Quân và dân Hoàn Kiếm góp sức lập chiến công

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:14, 22/12/2017

(HNM) - Chấp hành chủ trương của Thành ủy Hà Nội, từ đầu tháng 12-1972, quận Hoàn Kiếm đẩy mạnh vận động nhân dân sơ tán. Song song với đó, công tác diễn tập chiến đấu, phục vụ chiến đấu được triển khai...


Khẩn trương chuyển mọi hoạt động sang thời chiến

Quận Hoàn Kiếm là khu trung tâm văn hóa, kinh tế, thương mại của Hà Nội, nơi có nhiều trụ sở của các cơ quan trung ương, thành phố, các điểm giao thông quan trọng, mật độ dân số đông nhất nên được xác định sẽ có nhiều mục tiêu bị máy bay Mỹ đánh phá trong cuộc tập kích bằng đường không cuối năm 1972.

Khẩu đội trực chiến của tự vệ Thủ đô trên nóc nhà cao tầng ở khu vực Hồ Gươm. Ảnh tư liệu


Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và thành phố, quận Hoàn Kiếm nhanh chóng chuyển mọi hoạt động sang thời chiến. Hội đồng Phòng không đã lập các ban chuyên trách gồm: Ban sơ tán, Ban hầm hào, Ban bảo đảm giao thông, Ban khắc phục hậu quả và xác định các trọng điểm, phân chia thành các khu vực để tập trung chỉ đạo. Để bảo đảm mọi người, mọi nhà đều có đủ hầm phòng tránh tốt, địa phương đã có phương án, lên sơ đồ tổng thể mạng lưới hầm hố phòng không, chỉ đạo cán bộ, nhân dân tích cực đào thêm các hầm mới. Tính đến cuối năm 1972, trên địa bàn đã sửa chữa, tu tạo và đào mới được 1.302 hầm tập thể, 20.579 hố cá nhân và 579m giao thông hào.

Công tác sơ tán phòng không được khẩn trương thực hiện. Người dân tại các trọng điểm được xác định là mục tiêu đánh phá của địch và tại các điểm tập trung đông được tuyên truyền, hướng dẫn phân tán ra vùng xung quanh. Các hoạt động có đông người như chiếu phim, biểu diễn văn nghệ, thi đấu thể thao… được chỉ đạo tạm hoãn. Các cơ quan, xí nghiệp, hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp cũng được vận động sơ tán. Trong tháng 5 và tháng 6-1972 số người sơ tán có lúc lên tới trên 93.000 người.

Lực lượng khắc phục hậu quả như: Cứu sập, công binh, bảo đảm giao thông, cứu thương, cứu hỏa đều được củng cố về tổ chức, tăng cường trang bị, bồi dưỡng nghiệp vụ. Hội Chữ thập đỏ khu phố và các tiểu khu được củng cố, mở rộng tới các khối phố làm nòng cốt cho việc cứu chữa nạn nhân. Phòng Y tế cùng với các trạm trực tiếp quản lý các khối dân cư thông qua hội viên chữ thập đỏ để huấn luyện cấp cứu phòng không cho nhân dân. Từng khối phố, hợp tác xã, trường học, cơ quan, xí nghiệp đều lập đội cứu thương có đủ thuốc men, bông băng.

Lực lượng tự vệ được phát triển lên 11.000 người, không ngừng tập luyện nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật và được trang bị vũ khí có khả năng chiến đấu cao. Bên cạnh những trận địa súng 12,5 ly và 14,5 ly, khu Hoàn Kiếm còn có hàng chục trận địa súng trung liên, đại liên đặt trên các nóc nhà cao tầng. Giữa năm 1972, theo quyết định của Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã thành lập mỗi khu phố đại đội pháo cao xạ 100 ly. Đại đội tự vệ tập trung pháo 100 ly của Hoàn Kiếm được bố trí tại cánh đồng xã Xuân La (nay là phường Xuân La, quận Tây Hồ). Tại 8 khu vực đồn công an tổ chức 8 ban phòng không nhân dân khu vực, tổ chức canh gác phòng không và sẵn sàng chiến đấu cả ban ngày, ban đêm, nhất là tại các khu vực trọng điểm.

Góp sức làm nên chiến thắng


Liên tiếp các ngày từ 18 đến 22-12-1972, máy bay B.52 của Mỹ đánh phá ác liệt xuống địa bàn Hoàn Kiếm. Quân, dân Hoàn Kiếm cùng cả Thủ đô sục sôi chiến đấu. Trên trời cao không quân Việt Nam xuất kích, chặn đánh máy bay tiêm kích, cường kích và B.52 của địch. Dưới mặt đất, lưới lửa phòng không tầm cao, tầm thấp giăng kín cả bầu trời. Các trung đội phòng không 12,5 ly và 14,5 ly ngày đêm túc trực, kịp thời góp lưới bủa vây máy bay tầm thấp của địch khi chúng đến gần. Đêm 22-12, tự vệ Nhà máy Gỗ Hà Nội đã phối hợp với tự vệ khu Hai Bà Trưng bố trí trận địa phục kích nổ súng kịp thời, bắn rơi 1 máy bay F-111 hiện đại nhất của Mỹ. Nhiều đơn vị thể hiện tinh thần giữ vững vị trí chiến đấu, phục vụ chiến đấu giúp cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo đánh địch kịp thời như: Đài quan sát của tự vệ Phòng Tài chính, Đại đội Pháo 100 ly, Xí nghiệp Bánh mứt kẹo, gỗ Bạch Đằng, Nhà máy Ô tô 1-5, Nhà in Tạp chí học tập, Nhà máy Ô tô Ngô Gia Tự, Hợp tác xã Nông nghiệp Long Biên, Hợp tác xã Vận tải Hoàn Kiếm. Công ty Cầu đường luôn giữ vững mạch máu giao thông. Công ty Sửa chữa nhà cửa không quản khó khăn đào bới, cứu sập ở nhiều nơi như: Khâm Thiên, An Dương, Mai Hương. Phòng cấp cứu 5 ngày đêm khẩn trương phục vụ cứu sống nhiều người bị thương. Lực lượng y tế tuyến 1, tuyến 2, các thầy thuốc Bệnh viện Việt Nam - Cuba, Viện Bảo vệ bà mẹ trẻ em tận tụy tham gia khắc phục hậu quả sau các đợt Mỹ ném bom. Công nhân viên Xí nghiệp Truyền thanh Hà Nội giữ vững đường dây thông suốt bảo đảm cho công tác lãnh đạo của thành phố và phục vụ báo động phòng không cho nhân dân.

Qua chiến đấu, phục vụ chiến đấu đã xuất hiện nhiều tấm gương “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” như các chị Nguyễn Thị Quế, Hà Thị Vân không sợ hy sinh đã cùng đơn vị bạn tháo gỡ bom chưa nổ; 30 nữ công nhân Nhà máy Văn phòng phẩm Hồng Hà không quản đường xa, bất chấp bom đạn với những đôi quang gánh, xe đạp thồ vận chuyển hàng chục mét khối gỗ từ Gia Lâm về nhà máy kịp thời phục vụ sản xuất. Hay 89 nữ nhân viên Công ty Ăn uống Hoàn Kiếm tình nguyện sang Ga Phú Thụy, nơi địch thường xuyên đánh phá ác liệt vận chuyển 5 tấn hàng bằng phương tiện xe đạp về Hà Nội phục vụ đời sống nhân dân…

Những chiến công và đóng góp của Đảng bộ và nhân dân Hoàn Kiếm đã tạo nên sức mạnh cùng với quân dân Thủ đô làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. 45 năm đã qua, chiến thắng lịch sử này để lại nhiều bài học vô cùng quý giá, khơi dậy ý chí, niềm tin, sự quyết tâm của toàn Đảng bộ và nhân dân, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, xây dựng quận Hoàn Kiếm ngày càng giàu đẹp, thanh lịch, văn minh, xứng đáng với truyền thống Liên khu I Anh hùng.

Tuyên Hoàn