Nâng hiệu quả của ngành Logistics
Kinh tế - Ngày đăng : 08:07, 25/12/2017
Ảnh minh họa |
Trong những năm gần đây, ngành Logistics Việt Nam tăng trưởng trung bình 15-16%/năm và hiện xếp hạng thứ 64/160 quốc gia và vùng lãnh thổ, thứ 4 trong ASEAN. Tuy nhiên, chi phí cho dịch vụ này còn ở mức cao, tương đương với 20,8% GDP (trong khi ở các nước phát triển chỉ khoảng 9-14% GDP). Điều đáng nói là tỷ lệ phải thuê doanh nghiệp nước ngoài chiếm 35-40%, chủ yếu do chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các nhà cung cấp dịch vụ với nhà sản xuất và xuất nhập khẩu. Như vậy, hoạt động logistics Việt Nam còn hạn chế về hiệu quả, dẫn đến đội giá chi phí hàng hóa, từ đó làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, hiện nước ta có 3 nghìn doanh nghiệp hoạt động logistics, nhưng chỉ có khoảng 1.300 đơn vị tham gia tích cực vào hoạt động này, chủ yếu ở thị trường trong nước và một phần ở nước ngoài. Trong đó, doanh nghiệp trong nước chủ yếu cung cấp dịch vụ phục vụ nhu cầu nội địa, gồm vận tải xuyên Việt, vận tải đa phương thức, dịch vụ cảng biển, cảng hàng không, dịch vụ kho bãi, giám định, khai báo hải quan...
Điểm yếu của nhiều doanh nghiệp Việt Nam là chi phí dịch vụ chưa hợp lý, cao hơn mặt bằng khu vực dẫn đến thiếu sức cạnh tranh. Hệ thống hạ tầng giao thông, sự kết nối giữa các đơn vị cũng chưa hoàn thiện, gây khó khăn cho hoạt động logistics, làm mất thêm thời gian giao hàng và phát sinh chi phí liên quan. Đó là những căn nguyên đe dọa sự phát triển bền vững đối với các đơn vị, nhất là xét trong bối cảnh bùng nổ các hoạt động liên quan đến xuất nhập khẩu trên phạm vi toàn cầu.
Nhận thức về tầm quan trọng, vai trò của dịch vụ logistics, ngày 14-2-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 200/QĐ-TTg, thông qua kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025. Đây là lần đầu tiên có một kế hoạch tổng thể và là động lực để ngành Logistics phát triển, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Quyết định này có 60 nhiệm vụ cụ thể và hướng đến việc kéo giảm chi phí dịch vụ logistics xuống còn 16-20% của GDP, nâng chỉ số xếp hạng của lĩnh vực này lên trên hạng 50 của thế giới và có tốc độ tăng trưởng từ 15 đến 20%/năm.
Một số yếu tố đầu vào như tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu, quy mô sản xuất, phân phối hàng hóa của nền kinh tế và nhu cầu vận tải quá cảnh qua Việt Nam đang trên đà tăng mạnh. Đây là đầu vào quan trọng, trực tiếp tạo xung lực mới cho mục tiêu phát triển logistics trong thời gian tới.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Bộ đã tập hợp thông tin, biên tập, hoàn thiện và công bố báo cáo tổng hợp về tình hình cũng như hoạt động logistics một cách chính thống, đầy đủ. Với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 400 tỷ USD như hiện nay và tiếp tục tăng nhanh trong tương lai sẽ tạo ra hàng hóa rất dồi dào và có thể là dư địa cho ngành này rất lớn. Về lâu dài, tần suất hoạt động và quy mô, mức độ trang bị, cơ sở hạ tầng và sức cạnh tranh của ngành sẽ hướng tới tầm khu vực, vươn ra thế giới.
Về phía mình, các doanh nghiệp được khuyến nghị cần chủ động thắt chặt mối liên kết giữa nhà sản xuất, xuất nhập khẩu và phân phối hàng hóa để khép kín chu trình từ sản xuất đến tiêu dùng. Sự hợp tác là quan trọng, trên tinh thần chia sẻ, bình đẳng và hướng tới sự bảo đảm chung về chất lượng dịch vụ cũng như giá thành, tuyệt đối tránh tâm lý, cách hành xử theo kiểu "ăn xổi".