Tăng động lực cho hội nhập kinh tế quốc tế
Kinh tế - Ngày đăng : 07:07, 21/12/2017
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam luôn chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, xét cả về chiều rộng và chiều sâu. Việc hội nhập, nhất là thông qua các hiệp định thương mại tự do đã giúp nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp tận dụng cơ hội, tham gia những thị trường giàu tiềm năng cũng như từng bước nâng cao quy mô xuất khẩu.
Thực tế cho thấy, kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng gia tăng mạnh mẽ, mang lại xung lực mới, góp phần làm tăng sức mạnh tổng hợp của quốc gia. Tuy nhiên, qua hội nhập cũng bộc lộ một số điểm yếu, hạn chế của doanh nghiệp trong nước, như thiếu vốn, chậm chuyển đổi về công nghệ, năng lực quản trị, khả năng cạnh tranh nhìn chung còn thấp so với yêu cầu.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, từ việc hội nhập kinh tế quốc tế mà độ mở của nền kinh tế ngày càng tăng. Việt Nam đang thực hiện các cam kết quốc tế song phương, đa phương, thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan và ưu đãi thuế. Quá trình hội nhập cũng gắn kết với mục tiêu tái cơ cấu kinh tế, qua đó doanh nghiệp Việt Nam trưởng thành hơn; sức chống chịu của nền kinh tế được cải thiện đáng kể.
Phát biểu chỉ đạo tại sự kiện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hội nhập kinh tế quốc tế đã đạt nhiều kết quả tích cực, từ đó thúc đẩy tăng trưởng; đặc biệt là đối với xuất nhập khẩu, hấp dẫn vốn đầu tư nước ngoài và khách du lịch quốc tế. Thủ tướng Chính phủ lưu ý, cần phối hợp giữa hội nhập với từng ngành, lĩnh vực cụ thể, trong đó quan tâm thỏa đáng đến yêu cầu nâng cao và duy trì chất lượng hàng xuất khẩu, mà nông sản, hoa quả là một ví dụ. Đồng thời, từ đánh giá, phân tích những hạn chế, tồn tại, để nâng cao chất lượng dự báo, tự chủ, tự cường trong hội nhập.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh 6 vấn đề. Thứ nhất, Chính phủ Việt Nam kiên trì chủ trương hội nhập toàn diện với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế, với quan điểm tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung. Thứ hai, Việt Nam coi hội nhập kinh tế quốc tế là động lực để cải cách kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển. Việt Nam sẽ nỗ lực tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy vai trò “Chính phủ kiến tạo phát triển”; tháo bỏ các rào cản, thủ tục bất hợp lý và giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Thứ ba, tập trung triển khai chương trình hành động về hội nhập kinh tế quốc tế, với những hành động cụ thể, phối hợp chặt chẽ, liên tục từ các bộ, ngành, đơn vị hữu quan.
Thứ tư, Chính phủ xác định doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt, trong đó doanh nghiệp tư nhân có vai trò quan trọng, được tạo mọi điều kiện để phát triển. Thứ năm, trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, Việt Nam sẽ tập trung phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, tận dụng cơ hội của hội nhập và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; tranh thủ nguồn lực bên ngoài để thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Cuối cùng, Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan nghiên cứu trong, ngoài nước để tham mưu, tư vấn cho Chính phủ; đẩy mạnh tuyên truyền, cung cấp thông tin về hội nhập... nhằm tạo sự chuyển biến của toàn bộ nền kinh tế.