Chống buôn lậu dịp cuối năm: Phức tạp và quyết liệt

Kinh tế - Ngày đăng : 06:36, 26/12/2017

(HNM) - Dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán là thời điểm các đối tượng vận chuyển, buôn bán hàng lậu ráo riết đưa hàng vào thị trường nội địa. Công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại càng trở nên phức tạp và gian nan thì càng đòi hỏi sự quyết liệt từ cơ quan chức năng...

Lực lượng chức năng bắt giữ một vụ buôn lậu trái phép.


Cao điểm buôn lậu

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại TP Hà Nội (Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội), thị trường Hà Nội có lượng giao thương hàng hóa lớn, nên hoạt động buôn lậu diễn biến phức tạp. Ông Chu Xuân Kiên, Phó Giám đốc Sở Công Thương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi, hàng lậu thay vì tập kết trên xe lớn như vài năm trước, nay đã xé lẻ vận chuyển bằng xe mô tô, xe khách, xe tải nhẹ từ biên giới vào sâu nội địa, trà trộn cùng hàng hóa có hóa đơn từ các chợ Tân Thanh, Đồng Đăng (Lạng Sơn), các tỉnh An Giang, Long An, Quảng Ninh. Việc buôn lậu tập trung chủ yếu vào các mặt hàng có chênh lệch giá lớn giữa trong nước và nước ngoài, mức thuế nhập khẩu cao, hoặc bị áp dụng hạn ngạch, như: Rượu, thuốc lá, mỹ phẩm, thuốc tân dược, điện tử...; hàng có nhu cầu tiêu dùng lớn, như: Bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm, hàng may mặc...

Trong 11 tháng năm 2017, các lực lượng chức năng của Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra 35.832 vụ, xử lý 26.143 trường hợp, khởi tố 89 vụ với 116 đối tượng buôn lậu. Tổng thu nộp ngân sách nhà nước từ phạt hành chính, phạt bổ sung, truy thu thuế sau thanh tra, kiểm tra, bán hàng tịch thu là hơn 3.954 tỷ 246 triệu đồng. Riêng lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 9.973 vụ, xử lý 9.216 vụ, phạt hành chính 56 tỷ 79 triệu đồng… Điển hình mới đây, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (Công an TP Hà Nội) phát hiện vụ vận chuyển pháo lậu, bắt giữ đối tượng Nguyễn Thị Nga, 45 tuổi (có một tiền án, trú tại xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm, Hà Nội) thu giữ 180 hộp pháo, khối lượng 235kg. Khám xét nơi ở của đối tượng này, lực lượng chức năng thu giữ thêm 239kg pháo các loại.

Dẫn chứng hàng loạt vụ vận chuyển, buôn bán hàng lậu, thực phẩm bẩn, động vật hoang dã bị cảnh sát giao thông Hà Nội phát hiện trong thời gian gần đây, Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Công an TP Hà Nội) đánh giá, đa phần đối tượng buôn bán, vận chuyển hàng lậu đều rất tinh vi, xảo quyệt. Vì vậy, lực lượng chức năng phải làm tốt công tác điều tra cơ bản, truy tận gốc chủ hàng, đối tượng ở hai đầu mua - bán trong cả chuỗi vận chuyển hàng lậu để xử lý nghiêm, có như vậy buôn lậu mới được ngăn chặn.

An toàn thực phẩm - ưu tiên hàng đầu

Theo ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, những tháng cuối năm là thời điểm các thương nhân tập kết hàng hóa để phục vụ nhân dân dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, tập trung ở các chợ, trung tâm thương mại, kho hàng, bến bãi… Vì vậy, ngoài trách nhiệm cung ứng hàng hóa Tết bảo đảm số lượng, chất lượng, lực lượng chức năng đặc biệt lưu ý đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Chỉ cần một loại thực phẩm mất vệ sinh, xảy ra ngộ độc sẽ gây phản ứng tiêu cực đối với người tiêu dùng và nảy sinh phức tạp, khó khăn trong xử lý.

“Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội đã triển khai kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, trong đó yêu cầu các ngành thành viên tăng cường kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển hàng hóa trên các tuyến đường bộ, đường sắt, hàng không, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại…; tổ chức rà soát, kiểm tra các tổ chức, cá nhân kinh doanh kho lạnh bảo quản thực phẩm tươi sống, đông lạnh, thủy hải sản, thực phẩm chế biến…” - ông Lê Hồng Thăng cho biết.

Tại các chợ truyền thống, Sở Công Thương, lực lượng quản lý thị trường, công an tiếp tục phối hợp kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, giết mổ gia súc, gia cầm; kiên quyết ngăn chặn, xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn, không rõ nguồn gốc từ các tỉnh về Hà Nội; các cơ sở sản xuất, gia công, kinh doanh rượu thủ công và rượu không bảo đảm an toàn. Đặc biệt, kiểm tra, kiểm soát thực phẩm ngay tại nơi sản xuất, chế biến, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, bếp ăn tập thể và dịch vụ ăn uống đường phố. Bên cạnh đó, TP Hà Nội đã tổ chức kết nối các đơn vị sản xuất, phân phối, hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa bảo đảm nguồn gốc, an toàn cho thị trường Hà Nội.

Liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội Nguyễn Đắc Lộc cho biết, theo quy định, tất cả cá nhân, tổ chức cố tình sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ thực phẩm hoặc trong chăn nuôi, trồng trọt, không cần xảy ra hậu quả nghiêm trọng hay không, đều bị xử lý hình sự. Quy định này đã giúp các cơ quan chức năng mạnh tay hơn trong xử lý hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn.

Bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về chống buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm an toàn thực phẩm, Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục vận động doanh nghiệp, người tiêu dùng hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; chủ động nắm diễn biến giá cả, cung cầu hàng hóa, dự báo tình hình, kịp thời xử lý vấn đề phát sinh gây bất ổn thị trường, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp lễ, Tết.

Thanh Hiền