Bảo đảm an toàn các cơ quan đầu não

Chính trị - Ngày đăng : 06:26, 21/12/2017

(HNM) - Đối phó với cuộc tấn công đường không của đế quốc Mỹ khi chúng dùng máy bay chiến lược B.52 đánh phá Hà Nội tháng 12-1972, Đảng bộ quận Ba Đình đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện lực lượng vũ trang quyết tâm chiến đấu, bảo đảm an toàn cho các cơ quan đầu não của trung ương, thành phố đóng trên địa bàn và nhân dân toàn quận.


Quyết bám sát trận địa chiến đấu

Thực hiện phương châm “mỗi người dân là một chiến sĩ”, trong chiến dịch "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" năm 1972, Đảng bộ quận Ba Đình đã phát huy sức mạnh toàn dân trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào chiến đấu và phục vụ chiến đấu; trong công tác phòng không nhân dân, bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ cơ sở vật chất để duy trì và phát triển kinh tế phục vụ nhiệm vụ quốc phòng.

Lực lượng công nhân luôn sẵn sàng chiến đấu bảo vệ các nhà máy, xí nghiệp. Ảnh tư liệu


Nhờ làm tốt công tác phòng không, sơ tán người dân ra ngoại thành nên quận Ba Đình đã hạn chế thấp nhất thiệt hại do bom Mỹ gây ra, tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang cùng nhân dân bám trận địa, chiến đấu kiên cường với kẻ thù. Ngoài ra, quận đã huy động hàng nghìn công nhân tham gia tu sửa, củng cố hầm hào và đào thêm nhiều hầm mới ngay trong cơ quan để chiến đấu. Các cơ quan, xí nghiệp, đơn vị còn thực hiện phân tán nhỏ, giảm mật độ người làm việc mỗi ca. Một số đơn vị đã chuyển ra khỏi vùng trọng điểm.

Trong 12 ngày đêm của Chiến dịch Phòng không năm 1972, quận Ba Đình là địa bàn bị không quân Mỹ đánh phá ác liệt; một số khu vực, địa điểm bị đánh phá nhiều lần. Điển hình như trong ngày 21-12-1972, trên địa bàn quận có 27 điểm bị máy bay Mỹ đánh phá tới hàng chục lần. Những khu đông dân như các phố: Quán Thánh, Cửa Bắc, Phạm Hồng Thái, Nguyễn Trường Tộ, Hàng Bún, Yên Ninh bị tàn phá nặng nề.

Mặc cho bom rền, đạn réo, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ quận Ba Đình, các lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương không ngại gian khổ hy sinh, bảo vệ an toàn các cơ quan đầu não của trung ương, thành phố và quận. Nhiều cán bộ, chiến sĩ có nhà bị máy bay địch đánh phá nhưng vẫn không rời trận địa. Nhiều người bị thương đã tự băng bó để tiếp tục chiến đấu. Khi đồng đội ngã xuống, lập tức nhiều đồng chí khác xông lên thay thế, quyết bám sát trận địa chiến đấu không để trụ sở các cơ quan đầu não bị hủy hoại.

Nhằm bảo đảm cho đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn yên tâm cứu chữa cho thương binh và đồng bào bị nạn; bảo vệ Nhà máy Điện Yên Phụ hoạt động thông suốt, lực lượng vũ trang, công nhân và nhân dân quận Ba Đình đã bám trụ vững vàng trước bom đạn. Để đánh lừa phương tiện và vũ khí tối tân của giặc Mỹ, lực lượng vũ trang quận cùng công nhân Nhà máy Điện Yên Phụ đã bố phòng “nghi trang mục tiêu”. Các nóc nhà dân quanh nhà máy đều treo nhiều dị hình, quét sơn đen và nhiều màu sắc, khi gió thổi sẽ tạo thành nhiều màu khác nhau. Nhân dân còn phối hợp cùng bộ đội công binh, hóa học xây dựng và tạo màn khói hỏa mù để không cho địch dễ dàng phát hiện mục tiêu định hướng máy bay vào nội thành.

Chiều 21-12-1972, máy bay B.52 của Mỹ đã thả bom thẳng vào giữa tua bin số 3 và lò hơi số 4, số 6 của Nhà máy Điện Yên Phụ. Ngay lập tức, nhà máy đã có phương án phục hồi khẩn cấp. Tối 25-12-2017, ngày lễ Giáng sinh, Thủ đô Hà Nội lại rực sáng ánh đèn từ điện Yên Phụ, như không hề có bom đạn hủy diệt.

Bài học còn nguyên giá trị

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12 năm 1972 đã đi vào lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới như một mốc son chói lọi, một biểu tượng của ý chí, sức mạnh và bản lĩnh kiên cường của dân tộc Việt Nam. Chiến thắng vĩ đại đó luôn là niềm tự hào, là động lực tiếp thêm sức mạnh cho quân dân quận Ba Đình cùng Thủ đô Hà Nội vững bước đi lên.

45 năm đã trôi qua, Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vẫn còn nguyên giá trị, để lại những bài học sâu sắc về tinh thần đoàn kết, sáng tạo trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, phát huy sức mạnh của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quận Ba Đình có dân cư đông với nhiều công trình quan trọng, là nơi tập trung cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và quân đội. Vì vậy, quận Ba Đình luôn có kế hoạch, phòng thủ chung, phù hợp với đặc điểm tình hình, phát huy hết khả năng và sở trường của các lực lượng, tạo thành sức mạnh tổng hợp lớn nhất trong khu vực phòng thủ, đối phó hiệu quả với mọi tình huống nếu chiến tranh xảy ra.

Bài học về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân trong Chiến dịch Phòng không năm 1972 đang được lãnh đạo quận Ba Đình quán triệt sâu sắc và vận dụng phù hợp với tình hình mới. Trong đó, xây dựng lực lượng nòng cốt là Quân đội nhân dân vững mạnh về chính trị, tư tưởng, số lượng và cơ cấu hợp lý, chất lượng cao, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở, tạo bước chuyển về trình độ, khả năng tác chiến, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, rèn luyện kỷ luật. Cùng với đó, lãnh đạo quận xác định phải tập trung xây dựng lực lượng dân quân tự vệ rộng khắp, có số lượng hợp lý, chất lượng ngày càng cao…

Đình Tuyên