Hình thành nhân cách tốt đẹp cho lớp trẻ

Đời sống - Ngày đăng : 07:58, 23/12/2017

(HNM) - Tại hội thảo tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên mới đây, Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh, thực trạng vi phạm pháp luật hiện diễn biến phức tạp về tính chất lẫn mức độ;


Trẻ em có được lớn lên khỏe mạnh hay không phụ thuộc hoàn toàn vào việc giáo dục, định hình nhân cách từ phía gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, ảnh hưởng từ xã hội hiện nay tác động rất lớn tới việc rèn luyện đạo đức, hình thành nhân cách của trẻ. Thực tế cho thấy, nhiều gia đình gia giáo, nhiều ngôi trường thân thiện, vẫn “sản sinh” ra những học sinh có thái độ sống, nhân cách đi ngược giá trị đạo đức. Hoặc ở gia đình, giá trị đạo đức truyền thống bị mai một, cha mẹ “bó tay” trước biểu hiện con cái làm công việc gì tùy ý, khiến sai phạm phát tác, giá trị đạo đức, nhân cách tốt đẹp giảm sút. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, thanh, thiếu niên hiện nay có biểu hiện suy thoái đạo đức, sai lệch về nhân cách, giá trị sống khá phổ biến, đáng báo động...

Học sinh có thể học được nhiều điều tốt đẹp từ thư viện sách của nhà trường. Ảnh: Anh Tuấn



Nói về nguyên nhân thực trạng, chị Phạm Ánh Tuyết, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Hoàn Kiếm) nhận định: Hiện nay, học sinh, sinh viên được tiếp cận, đón nhận nhiều cơ hội học hỏi, sáng tạo để cống hiến, trưởng thành. Song, do lứa tuổi đang hình thành nhân cách, thiếu kinh nghiệm sống và kiến thức, nên nhiều khi các cháu dễ tiếp thu cả mặt trái, tác động tiêu cực đến đạo đức, từ đó hình thành tính cách, quan điểm sống có phần lệch lạc, đi ngược giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp.

Đồng quan điểm, chị Nguyễn Thị Hệ, giáo viên Trường Phổ thông liên cấp Vinschool khẳng định: Nhiều người cho rằng “Tâm hồn trẻ em như tờ giấy trắng, vẽ gì lên đó là quyền của người lớn”. Điều này có nghĩa, việc giáo dục đạo đức giúp hình thành nhân cách trẻ, hoàn toàn phụ thuộc ở các bậc phụ huynh và thầy cô giáo. Nếu gia đình có truyền thống đạo đức và quản lý, uốn nắn tốt, cộng với việc nhà trường quan tâm giáo dục đạo đức thì những yếu tố ngoài xã hội khó tác động đến học sinh, bởi khi có nền tảng đạo đức tốt, trẻ tự giác chọn bạn, lánh xa cái xấu, ác.

Nền tảng là đạo đức truyền thống

Chị Vũ Thị Xuân Quý (quận Cầu Giấy), Giám đốc Công ty Đầu tư phát triển dịch vụ Quang Minh, chia sẻ: Ở nhà, chị có hai con trai học tập xuất sắc, ngoan ngoãn. Bí quyết của chị là luôn lấy nền tảng đạo đức truyền thống nhân, nghĩa, lễ, trí, tín làm kim chỉ nam để giáo dục các con mình.

Trên thực tế, môn học giáo dục công dân hiện nay được Bộ Giáo dục - Đào tạo đổi mới bằng việc gắn với pháp luật, nhằm định hướng cho học sinh thấm nhuần tinh thần thượng tôn pháp luật, để tự ngăn bản thân không vi phạm pháp luật, hình thành nhân cách chân, thiện, mỹ. Có thể kể đến nhiều cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật, sân chơi về giáo dục nhân cách đạo đức, nhiều chương trình dã ngoại rèn luyện kỹ năng sống, gắn với hoạt động từ thiện xã hội vì cộng đồng, được các trường học đồng loạt tổ chức. Điển hình như chương trình “Sống có giá trị thắp ngọn đuốc xanh” tại Trường THCS Cầu Giấy mang lại nhiều giá trị thiết thực về giáo dục đạo đức học sinh. Bằng những câu chuyện giản dị về tình cảm, trách nhiệm của người con đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy, cô về tình yêu thương, sự biết ơn, lòng hiếu thảo, tại chương trình, Tiến sĩ Nguyễn Thành Nhân, cố vấn cao cấp Trung tâm Đào tạo tài năng trẻ Châu Á - Thái Bình Dương, giúp học sinh cảm nhận sâu sắc những giá trị sống, ý thức sâu sắc về lòng nhân ái, yêu thương, sự sẻ chia. Cô giáo Lê Kim Anh, Hiệu trưởng nhà trường khẳng định, đây là cách làm mới môn học đạo đức trên tinh thần giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống, giúp học sinh nhìn nhận lại bản thân, biết nói những lời yêu thương, biết ơn và xin lỗi, biết trân trọng giá trị sống...

Bên cạnh các mô hình phong phú, nhiều trường còn có phương pháp tăng hiệu quả giáo dục đạo đức. Điển hình như Trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm) “siết” quản lý về công nghệ, thông tin đối với học sinh; lập Viber nhóm giữa giáo viên chủ nhiệm với phụ huynh để kịp thời trao đổi “nắn chỉnh” những em có biểu hiện vi phạm đạo đức. Hoặc nhiều trường trừ thi đua, thậm chí kỷ luật cá nhân, tập thể lớp vi phạm nền nếp đạo đức, sử dụng mạng xã hội (Zalo, Facebook...) để đăng tải nội dung không lành mạnh, dùng từ ngữ thiếu văn hóa; thành lập đội công tác nắm bắt tình hình, diễn biến đạo đức, những biểu hiện lệch lạc, sai phạm trong học sinh để báo cáo ban giám hiệu điều chỉnh kịp thời...

Về giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, nhiều ý kiến giáo viên và phụ huynh cho rằng, cần khắc phục các bất cập như: Chương trình giáo dục đạo đức hiện nay tuy phong phú, nhiều bài học, nhưng chưa xác định rõ những phẩm chất cơ bản của nhân cách con người Việt Nam như thế nào; bài học còn nặng lý thuyết, chưa tạo được dấu ấn, chưa định hướng nhân cách, trong khi học sinh dễ bị tác động trước ngoại cảnh không tốt. Do vậy, các cấp học cần đặc biệt chú trọng môn giáo dục đạo đức, lối sống, lý tưởng cách mạng cho học sinh, sinh viên, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên để phát triển con người Việt Nam toàn diện.

Linh Nhi