Quyết xử lý nhà "siêu mỏng, siêu méo"

Bất động sản - Ngày đăng : 07:03, 21/12/2017

(HNM) - Trong nhiều năm qua, tình trạng nhà

Tồn đọng 132 trường hợp

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 302 nhà "siêu mỏng, siêu méo" được xây dựng từ năm 2002, 2003; đến nay mới xử lý được 170 trường hợp, còn tồn đọng 132 trường hợp. Tại phần lớn những công trình này, các hộ dân đang sinh sống ổn định. Đi trên các tuyến đường vừa được mở như Vành đai 2 (đoạn Nhật Tân - Xuân La - Bưởi - Cầu Giấy), đường Nguyễn Văn Huyên... vẫn bắt gặp những ngôi nhà hình dáng kỳ dị, diện tích nhỏ, gây mất mỹ quan đô thị.

Một ngôi nhà “siêu mỏng” trên đường Trường Chinh (quận Thanh Xuân). Ảnh: Anh Tuấn


Hay như tại phố Hoàng Cầu (quận Đống Đa), đang tồn tại nhà số 66 diện tích gần 20m2, hình tam giác, cao 2 tầng nhưng đang tiếp tục cải tạo sửa chữa, xây thêm tum thang, trông rất phản cảm. Bà Hoàng Hoài Loan, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Liệt (quận Đống Đa) cho biết, căn nhà này còn lại sau giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án xây dựng đường Cát Linh - La Thành - Yên Lãng với diện tích 17,4m2.

Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quận Đống Đa đã yêu cầu chủ công trình hợp thửa, hợp khối để bảo đảm mỹ quan đô thị. Tháng 5-2011, hộ gia đình này đã có đơn đề nghị xác nhận việc hợp khối với gia đình bên cạnh (với diện tích còn lại là 28,7m2) nên chính quyền chấp nhận cho tồn tại. Tuy nhiên, đến nay việc hợp khối vẫn chưa được thực hiện.

Lý giải về nguyên nhân tồn tại, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Lê Vinh cho biết, trong quá trình mở đường trước đây, nhà "siêu mỏng, siêu méo" xuất hiện do quy hoạch chưa đầy đủ, thiếu chính sách thu hồi thửa đất không đủ điều kiện xây dựng. Từ năm 2015 đến nay, tất cả tuyến đường mới đều có thiết kế đô thị.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp với chính quyền địa phương xác định các ô đất không đủ điều kiện xây dựng sau khi mở đường để vận động các gia đình hợp thửa, hợp khối. Trường hợp các gia đình không thỏa thuận được thì áp dụng quy định của thành phố để thu hồi làm công trình công cộng, trồng cây xanh...

Không để phát sinh vi phạm mới

Có thể thấy, dù thực tế trong nhiều năm qua, tình trạng nhà "siêu mỏng, siêu méo" vốn là câu chuyện khá bức xúc, tuy nhiên không phải không có cách giải quyết. Điển hình như quận Hà Đông đã có cách làm hiệu quả, giải quyết triệt để công trình tồn đọng, không để phát sinh công trình mới... Theo ông Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông, quận đã tăng cường công tác quản lý đất đai, quy hoạch kiến trúc, cấp phép xây dựng, xử lý các trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng kết hợp chỉnh trang đô thị hai bên tuyến đường mới mở.

"Chúng tôi giao Đội Thanh tra xây dựng quận phối hợp với UBND các phường tăng cường kiểm tra, rà soát, kịp thời thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm trên các tuyến đường mới mở, đặc biệt các trường hợp đất không đủ điều kiện xây dựng sau khi cắt xén giải phóng mặt bằng, không để phát sinh các trường hợp "siêu mỏng, siêu méo" trên địa bàn. Với các chủ đầu tư dự án đường giao thông, quận yêu cầu lập phương án thu hồi phần diện tích còn lại sau giải phóng mặt bằng không đủ điều kiện xây dựng, để bàn giao cho chính quyền địa phương làm vỉa hè, cây xanh, bảng tin... phục vụ mục đích công cộng", ông Nguyễn Quang Ngọc chia sẻ.

Cũng theo ông Ngọc, với 11 trường hợp "siêu mỏng, siêu méo" tồn tại, tháng 4-2016, quận đã làm việc với Tổ công tác liên ngành của thành phố và đề xuất phương án: 1 trường hợp thu hồi làm bảng tin (thửa đất số 1, đường Lương Ngọc Quyến, phường Văn Quán); 4 trường hợp cải tạo, chỉnh trang giữ nguyên hiện trạng bảo đảm tính thống nhất về kiến trúc, cảnh quan tuyến đường; 8 trường hợp hợp khối kiến trúc mặt đứng với công trình liền kề, tạo sự hòa nhập với kiến trúc cảnh quan trên toàn tuyến. Rõ ràng, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, sự thống nhất trong chỉ đạo đã mang lại hiệu quả cao.

Liên quan đến 132 nhà "siêu mỏng, siêu méo" còn tồn đọng, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, Sở đã phối hợp, phân loại thành 3 nhóm. Nhóm thứ nhất gồm 52 trường hợp tồn tại 13 năm nay, người dân đã xây dựng nhà cửa, sinh hoạt ổn định. Công trình đã hạ độ cao, được gia cố chắc chắn, chỉnh trang lại. Sở Xây dựng đề nghị UBND các quận: Cầu Giấy, Ba Ðình, Ðống Ða giữ nguyên hiện trạng, cho tồn tại nếu đủ điều kiện, bảo đảm mỹ quan đô thị. Nhóm thứ hai hơn 20 trường hợp có thể chỉnh trang, đề nghị các quận hướng dẫn người dân sửa chữa theo đúng quy chuẩn, bảo đảm số tầng xây dựng. Còn lại hơn 50 trường hợp xây cao tầng, không phù hợp cảnh quan, có nguy cơ mất an toàn thì kiên quyết thu hồi.

Ðối với 56 trường hợp nhà "siêu mỏng, siêu méo" phát sinh từ năm 2014 đến 2016 trên đường Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 2,5 và 8 trường hợp vừa phát sinh tại đường Phạm Văn Ðồng, ông Lê Văn Dục khẳng định, trong quý I-2018 sẽ có phương án thu hồi đất và không để phát sinh vi phạm mới.

Thanh Hải