Hành trình qua các kinh đô Việt cổ: Tuyến du lịch không phụ thuộc mùa vụ
Du lịch - Ngày đăng : 06:46, 22/12/2017
Khách tham quan Khu di tích Lam Kinh (Thanh Hóa). Ảnh: Thụy Du |
Theo dấu kinh thành xưa
Chương trình “Hành trình qua các kinh đô Việt cổ” được Sở Du lịch Hà Nội thực hiện bằng một chuyến khảo sát tại Hà Nội, Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải nhận định: “Đây là hành trình kết nối những địa danh văn hóa, lịch sử đặc thù không phải địa phương nào cũng có. Nhưng làm sao để xây dựng được sản phẩm hấp dẫn với chủ đề này đòi hỏi sự tích cực góp ý từ các doanh nghiệp lữ hành, sự mạnh dạn cải thiện của địa phương và sự kết nối từ những người làm du lịch”.
Trong hành trình khảo sát những vùng đất với vị thế đặc biệt đã được chọn làm kinh đô, điểm đầu tiên phải kể đến là Hà Nội, nơi có Di sản văn hóa thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long. Thủ đô là địa điểm tốt để đón du khách nhờ mạng lưới giao thông đường bộ và hàng không thuận tiện. Điểm đến tiếp theo là Phú Thọ với Khu di tích lịch sử đền Hùng nằm trên núi Nghĩa Lĩnh, xưa kia là đất đóng đô của các Vua Hùng để dựng xây nhà nước Văn Lang.
Xuôi theo quốc lộ 1A hoặc đường cao tốc Hà Nội - Ninh Bình, du khách đặt chân đến cố đô Hoa Lư, vùng đất trước đây Đinh Bộ Lĩnh phất cờ lau dẹp loạn 12 sứ quân, gắn với ba triều đại Đinh - Tiền Lê - Lý. Di chuyển đến Thanh Hóa có Khu di tích Lam Kinh ở thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân. Đây là quê hương của anh hùng Lê Lợi đã dựng cờ khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược. Thanh Hóa còn có Thành nhà Hồ với kiến trúc độc đáo bằng đá được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, do Hồ Quý Ly xây dựng và chọn là kinh đô nước Đại Ngu.
Hành trình tiếp tục với điểm đến là Nghệ An, nơi có Khu di tích mộ, miếu Mai Hắc Đế nằm trên địa phận xã Vân Diên, huyện Nam Đàn; trên núi Dũng Quyết (TP Vinh, tỉnh Nghệ An), nơi thờ Vua Quang Trung còn có dấu tích của kinh đô dang dở mang tên Phượng Hoàng Trung Đô.
“Đó là một hành trình đưa du khách cảm nhận về văn hóa, lịch sử các triều đại Việt Nam qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Tôi tin là tình yêu quê hương, đất nước và niềm tự hào dân tộc sẽ nảy nở trong bất cứ người con đất Việt nào”, ông Nguyễn Hùng Cường, Phó Giám đốc Công ty du lịch quốc tế Hoàng Sơn chia sẻ sau chuyến khảo sát. Ông cũng đánh giá, tuyến du lịch này vừa mang ý nghĩa tâm linh, vừa mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa, nếu xây dựng thành công sẽ thu hút được lượng lớn khách nội địa. Khách Pháp, Nhật Bản… thích tìm hiểu về văn hóa cũng khá thích hợp với tour du lịch này.
Lấp khoảng trống mùa thấp điểm
Cửa Lò (Nghệ An) những ngày mùa đông vắng vẻ, khác hẳn không khí nhộn nhịp 4-5 tháng trước. Nhiều nhà hàng, khách sạn đóng cửa. Tuy nhiên, theo ông Phan Quốc Tuấn, Giám đốc kinh doanh Khách sạn Summer (Cửa Lò): “Là khách sạn 4 sao theo đúng tiêu chuẩn, chúng tôi vẫn phải duy trì hoạt động như bình thường dù không có khách. Làm thế nào để không lãng phí nhân lực, cơ sở vật chất và giải quyết được tình trạng “làm 3 tháng, chơi 9 tháng” là điều chúng tôi luôn trăn trở”. Ngay vào mùa cao điểm dịp hè, Nghệ An thường chỉ có hai điểm thu hút khách là biển Cửa Lò và Làng Sen quê Bác. Vì vậy, để thu hút du khách quay lại lần thứ 2, thứ 3, địa phương cần có những sản phẩm du lịch mới, khác lạ. Đây cũng là tình trạng chung của những điểm đến trên hành trình khảo sát.
Theo ông Hồ Đức Phú, Phó Giám đốc Chi nhánh Tổng công ty Du lịch Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh, nếu liên kết và tổ chức tốt, tuyến du lịch qua các kinh đô Việt cổ sẽ giải quyết được vấn đề mùa vụ trong ngành Du lịch, trở thành sản phẩm hấp dẫn cả 4 mùa. Bởi ngay vào mùa đông, bên cạnh các điểm đến chính là di tích cố đô, mỗi địa phương đều có sản phẩm phụ trợ đủ để níu giữ khách lưu trú. Có thể kể đến màn thưởng thức nghệ thuật hát xoan Phú Thọ; tham quan quần thể Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, thưởng lãm chùa Bái Đính về đêm tại Ninh Bình; tham quan suối cá thần ở Thanh Hóa; hòa mình vào những cánh đồng hoa hướng dương ở Nghệ An…
Tuy nhiên, để bảo đảm đón khách trong tuyến du lịch này, các điểm đến phải có những cải thiện về hệ thống thuyết minh viên; chuẩn hóa bản thuyết minh; thiết kế bảng, biển chỉ dẫn; vệ sinh môi trường, cảnh quan; hoàn thiện sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ăn, ngủ, nghỉ, trải nghiệm và có quà mang về của du khách. “Mục tiêu của tuyến du lịch này là du khách thích tìm hiểu về văn hóa, lịch sử nhưng không vì thế mà bê nguyên những kiến thức khô cứng để thuyết minh, ngược lại rất nên nhấn nhá ở những chi tiết thú vị, dễ nhớ. Các địa phương cũng cần tăng cường tổ chức những hoạt động đi kèm mang màu sắc bản địa như tham quan thắng cảnh, làng nghề, thưởng thức nghệ thuật truyền thống…”, ông Nguyễn Hùng Cường góp ý.
Trong thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội sẽ đứng ra làm đầu mối kết nối giữa các cơ quan quản lý du lịch địa phương, các điểm đến và doanh nghiệp để khai thác sản phẩm tiềm năng này. Đặc biệt, đầu năm 2018, Sở Du lịch Hà Nội sẽ thực hiện các ấn phẩm sách, phim, ảnh và tích cực giới thiệu, quảng bá về tuyến du lịch qua các kinh đô Việt cổ.