Sóng gió chưa qua
Thế giới - Ngày đăng : 07:05, 23/12/2017
Theo số liệu được cơ quan chức năng Tây Ban Nha thông báo ngày 22-12, với 95% số phiếu được kiểm, các chính đảng chủ trương đòi đơn phương tách vùng này khỏi Tây Ban Nha dự kiến giành được khoảng 70 ghế tại Hội đồng lập pháp vùng gồm 135 ghế, cao hơn mức đa số tối thiểu 2 ghế. Trong khi đó, 3 đảng ủng hộ Catalonia là một phần không thể chia cắt của Tây Ban Nha có thể giành được 57 ghế, thấp hơn đáng kể so với mốc 68 ghế để giành đa số tối thiểu.
Người dân Catalonia bỏ phiếu bầu lãnh đạo mới. |
Cũng trong cuộc bỏ phiếu lần này, kết quả thống kê sơ bộ cho thấy số lượng cử tri Catalonia đi bỏ phiếu đã đạt mức kỷ lục so với các cuộc bỏ phiếu trước đây. Có tới 82% trong tổng số 5,5 triệu cử tri đủ tư cách đã tham gia bỏ phiếu. Đây là dấu hiệu cho thấy, người dân Catalonia đang rất quan tâm tới “số phận” khu vực này sau những sóng gió kéo dài suốt nhiều tháng qua. Căng thẳng còn được thể hiện qua việc chính quyền đã điều động 17.000 cảnh sát để bảo đảm an ninh cho các điểm bỏ phiếu và các trụ sở công quyền nhằm đề phòng tình huống xấu xảy ra. Ngoài ra, khoảng 55.000 quan sát viên của cả phe ủng hộ độc lập cho Catalonia lẫn phe ủng hộ sự thống nhất của Tây Ban Nha cũng được triển khai để ngăn chặn tình trạng gian lận phiếu bầu.
Mặc dù, công tác kiểm phiếu chính thức của chính quyền trung ương sẽ được tiến hành ngày 24-12 và kết quả chính thức sẽ được công bố trong vòng 3 ngày sau đó, song theo giới phân tích, sẽ không có quá nhiều thay đổi so với những gì đã công bố. Cử tri Catalonia vẫn bỏ phiếu cho các đảng ly khai, dù ít hơn so với cách đây 2 năm, nhưng đủ để thể hiện sự phản đối của họ với cách mà Chính phủ Tây Ban Nha đang xử lý cuộc khủng hoảng Catalonia. Điều này thể hiện rõ nhất ở việc đảng Nhân dân (PP) của ông M.Rajoy chỉ giành 4 ghế, tức chỉ bằng 1/3 so với cách đây 2 năm và là đảng có thành tích kém nhất. Do vậy, thông điệp mà các cử tri Catalonia đưa ra là dù Catalonia không hẳn thực sự muốn ly khai khỏi Tây Ban Nha nhưng tiếng nói của họ cần được lắng nghe và Chính phủ trung ương cần có những điều chỉnh phù hợp về mặt chính sách trong thời gian tới.
Không khó để nhận ra, nguyên nhân sâu xa dẫn đến cuộc khủng hoảng ly khai ở Catalonia trong vài tháng qua là do các bất đồng tích tụ từ nhiều năm giữa chính quyền trung ương ở Madrid với chính quyền Catalonia, đặc biệt trong việc tái phân bổ các nguồn lực kinh tế. Phe ly khai ở Catalonia đã giành được sự ủng hộ của dân chúng trong vùng để phản đối tình trạng bị phân biệt đối xử khi đây là vùng giàu có và đóng góp kinh tế quan trọng hàng đầu cho Tây Ban Nha nhưng lại không có nhiều quyền sử dụng các khoản thuế thu được.
Trong bối cảnh phe chủ trương ly khai giành thắng lợi, nếu Chính phủ của Thủ tướng M.Rajoy tiếp tục sử dụng các biện pháp cứng rắn, cuộc khủng hoảng tại Catalonia có nhiều nguy cơ tái bùng phát. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, bước đi cần thiết để xoa dịu căng thẳng hiện nay là thúc đẩy đàm phán giữa các bên. Dù đây không phải là giải pháp hoàn hảo nhằm phá thế bế tắc chính trị song sẽ là một bước đệm hợp lý trước khi tính đến các giải pháp lâu dài.