã hội huyện Thanh Hà (Hải Dương) để chiếm đoạt số tiền 867 triệu đồng.
Ngoài chiếm đoạt các chế độ bảo hiểm xã hội, nhiều doanh nghiệp còn trốn đóng các loại bảo hiểm cho người lao động. Tình trạng nợ đọng bảo hiểm còn phổ biến, thậm chí doanh nghiệp đã thu tiền nộp bảo hiểm của người lao động nhưng không đóng về cơ quan chức năng, gây khó khăn trong việc giải quyết các chính sách cho người lao động
Tham gia trục lợi quỹ bảo hiểm y tế không chỉ có người dân, đại lý thu bảo hiểm y tế mà còn có cả các sở sở y tế
Hiện nay, thông tuyến khám chữa bệnh đã dẫn đến việc người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế đi khám bệnh nhiều lần trong một ngày tại nhiều cơ sở y tế khác nhau hoặc việc người bệnh mượn thẻ, tẩy xóa thông tin trên thẻ bảo hiểm y tế của người khác để thực hiện việc khám chữa bệnh dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý.
Hành vi trục lợi bảo hiểm y tế gây bức xúc khi gần 2.800 người có thẻ bảo hiểm y tế nhưng lại có hơn 160.000 lượt khám (bất kể ngày cuối tuần, lễ và tết). Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc phát hiện gần 200 trường hợp thường xuyên đến khám tại 4 cơ sở khám chữa bệnh trở lên với số tiền lên tới hơn 7,7 tỷ đồng.
Cá biệt, có trường hợp bệnh nhân là cán bộ hưu trí ở thành phố Hồ Chí Minh đã đi khám 58 lần tại 15 cơ sở y tế với tổng chi phí hết hơn 30 triệu đồng. Mỗi ngày ông H khám 2-3 lần tại các cơ sở y tế được chẩn đoán và cấp thuốc điều trị các bệnh lý khác nhau như tăng huyết áp, bệnh hô hấp…
Ngoài đi khám nhiều lần để trục lợi, giả mạo hồ sơ, thẻ bảo hiểm y tế hoặc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế giả, thẻ đã bị thu hồi, thẻ bị sửa chữa, thẻ của người khác trong khám chữa bệnh để hưởng chế độ bảo hiểm y tế trái quy định là những thủ đoạn của người dân và các đại lý thu bảo hiểm y tế.
Tại Quảng Ninh, cơ quan công an và bảo hiểm xã hội cũng đã phát hiện những thủ đoạn trục lợi từ chính đại lý thu bảo hiểm y tế. Cơ quan công an đã khởi tố vụ án bà Ngô Thị Lan, làm đại diện thu bảo hiểm y tế tự nguyện (phường Phương Ðông, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) đã có hành vi sửa chữa, tẩy xóa thẻ bảo hiểm y tế (đối với thẻ bảo hiểm y tế cũ đã hết hạn và in đè hạn sử dụng mới) để chiếm đoạt hơn 300 triệu đồng.
Tham gia trục lợi quỹ bảo hiểm y tế không chỉ có người dân, đại lý thu bảo hiểm y tế, ngay cả trong các bệnh viện cũng xảy ra tình trạng lạm dụng kỹ thuật, xét nghiệm để trục lợi.
Qua thanh tra, kiểm tra, cơ quan bảo hiểm xã hội đã phát hiện các bệnh viện lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc khống hoặc kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng.
Để trục lợi từ Quỹ Bảo hiểm y tế, các bệnh viện còn chỉ định sử dụng dịch vụ kỹ thuật quá mức cần thiết, không phù hợp với chẩn đoán bệnh, sử dụng nhiều thuốc, vật tư y tế giá cao không hợp lý, không phù hợp bệnh lý để hưởng thanh toán bảo hiểm y tế.
Đặc biệt, hiện nay ngành y tế đã thực hiện chi phí tiền lương đưa vào áp giá trong các dịch vụ phẫu thuật, thủ thuật, dịch vụ cận lâm sàng... trong công tác khám chữa bệnh. Vì vậy, rất dễ dẫn đến tình trạng lạm dụng các dịch vụ cận lâm sàng để thực hiện tính chi phí dịch vụ đối với bệnh nhân khi đi khám chữa bệnh nên nguy cơ chi phí vượt trần, vượt quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là không tránh khỏi.
Tâm lý trục lợi đương nhiên đang tương đối phổ biến. Người ta coi đó là “của chùa”, được thì tốt mà không được thì cũng không sao.
Hàng nghìn vụ việc chiếm đoạt, trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bị phát hiện trong những năm gần đây. Ông Đỗ Ngọc Thọ, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho rằng: “Điều nguy hiểm nhất hiện nay là tâm lý trục lợi đương nhiên đang tương đối phổ biến trong xã hội. Những đối tượng trục lợi rất nhiều thành phần, thậm chí có cả cán bộ, giáo viên, nhân viên ở Ủy ban nhân dân xã, người ta coi đó là “của chùa”, được thì tốt mà chả được thì cũng không sao”.
Mặt khác, theo các chuyên gia, nguyên nhân chính dẫn đến việc gia tăng các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là vì các chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này còn thấp, không có tính răn đe. Điều này, dẫn đến việc các đối tượng vi phạm “nhờn thuốc”, sẵn sàng vi phạm để chiếm đoạt số tiền không nhỏ.
Những hành vi trục lợi bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội đều có dấu hiệu của việc làm giả hồ sơ, giấy tờ nên nếu không có sự phối hợp điều tra của cơ quan công an thì sẽ rất khó để xác định các hành vi vi phạm pháp luật. Sự vào cuộc của các cơ quan công an đã giúp cơ quan bảo hiểm xã hội hạn chế được tình trạng trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.
Trung tướng Trần Văn Vệ, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cho biết, từ năm 2012-2017, lực lượng cảnh sát điều tra đã phát hiện và xử lý 70 vụ việc, trong đó đã khởi tố điều tra 46 vụ, 126 bị can, tổng thiệt hại 65 tỷ đồng và đã thu hồi được 19 tỷ đồng.
“Chúng tôi đã rút ra phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng trong lĩnh vực trục lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, giúp ngành bảo hiểm xã hội tìm ra cơ chế, tổ chức hoạt động đảm bảo quản lý hiệu quả, chi đúng người, đúng việc”, Trung tướng Trần Văn Vệ nói.
Đặc biệt, từ ngày 1-1-2018 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi 2017 sẽ chính thức có hiệu lực trong đó có quy định 3 tội danh liên quan đến trục lợi, chiếm đoạt bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Luật đi vào cuộc sống với kỳ vọng sẽ trở thành “công cụ” mạnh để tăng cường biện pháp, chế tài giúp ngành bảo hiểm xã hội thực thi có hiệu quả pháp luật, bảo đảm quyền lợi cho người lao động, người tham gia bảo hiểm y tế.
Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhấn mạnh: “Chúng tôi có một niềm tin rằng với chế tài đó thì đủ sức răn đe và cũng là một trong những công cụ, điểm tựa để cả lực lượng cảnh sát và công an các địa phương cũng như lực lượng thanh tra, kiểm tra của ngành bảo hiểm xã hội sẽ hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ, mục tiêu đã đặt ra”.
Để ngăn ngừa trục lợi, ngoài việc cần chế tài mạnh, các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước cũng cần phải thường xuyên giám sát, tăng cường công tác thanh, kiểm tra, phải làm sao để các hành vi trục lợi bảo hiểm bị lên án về mặt đạo đức, trừng trị nghiêm khắc về mặt pháp luật.
Từ năm 2012-2017, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố đã phối hợp với Công an và các cơ quan có liên quan ở địa phương để thực hiện 835 cuộc thanh tra, kiểm tra, xác minh liên ngành hơn 2.300 đơn vị, phối hợp xác minh làm rõ 86 hồ sơ, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Qua đó, đã phát hiện nhiều trường hợp lạm dụng, vi phạm theo quy mô từ nhỏ đến lớn. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã yêu cầu chủ sử dụng lao động làm thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cho hơn 4.800 lao động thuộc diện phải tham gia bảo hiểm xã hội. Thực hiện khắc phục tiền nợ và truy thu với số tiền là 576 tỷ đồng; yêu cầu truy thu hơn 17 tỷ đồng tiền truy đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và tiền chi sai do lạm dụng các chế độ bảo hiểm xã hội, yêu cầu thu hồi, xuất toán 48,8 tỷ đồng do lạm dụng các chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. |