Cố vượt đường ngang tự mở, xe tải bị tàu khách tông biến dạng

Giao thông - Ngày đăng : 18:02, 21/12/2017

Ông Phạm Nguyễn Chiến, Trưởng ban An toàn đường sắt (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam-VNR) cho biết, một xe tải chở hàng mang biển kiểm soát 14C-134.42 cố tình vượt đường ngang tự mở đã bị đoàn tàu khách Hà Nội-Hải Phòng tông biến dạng, tài xế bị thương.


Theo ông Chiến, vụ tai nạn xảy ra ở một đường ngang tự mở tại xã Kim Xuyên, huyện Kim Thành, Hải Dương vào sáng nay (21-12).

Hiện trường vụ tai nạn giao thông giữa xe tải cố tình vượt đường ngang bị tàu hỏa tông biến dạng. (Nguồn: Otofun.net)


“Nguyên nhân ban đầu xác định là lỗi người điều khiển xe tải. Khi đoàn tàu đến gần, tài xế vẫn vượt đường sắt. Tài xế trọng thương và được đưa đi cấp cứu. Đoàn tàu bị hư hỏng đầu máy”, ông Chiến cho hay.

Ngay sau đó, Tổng công ty Đường sắt đã huy động các nhân viên kỹ thuật đến xử lý phần đầu tàu. Đến 9 giờ sáng, đoàn tàu tiếp tục hành trình, tuyến đường sắt Hà Nội-Hải Phòng thông tuyến.

Báo cáo của Tổng Công ty Đường sắt cho thấy, hiện trên toàn quốc có 5.564 điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt. Trong đó, đường ngang hợp pháp là 1.516 điểm còn đường dân sinh, lối đi dân sinh tự mở là 4.048 điểm (chiếm 74%).

Theo ông Chiến, hiện nay trên cả nước, bình quân cứ 1,8km đường sắt lại có một vị trí giao cắt đường ngang. Mật độ giao cắt với đường sắt cao, trong khi ý thức của người tham gia giao thông còn hạn chế nên tai nạn giao thông đường sắt vẫn luôn thường trực.

Tại Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19-6-2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014-2020 là 26.358 tỷ đồng. Do không được bố trí kinh phí, các dự án công trình an toàn giao thông chưa được triển khai thực hiện hoặc triển khai thực hiện chưa bảo đảm yêu cầu tiến độ.

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR cho biết, giai đoạn 2017-2020, ngành đường sắt cần đến 1.700 tỷ đồng để có thể thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo, sửa chữa các đường ngang; xây dựng hàng rào cách ly, đường gom để đóng 2.000 lối đi dân sinh và nâng cấp cải tạo 452 đường ngang biển báo thành đường ngang lắp cần chắn tự động.

​Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho ​biết, đường gom dọc hành lang an toàn giao thông đường sắt có tổng số 400km. Với 1.700 tỷ đồng được phân bổ nên chia thành 2 giai đoạn, trong đó trước năm 2020 làm 150km (khoảng 700 tỷ đồng), các năm sau làm phần còn lại.

“Khi để phát sinh lối đi cắt ngang đường sắt, chính quyền xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm, thậm chí phải truy trách nhiệm người đứng đầu địa phương”, vị Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nhấn mạnh.

Theo VietnamPlus