Sẵn sàng “đón” bão

Đời sống - Ngày đăng : 07:01, 26/12/2017

(HNM) - Nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 25-12, các tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ quyết liệt triển khai công tác ứng phó bão số 16 (tên quốc tế là Tembin), với mục tiêu hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Dân quân tự vệ tại U Minh (Cà Mau) giúp người dân gia cố lại nhà. Ảnh: Tùng Tín


Quyết liệt ứng phó

Không chủ quan trong ứng phó với bão số 16, tỉnh Cà Mau đã trích ngân sách hỗ trợ các hộ nghèo mua sắm vật tư chằng chống nhà cửa. Đến chiều tối 25-12, các địa phương của tỉnh Cà Mau nằm trong khu vực dự kiến bão đổ bộ đã hoàn thành việc kêu gọi tàu thuyền vào nơi neo đậu, trú tránh an toàn. Đến 14h ngày 25-12, tỉnh Bến Tre đã huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ di dời, sơ tán hơn 41.000 người dân đến nơi an toàn để tránh bão số 16. Tỉnh Vĩnh Long đã sơ tán hơn 2.390 hộ dân với hơn 3.800 người đến nơi an toàn để tránh bão số 16. Hiện tỉnh Vĩnh Long đã bố trí gần 40 điểm trú bão an toàn tại các cơ quan, trụ sở xã, phường, nhà văn hóa, trường học…

Theo tổng hợp của Văn phòng Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai, trong ngày 25-12, các tỉnh, thành phố vùng ảnh hưởng của bão đã cấm tàu thuyền ra khơi, kiểm đếm, hướng dẫn cho 69.121 phương tiện, với 343.169 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh. 15/19 tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ đã có kế hoạch di dời 1.168.137 người dân sinh sống ở các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn; trong đó các tỉnh, thành phố sơ tán nhân dân đạt kế hoạch cao là TP Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bạc Liêu… Bên cạnh đó, nhân dân 19 tỉnh, thành phố đã chằng chống được 43.649/404.667 ngôi nhà; trong đó địa phương đạt tỷ lệ cao là TP Hồ Chí Minh, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Tiền Giang…

Ngày 25-12, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng Đoàn công tác của Chính phủ đã đến các tỉnh, thành phố dự kiến bão số 16 sẽ đổ bộ để kiểm tra, đôn đốc ứng phó. Báo cáo với Phó Thủ tướng, tỉnh Bạc Liêu cho biết đã cơ bản hoàn thành công tác di dời nhân dân sinh sống ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Các lực lượng chức năng của tỉnh đang tập trung hỗ trợ nhân dân thu hoạch tôm, lúa "chạy" bão, chằng chống nhà cửa, bảo vệ ao đầm, đê kè, công trình, trụ sở… Kiểm tra công tác phòng, chống bão tại tỉnh Sóc Trăng, Phó Thủ tướng yêu cầu địa phương khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú, hướng dẫn ngư dân neo đậu tàu thuyền an toàn; di dời người dân khỏi khu vực nguy hiểm... Phó Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo các địa phương phải bám sát địa bàn, sử dụng lực lượng, phương tiện tại chỗ, sơ tán triệt để, không để người dân ở trên tàu thuyền, lồng bè, nhà cửa yếu và những khu vực nguy hiểm...

Kiểm tra công tác ứng phó với bão số 16 tại tỉnh Kiên Giang, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường yêu cầu địa phương khẩn trương di dời nhân dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; huy động lực lượng giúp nhân dân thu hoạch lúa mùa; sẵn sàng triển khai phương án khắc phục hậu quả của bão…

Rạng sáng 25-12, bão số 16 đã đổ bộ vào quần đảo Trường Sa. Nhờ chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh nên cán bộ, chiến sĩ và người dân sinh sống trên huyện đảo vẫn an toàn. Lực lượng hải quân đã bảo đảm an toàn tuyệt đối cho ngư dân sống trên các đảo cũng như ngư dân vào tránh trú bão.

Cùng ngày, bão số 16 cũng đã tràn qua các nhà giàn DK1. Tất cả cán bộ, chiến sĩ trên các nhà giàn DK1 đều an toàn. Tuy nhiên, do sóng to nên đã gây ra một số thiệt hại tài sản tại đây.

Không chủ quan

Chiều 25-12, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, bão số 16 tiếp tục có xu hướng giảm cường độ. Dự báo 4h ngày 26-12, tâm bão nằm ngay phía Tây Côn Đảo và vùng biển các tỉnh từ Trà Vinh đến Cà Mau; sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 12. Đến 16h ngày 26-12, tâm bão nằm trên vùng biển các tỉnh từ Cà Mau đến Kiên Giang; sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 11. Thời gian tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây với tốc độ khoảng 20km/h và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 4h ngày 27-12, tâm áp thấp nhiệt đới cách Thổ Chu khoảng 280km về phía Tây; sức gió vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 8, sóng biển cao 3-5m...

Nhiều tàu thuyền đã neo đậu an toàn tránh bão.

Trước diễn biến mới của cơn bão, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chỉ đạo một số địa phương tạm ngưng hoạt động di dời hộ dân sinh sống tại khu vực nguy hiểm dự kiến có nguy cơ bị ảnh hưởng của bão. Tuy nhiên, những hộ dân sống ở ven biển, đầu các cửa sông có khả năng bị ảnh hưởng sạt lở do triều cường, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu các huyện tiếp tục di dời đến nơi an toàn. Riêng huyện Côn Đảo do vẫn chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 16 nên tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu địa phương tiếp tục triển khai công tác ứng phó...

Do ảnh hưởng của bão số 16, ngày 25-12, các hãng hàng không đã phải điều chỉnh kế hoạch khai thác hàng loạt chuyến bay. Vietnam Airlines hủy toàn bộ các chuyến bay trong khung giờ từ 12h40 đến 20h30, trên các đường bay giữa Hà Nội, TP Hồ Chí Minh - Phú Quốc (VN1236/1237/1826/1827/1828/1829) và Hà Nội - Cần Thơ (VN1204/1205). Các hành khách bị ảnh hưởng được bố trí đi trên các chuyến bay ngày 26-12. Cùng ngày, các chuyến bay trong khung giờ 15h đến 23h, đến và đi từ Sân bay Tân Sơn Nhất cũng được điều hành linh hoạt theo mức độ ảnh hưởng thực tế của cơn bão và cập nhật liên tục trên website, Facebook của Vietnam Airlines. Trong khi đó, Vasco hủy 16 chuyến bay trong khung giờ từ 8h45 đến 15h25, trên các đường bay giữa TP Hồ Chí Minh - Côn Đảo (0V8077/8076/8055/8054/8053/8052/8079/8078/8059/8058/8073/8072); Côn Đảo - Cần Thơ (0V8071/8070) và Cần Thơ - Phú Quốc (0V8014/8015). Jetstar điều chỉnh lịch khai thác một số chuyến bay đi và đến từ Sân bay Tân Sơn Nhất, Phú Quốc. Vietjet ngừng khai thác các chuyến bay VJ465/VJ466 (chặng Hà Nội - Cần Thơ - Hà Nội), VJ701/VJ464 (chặng Đà Nẵng - Cần Thơ - Hà Nội), VJ457/VJ456 (chặng Hà Nội - Phú Quốc - Hà Nội); VJ331/VJ330/VJ327/VJ326 (chặng TP Hồ Chí Minh - Phú Quốc - TP Hồ Chí Minh). Ngoài ra, nhiều chuyến bay nội địa khác cũng bị ảnh hưởng dây chuyền.
Philippines: Ít nhất 240 người thiệt mạng do bão Tembin

Ngày 25-12, các cơ quan chức năng của Philippines thông báo, số người chết do bão Tembin tại miền Nam nước này đã lên tới 240 người trong khi có hơn 100 người khác mất tích. Khoảng 13.000 hộ gia đình tại Mindanao gồm ít nhất 52.000 người, đã phải đón lễ Giáng sinh trong các trại sơ tán.

Cụ thể, tại bán đảo Zamboang, số người thiệt mạng đã tăng lên 78 người và tại tỉnh Lanao del Sur con số này là 27 người. Bão Tembin cũng cướp đi 135 sinh mạng tại khu vực phía Bắc đảo Mindanao. Lực lượng cứu hộ đang nỗ lực tìm kiếm những người mất tích tại 3 khu vực trên. Nhiều nạn nhân có thể đã thiệt mạng vì lở đất và lũ quét đã chôn vùi hàng trăm ngôi nhà cuối tuần trước. Một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cơn bão là làng Dalama. Ngôi làng trên núi này như bị xóa sổ khi trên 100 nhà dân bị nước lũ cuốn trôi.

Quỳnh Chi

Kim Văn - Tuấn Lương