Xử lý nghiêm việc sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm “rởm”!
Bạn đọc - Ngày đăng : 07:57, 26/12/2017
Ông Lê Trọng Cảnh, phường Đức Giang (Long Biên):
Cần xử lý tận gốc
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, hiện vẫn có tới 40% mũ bảo hiểm đang lưu hành không đạt chuẩn hoặc chỉ giống về hình dáng nhưng không phải mũ bảo hiểm. Đây thực sự là con số đáng báo động về nạn hàng giả, hàng nhái trong lĩnh vực này. Thực tế, tuy tỷ lệ người dân đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy trong khu vực nội đô khá cao, song rất nhiều người chưa coi việc dùng mũ bảo hiểm là để bảo vệ tính mạng bản thân, mà vẫn chỉ nghĩ để đối phó với lực lượng chức năng. Trong khi đó, những chiếc mũ bảo hiểm này, ngoài mục đích che nắng, không có bất cứ tác dụng nào về bảo đảm an toàn. Theo tôi, xử phạt người đội mũ bảo hiểm “rởm” không khó, bởi chỉ nhìn bằng mắt thường cũng dễ dàng phân biệt được mũ bảo hiểm có đạt chuẩn hay không. Chưa kể, theo quy định, mũ bảo hiểm đạt chuẩn phải có tem dán hợp quy, hợp chuẩn. Song, để xử lý tận gốc tình trạng này, các cơ quan chức năng phải xử phạt nặng, tiến tới chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm “rởm”…
Bà Bùi Thị Hải Yến, chung cư Home City, 177 Trung Kính, phường Yên Hòa (Cầu Giấy):
Nhiều nơi, công tác tuyên truyền, xử phạt chưa được chú trọng…
Trong khi tại khu vực nội đô, tỷ lệ người tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe máy điện… sử dụng mũ bảo hiểm rất cao, thì ở các huyện ngoại thành, vùng ven, tình trạng người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm vẫn rất phổ biến mặc dù các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý. Tại khu vực ngoại thành Hà Nội vào giờ tan học, rất dễ dàng thấy cảnh từng đoàn học sinh đi xe máy, “vô tư” đầu không mũ bảo hiểm, phóng vèo vèo. Tình trạng này xuất phát từ hai nguyên nhân: Công tác tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông không được chính quyền địa phương và nhà trường coi trọng; việc kiểm tra, xử phạt bị buông lỏng. Hoặc nhiều nơi, trong đợt cao điểm tuyên truyền, xử phạt thì người dân chấp hành rất tốt, nhưng hễ kết thúc đợt ra quân của lực lượng chức năng là tất cả đâu lại vào đấy. Để quy định đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi tham gia giao thông đạt mục tiêu cả về chất và lượng, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ngay từ trong nhà trường, tổ dân phố, cụm dân cư…, chính quyền, lực lượng chức năng cần phải xem việc kiểm tra, giám sát hoạt động này là nhiệm vụ thường xuyên và nghiêm túc thực hiện.
Bà Nguyễn Hoàng Anh, tổ dân phố 6, phường La Khê (Hà Đông):
Nâng cao trách nhiệm của cơ quan chức năng
Hằng ngày, đi trên các tuyến phố trong nội đô hay các tuyến đường ngoại thành Hà Nội, chúng ta dễ bắt gặp những cửa hàng hay sạp hàng nhỏ lẻ bày bán la liệt mũ bảo hiểm “rởm” (không dán tem hợp quy, hợp chuẩn) với giá từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng/chiếc. Việc kinh doanh mũ bảo hiểm “rởm” diễn ra công khai giữa “thanh thiên bạch nhật”, trong khi đó, theo Nghị định số 87/2016/NĐ-CP của Chính phủ về điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy có hiệu lực từ ngày 1-7-2017, chỉ các tổ chức, cá nhân đã đăng ký kinh doanh, có địa điểm cụ thể và địa chỉ rõ ràng mới được bán mũ bảo hiểm, nhưng lạ một điều là không thấy các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý? Theo tôi, các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp cần chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm, trong đó chú trọng kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm ngay từ khâu sản xuất, phân phối đến kinh doanh. Đồng thời, các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nào cũng có thể phân biệt được thế nào là mũ bảo hiểm đạt chuẩn.
Ông Phan Quốc Hùng, phường Mai Động (Hoàng Mai):
Thực hiện nghiêm Nghị định số 87/2016/NĐ-CP
Tôi nhớ cách đây không lâu, thông tin các cơ quan chức năng sẽ mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý người đi mô tô, xe máy đội mũ bảo hiểm không đạt chất lượng, trong đó tập trung vào nhóm đối tượng thanh, thiếu niên khiến dư luận không đồng tình. Nhiều người cho rằng không có người sản xuất, người bán mũ bảo hiểm “rởm”, thì đâu có người sử dụng mũ bảo hiểm kém chất lượng? Thế rồi, câu chuyện xử phạt người đội mũ bảo hiểm “rởm” cũng chỉ “nóng” lên trong một thời gian ngắn, sau đó lại “nguội” và rồi tình trạng buôn bán, sử dụng mũ bảo hiểm “rởm” lại tái diễn ở mọi lúc, mọi nơi, gây bức xúc trong dư luận. Trong khi đó, Nghị định số 87/2016/NĐ-CP của Chính phủ về điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy có hiệu lực từ ngày 1-7-2017 được cho là công cụ pháp lý quan trọng nhằm chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm lại chưa được các địa phương thực hiện nghiêm túc. Thiết nghĩ, để giải quyết triệt để nạn mũ bảo hiểm “rởm”, cùng với việc thực hiện nghiêm Nghị định số 87, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành và giải pháp hữu hiệu nhất đó là phải “triệt tiêu” từ gốc - nơi sản xuất, nhập khẩu mũ bảo hiểm "rởm".