"Giải cứu" đường hầm sông Sài Gòn
Kinh tế - Ngày đăng : 07:47, 25/12/2017
Lượng xe lưu thông tăng cao
Trả lời PV Báo Hànộimới về nguyên nhân quá tải tại nút giao thông quan trọng cửa ngõ thành phố, đại diện Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn (thuộc Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh) cho hay, do lưu lượng xe cộ qua đường hầm tăng quá nhanh. Thống kê từ tháng 9 đến 11-2017, trung bình có gần 47.500 lượt xe ô tô lưu thông qua hầm/ngày và 270.000 lượt xe máy/ngày. Trong khi đó, cùng thời điểm năm 2016, xe ô tô lưu thông chỉ gần 37.500 lượt/ngày và xe máy 230.000 lượt/ngày.
Như vậy năm 2017, lượng xe ô tô qua hầm tăng gần 27% và xe máy tăng hơn 17%. Ngoài ra, tình trạng ùn ứ xe máy tại 2 đầu đường hầm xảy ra khi có sự cố va chạm ở làn xe máy trong hầm, hoặc khi xe máy hư hỏng phải dẫn bộ trong đường hầm... cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng ùn tắc trong những ngày qua.
Ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra vào giờ cao điểm tại đường hầm sông Sài Gòn. |
Trước tình hình trên, cơ quan chức năng liên quan TP Hồ Chí Minh triển khai nhiều giải pháp như: Mở rộng làn xe máy 2 đầu đường hầm; điều tiết ngăn xe ô tô vào trong hầm để ưu tiên cho xe máy. Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn còn bố trí nhân viên ứng trực 24/24 giờ để khi xảy ra các sự cố thì lập tức “giải cứu”. Cụ thể, khi xe máy dẫn bộ, hoặc xe ô tô hư hỏng, chết máy trong khu vực đường hầm, lực lượng cứu hộ lập tức tiếp cận, hỗ trợ. Trong trường hợp xe không di chuyển được, sẽ điều xe cứu hộ đưa ra ngoài, giải tỏa giao thông trong hầm.
Trung tâm quản lý đường hầm cũng bố trí lực lượng phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông Bến Thành, lực lượng thanh niên xung phong ứng trực 24/24 giờ, để điều tiết giao thông trước Trạm thu phí Thủ Thiêm (quận 2) và tại nút giao thông Ký Con (quận 1). Đồng thời, lực lượng chức năng còn điều khiển đèn tín hiệu giao thông từ xa tại các nút giao thông trên tuyến để bảo đảm lượng xe máy lưu thông vào hầm phù hợp. Trường hợp lượng xe máy tăng nhanh, ùn ứ nhiều tại đầu hầm, sẽ có phương án phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông, cho xe ô tô tạm dừng ở bên ngoài hầm, sau đó, điều tiết cho xe máy lưu thông vào làn xe ô tô để bảo đảm thoát nhanh qua hầm.
Nhờ vậy, ghi nhận của chúng tôi mới đây, giao thông tại đường hầm sông Sài Gòn không còn tình trạng ùn ứ, kẹt xe kéo dài như trước. Các phương tiện ô tô lẫn xe máy di chuyển chậm qua đường hầm mà không gặp bất cứ sự cố giao thông nào.
Theo Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh, thời gian tới, thành phố sẽ xây dựng mới 7 cây cầu, trong đó có 3 cầu bắc qua sông Sài Gòn nối khu trung tâm với Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) gồm: Thủ Thiêm 2 (từ quận 1), Thủ Thiêm 3 (từ quận 4) và Thủ Thiêm 4 (từ quận 7), để giảm tải cho đường hầm sông Sài Gòn. |
Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ
Giải pháp tiếp theo, trao đổi với PV Báo Hànộimới, ông Lê Minh Triết, Giám đốc Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn cho biết, Trung tâm Quản lý đường hầm đang phối hợp Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC67) Công an TP Hồ Chí Minh, bổ sung và điều chỉnh nút giao thông đối với đầu hầm quận 1 và quận 2. Phía đầu hầm quận 2 sẽ tăng thêm 1 làn xe tiếp cận khu vực đầu hầm dành cho các loại xe máy; điều chỉnh lại bề rộng, kích thước hình học đường dẫn vào hầm; tăng thêm 1 làn xe cho hướng thoát xe ra khỏi hầm, giúp các xe máy lưu thông ra khỏi hầm thuận lợi hơn.
Phía đầu hầm quận 1, khi lượng xe máy cao, lực lượng chức năng sẽ tạm ngưng xe ô tô lưu thông vào hầm, để xe máy đi vào làn xe ô tô. Để tránh tình trạng xe ô tô lưu thông từ cầu Calmette xuống cắt ngang dòng xe máy đang vào hầm, Trung tâm Quản lý đường hầm đề xuất cho phép bổ sung biển cấm xe ô tô từ hầm đi vào làn hỗn hợp đường Võ Văn Kiệt vào giờ cao điểm từ 6h đến 9h và từ 16h đến 19h; bổ sung biển cấm xe ô tô lưu thông vào đường hầm từ nhánh rẽ cầu Calmette vào thời gian cao điểm từ 17h đến 19h, để không xảy ra giao cắt với xe máy.
UBND TP Hồ Chí Minh cũng vừa đồng ý đề xuất của Sở Giao thông - Vận tải cho phép tháo dỡ trạm thu phí đường hầm trước Tết Nguyên đán 2018 vì không sử dụng 6 năm nay, để tạo sự thông thoáng cho các loại xe ra, vào hầm.
Thế nhưng, theo nhiều chuyên gia giao thông, những giải pháp trên chỉ mang tính tạm thời nhằm giải quyết trước mắt tình trạng quá tải tại nút giao thông đường hầm.
Theo dự báo, phương tiện tăng nhanh qua từng năm thì lưu lượng tham gia giao thông sẽ tăng tương ứng. Chưa kể, dọc đường Mai Chí Thọ (quận 2) đang hình thành nhiều cao ốc, chung cư, khu thương mại…, và khi đi vào hoạt động đồng loạt, sẽ khiến đường hầm quá tải. Trong khi, đường hầm này gần như tuyến “độc đạo” để người dân các quận thuộc cửa ngõ Đông Bắc thành phố (quận 2, 9) di chuyển vào trung tâm (quận 1) nhanh chóng và thuận lợi nhất.
Vậy nên, theo ý kiến của các chuyên gia, nếu chính quyền thành phố không có các giải pháp xây dựng các công trình giao thông kết nối khu Đông Bắc với trung tâm sẽ không giải quyết được tình trạng quá tải tại đây. Cụ thể, ngành Giao thông thành phố cần sớm đẩy nhanh thi công, hoàn thành cầu Thủ Thiêm 2 (nối quận 1 với quận 2); phân luồng xe gắn máy đi qua cầu Thủ Thiêm 1 (nối quận 2 với Bình Thạnh để đi vào trung tâm) nhằm giảm áp lực cho đường hầm sông Sài Gòn.