Chăm lo tốt đời sống đồng bào Công giáo Thủ đô
Đời sống - Ngày đăng : 07:33, 23/12/2017
Đồng bào Công giáo ở xã Cần Kiệm (huyện Thạch Thất) tham gia xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Thái Hiền |
- Nhiệm kỳ 2012-2017 được đánh giá có nhiều thành công, vậy xin ông cho biết một số thành tựu nổi bật của Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố nhiệm kỳ qua?
- Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố đã thực hiện tốt vai trò tổ chức tập hợp, hướng dẫn phong trào thi đua yêu nước của người Công giáo Thủ đô. Trong đó, các phong trào xây dựng “Xứ, họ đạo tiên tiến”, “Mỗi người Công giáo Thủ đô là một công dân tốt”, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, phát triển bền vững đạt được những kết quả tích cực. Qua đó làm thay đổi diện mạo các xứ, họ đạo; tình hình chấp hành các chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước tốt hơn; không có tệ nạn, bảo đảm an ninh trật tự. Số hộ gia đình Công giáo đạt danh hiệu Gia đình văn hóa tăng từ 80% (năm 2012) lên 92% (năm 2017). Người Công giáo đã nỗ lực phát triển kinh tế. Đáng mừng hơn, mỗi quận, huyện, thị xã có hàng chục hộ có thu nhập 1-2 tỷ đồng/năm, tạo nhiều việc làm ổn định, đóng góp vào phát triển Thủ đô và đất nước. Bên cạnh đó, toàn thành phố có hơn 200 người Công giáo được bầu là đại biểu HĐND các cấp. Các giáo xứ đều có quỹ khuyến học, trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, học giỏi, khuyến khích các em nỗ lực đạt thành tích tốt; nhiều em đã có học vị tiến sĩ.
Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố cũng luôn làm tốt nhiệm vụ là thành viên MTTQ Việt Nam, tham gia phản biện, giám sát việc thực hiện các chính sách, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người Công giáo; tham mưu cho thành phố xử lý tốt các vấn đề liên quan.
- Trong thời gian tới, Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố đề ra giải pháp gì để góp phần nâng cao đời sống đồng bào Công giáo, thưa ông?
- Đây là nhiệm vụ trọng tâm của Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố trong nhiệm kỳ 2017-2022. Để nâng cao đời sống của bà con, trong nhiệm kỳ 2012-2017, các cấp, ngành đã có nhiều sự quan tâm hỗ trợ. Toàn thành phố có 50 gia đình Công giáo được hỗ trợ xây, sửa nhà với tổng kinh phí 2,23 tỷ đồng. Năm 2017, thành phố hỗ trợ 20 trường hợp. Chúng tôi đã khảo sát, đôn đốc, xây, sửa được 16 nhà, với mức hỗ trợ 620 triệu đồng. Ngoài ra, Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố đã vận động dòng họ, làng xóm, các linh mục, tổ chức bác ái chung tay giúp đỡ. Ví dụ, các huyện Thanh Oai, Ứng Hòa hỗ trợ 20 triệu đồng và 5 tấn xi măng cho mỗi nhà. Nhờ sự hỗ trợ này, nhiều hộ Công giáo có hoàn cảnh khó khăn làm được nhà trị giá 200-300 triệu đồng, khang trang, bền vững.
Năm 2018 sẽ diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc người Công giáo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chúng tôi tập trung phát động thi đua chào mừng, phấn đấu hỗ trợ nhiều hộ vượt qua khó khăn. Chúng tôi sẽ kiến nghị thành phố hỗ trợ 50 nhà, giúp bà con giải quyết chỗ ở. Bên cạnh đó, Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố sẽ vận động các quận, huyện, thị xã tổ chức trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, nhất là quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm có nhiều hộ trồng hoa cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Đây là những mô hình tốt giúp các hộ gia đình Công giáo học tập, vươn lên làm giàu.
- Ông đánh giá như thế nào về sự quan tâm của thành phố cũng như các cấp, ngành đối với đồng bào Công giáo?
- Tôi đã đi nhiều địa phương, phải khẳng định rằng, Hà Nội là đơn vị quan tâm, hỗ trợ hiệu quả nhất nhằm nâng cao đời sống đồng bào Công giáo. Tại nhiều địa phương, thành phố hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện để xây mới, sửa chữa, tôn tạo nhà thờ, nhà nguyện, nhà xứ…, đáp ứng nguyện vọng của cha xứ và giáo dân. Năm 2013, thành phố hỗ trợ hơn 400 triệu đồng sửa 2 nhà thờ Trung Chí, Tân Lạc (quận Hai Bà Trưng); năm 2015 hỗ trợ xây nhà giáo lý họ Mai Lâm (huyện Đông Anh) hơn 400m2 giá trị 1 tỷ đồng; năm 2017 hỗ trợ xây nhà giáo lý họ Đại Bằng (huyện Đông Anh) 13 tỷ đồng. Đặc biệt, thành phố đã hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc về thủ tục đất đai, cấp đất xây sửa nhà thờ. Nhiệm kỳ qua, thành phố đã giải quyết hàng chục địa điểm, như nhà thờ Tình Lam hơn 1.000m2, Hoàng Xá hơn 300m2, Pháp Vân hơn 500m2… Bộ mặt các xứ, họ đạo đã khang trang, văn minh hơn.
- Xin ông cho biết các hoạt động nhân mùa Giáng sinh năm nay?
- Đây là hoạt động định kỳ hằng năm. Bên cạnh việc thăm hỏi, hỗ trợ bà con Công giáo có hoàn cảnh khó khăn, người tàn tật, neo đơn, năm nay các Ban Đoàn kết Công giáo quận, huyện, thị xã, Ban Hành giáo các xứ, họ sẽ đồng loạt phối hợp với chính quyền tổ chức lễ trọng, liên hoan, văn nghệ… mừng đón Giáng sinh. Ở nhiều huyện, các xứ, họ luân phiên đăng cai tổ chức các hoạt động mừng Giáng sinh, tạo không khí phấn khởi, tin tưởng, đồng thời khích lệ bà con Công giáo tiếp tục hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, sống tốt đời, đẹp đạo, góp phần xây dựng Thủ đô giàu đẹp.
- Trân trọng cảm ơn ông!