Dự án đường sắt đô thị: Tổng thầu Trung Quốc phải tuân thủ tiến độ
Giao thông - Ngày đăng : 09:04, 23/12/2017
“Bộ Giao thông Vận tải sẽ làm việc trực tiếp với Đại sứ quán Trung Quốc và các bên liên quan, để đẩy nhanh việc giải ngân nguồn vốn bổ sung cho dự án,” ông Thể nhấn mạnh.
Đoàn tàu đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+) |
Tại cuộc họp về đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông diễn ra ngày 22-12, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Tổng thầu Trung Quốc lập lại tiến độ tổng thể và chi tiết, có kế hoạch thực hiện chi tiết từng hạng mục, mốc thời gian cụ thể để quản lý tốt tiến độ, đồng thời đề nghị lãnh đạo cao nhất của Tổng thầu cam kết tuân thủ tiến độ điều chỉnh lần này (cuối năm 2018) với Bộ Giao thông Vận tải để trình lên cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
Để sớm đưa dự án về đích và khai thác, vận hành, trước đó, Tổng thầu Trung Quốc đã có đề xuất phê duyệt, lập lại tiến độ thi công các hạng mục còn lại của dự án và đề ra mốc thời gian hoàn thành các hạng mục chính.
Cụ thể, công tác xây dựng nhà ga và đường ray hoàn thành vào tháng 3-2018; trang trí kiến trúc Depot vào tháng 4-2018; hệ thống thiết bị và đào tạo thao tác thiết bị vào tháng 4-5/2018; vận hành chạy thử kỹ thuật kể từ ngày 2-9-2018 (thời gian vận hành chạy thử từ 3-6 tháng) và đủ điều kiện để đưa vào vận hành khai thác thương mại từ tháng 11-2018 (thời điểm khai thác thương mại phụ thuộc vào đơn vị tiếp nhận và quản lý vận hành khai thác).
Theo tiến độ lập lại này, dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông sẽ chậm khoảng 11 tháng so với kế hoạch gần đây là chạy thử kỹ thuật vào tháng 10-2017 và khai thác thương mại vào giữa năm 2018.
Ông Vũ Hồng Phương, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt cho biết, đến nay, khối lượng xây lắp của dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đã hoàn thành 95%; Trong đó, toàn bộ các trụ, dầm cầu trên cao; kết cấu và kiến trúc của 12 nhà ga; mặt bằng và kết cấu chính của 15/16 đơn thể kiến trúc khu Depot; đường ray tuyến chính, tuyến nhánh và trong khu Depot; tường chống ồn và các hạng mục khác trên khu gian đã hoàn thành.
Khối lượng còn lại 5% gồm hoàn thiện các đơn thể và hạ tầng khu Depot; hoàn thiện một số công việc còn lại của nhà ga do liên quan đến lắp đặt thiết bị (lan can, trần, sàn tĩnh điện, cửa…). Công tác sản xuất, chế tạo toàn bộ 13 đoàn tàu đã xong.
Đến nay, dự án đã vận chuyển về đến công trường 9 đoàn tàu, còn lại 4 đoàn tàu đang được vận chuyển về theo kế hoạch. 60% khối lượng thiết bị đã được nhập khẩu về công trường; 40% khối lượng đã được lắp đặt (thông tin, tín hiệu, cấp điện, ray tiếp xúc, chiếu sáng…), về công tác đào tạo nhân lực cơ bản đã hoàn thành.
Thừa nhận nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tiến độ dự án trong năm nay do vướng mắc liên quan đến Hiệp định vay vốn bổ sung 250 triệu USD (khoảng 5.650 tỷ đồng), theo ông Phương, Hiệp định vay vốn bổ sung được Bộ Tài chính và Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc (CEB) ký kết ngày 11-5-2017.
Bộ Tư pháp đã thống nhất và ký văn bản “Ý kiến pháp lý của Hiệp định” cho CEB. Bộ Tài chính hoàn tất các thủ tục và gửi CEB. Tuy nhiên đến nay, phía ngân hàng vẫn đang xem xét và chưa có văn bản chính thức thông báo Hiệp định đã có hiệu lực.
Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD (khoảng hơn 20.000 tỷ đồng). Dự kiến ban đầu đưa vào khai thác năm 2016 nhưng phải điều chỉnh lùi đến quý 1-2018 mới khai thác thương mại.
Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5km (từ Cát Linh đi Hà Đông), khổ đường 1.435mm và 12 nhà ga trên cao (gồm 2 nhà ga trung chuyển Cát Linh và Đại học Quốc gia); khu Depot rộng 19,6ha tại Hà Đông. Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35km/giờ, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông được thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA Trung Quốc. Gói thầu chính của dự án (thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp) do Công ty hữu hạn Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện theo hình thức Tổng thầu EPC.