Giao lưu trực tuyến: “Bảo hộ sở hữu trí tuệ phát triển sản vật địa phương"
Kinh tế - Ngày đăng : 14:10, 26/12/2017
16:01 26/12/2017
Câu hỏi dành cho ông Nguyễn Văn Nam, Phó Chủ tịch Hội sản xuất và tiêu thụ Mỳ Chũ Lục Ngạn: Có nhiều sản phẩm được hỗ trợ và gọi là nhãn hiệu tập thể, có sản phẩm lại gọi là chỉ dẫn địa lý, có sản phẩm lại là nhãn hiệu chứng nhận, trong khi các sản phẩm đó đều có thể gọi chung là đặc sản hoặc chỉ dẫn địa lý được, vậy việc phân biệt các tên gọi này có ý nghĩa hay khác biệt giá trị thế nào?
-Ông Nguyễn Văn Nam: Thực tế, sau khi sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ độc quyền, chỉ dẫn địa lý là rất quan trọng. Nó thể hiện sản vật đó được sản xuất ở đúng ở chỉ dẫn tại địa phương đó. Cụ thể, với sản phẩm mỳ Chũ chính hiệu phải được sản xuất tại làng nghề truyền thống Lục Ngạn (Bắc Giang), mặc dù Bắc Giang có nhiều nơi làm sản phẩm mỳ gạo.
Do đó, chúng tôi đã xây dựng logo và bộ nhận diện thương hiệu riêng. Lục Ngạn là vùng núi cao, nên chúng tôi chọn hình bông lúa trên nền 3 ngọn núi làm logo nhận diện thương hiệu. Chỉ khi sản phẩm có in logo này mới là sản phẩm mỳ Chũ chính hiệu của chúng tôi.
16:00 26/12/2017
Câu hỏi dành cho PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh:Vấn đề thương hiệu đang được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm, đặc biệt trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực đang ngày càng sâu rộng như hiện nay. Tuy nhiên, trong thực tế đã có không ít doanh nghiệp còn hiểu chưa đúng về vai trò của thương hiệu, còn lúng túng trong xây dựng và bảo vệ thương hiệu, ông có thể cho biết nguyên nhân tại sao và có những giải pháp nào để tháo gỡ vấn đề này?
Ông Nguyễn Quốc Thịnh: Nguyên nhân thứ nhất phải nói đến đó là nhận thức chưa đầy đủ của các lãnh đạo doanh nghiệp. Rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang hiểu chưa đúng về thương hiệu, chưa thấy hết vai trò của thương hiệu. Thương hiệu cần phải được hiểu vừa là đích đến của doanh nghiệp, vừa là công cụ để doanh nghiệp có thể cạnh tranh được trên thị trường. Thương hiệu sẽ mang đến cho doanh nghiệp những giá trị cao trong tương lai vì thế các doanh nghiệp cần đầu tư xây dựng doanh nghiệp.
Nguyên nhân thứ hai là công tác quản lý thị trường ở Việt Nam, đặc biệt là vấn đề quản lý chống hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ còn nhiều hạn chế, dẫn đến các doanh nghiệp còn thờ ơ trong việc đăng ký bảo hộ SHTT và đầu tư cho xây dựng thương hiệu.
Thứ ba, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hạn chế nhiều về tài chính và nhân sự vì thế khó khăn trong xây dựng thương hiệu.
Về giải pháp:
-Doanh nghiệp sẽ không bao giờ xây dựng thành công thương hiệu nếu thiếu ý chí và quyết tâm của ban lãnh đạo. Vì vậy, ngay từ đầu ban lãnh đạo cần phải có nhận thức đúng và quyết tâm trong việc xây dựng thương hiệu.
-Bài toán xây dựng thương hiệu là bài toán có lời giải riêng cho từng doanh nghiệp. Không nên bắt chước hoàn toàn cách làm của những doanh nghiệp đi trước mà cần phải học tập và vận dụng một cách có sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn của doanh nghiệp trong xây dựng thương hiệu.
-Đầu tư cho xây dựng thương hiệu là đầu tư cho tương lai, không nên quan niệm rằng những khoản chi cho thương hiệu cần phải được hạch toán ngay vào chi phí kinh doanh.
-Xây dựng thương hiệu chính là tạo dựng hình ảnh tốt đẹp và uy tín cho sản phẩm của doanh nghiệp. Vì thế, quá trình xây dựng thương hiệu luôn gắn liền với tất cả mọi hoạt động trong quy trình sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp. Sản phẩm có chất lượng cao chưa phải là tất cả, vấn đề quan trọng không kém là quá trình giao tiếp và ứng xử của doanh nghiệp đối với khách hàng và công chúng.
-Doanh nghiệp nên quan tâm nhiều hơn đến hoạt động truyền thông thương hiệu, đặc biệt là truyền thông thông qua các mạng xã hội, website cũng như gia tăng tiếp xúc với khách hàng thông qua các sự kiện như hội chợ, triển lãm, điểm bán…
15:55 26/12/2017
Câu hỏi dành cho Phó Cục trưởng Cục SHTT Phan Ngân Sơn: Được biết, Cục Sở hữu trí tuệ đã bảo hộ, cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý, đồng thời xây dựng logo và bộ nhận diện sản phẩm đối với một số nông sản. Xin ông cho biết cụ thể về vấn đề này?
Phó Cục trưởng Cục SHTT Phan Ngân Sơn. |
Phó Cục trưởng Cục SHTT Phan Ngân Sơn: Đối với hoạt động cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, đây là công việc thường xuyên, thuộc chức năng, nhiệm vụ của Cục SHTT. Ngoài ra, các chương trình, dự án do Cục chủ trì cũng có những hoạt động hỗ trợ các sản phẩm cụ thể xây dựng hệ thống nhận diện để các doanh nghiệp, người dân phát triển thương mại các sản phẩm sau khi được bảo hộ.
Cục cũng đang tiến hành xây dựng kế hoạch để xây dựng biểu tượng (logo) quốc gia về chỉ dẫn địa lý, mục tiêu là hình thành dấu hiệu nhận diện chung cho các chỉ dẫn địa lý được bảo hộ trên thị trường, làm cơ sở để người tiêu dùng có thể dễ dàng nhận biết các sản phẩm đã được nhà nước bảo hộ. Đây là hoạt động rất quan trọng nhằm quảng bá, giới thiệu về chỉ dẫn địa lý, góp phần thúc đẩy, nâng cao hiệu quả các chỉ dẫn địa lý được bảo hộ. Hoạt động này dự kiến sẽ được tiến hành trong năm 2018, hy vọng rằng nó sẽ phát huy được những kết quả như mong đợi.
15:50 26/12/2017
Câu hỏi dành cho Phó Cục trưởng Cục SHTT Phan Ngân Sơn:Thưa ông, ở địa phương chúng tôi có rất nhiều loại trái cây mà vùng khác không có, và gần đây tôi được biết Nhà nước có chính sách hỗ trợ đăng ký chỉ dẫn địa lý, bảo hộ quyền SHTT. Vậy, cụ thể là những chính sách gì?Phó Cục trưởng Cục SHTT Phan Ngân Sơn: Nếu địa phương của bạn có nhiều loại trái cây mà vùng khác không có và các sản phẩm này nếu đáp ứng được các tiêu chí về danh tiếng, tính chất chất lượng đặc thù thì có thể đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo quy định của Luật SHTT.
Trong trường hợp các loại trái cây tại địa phương chưa đáp ứng được các tiêu chí về chỉ dẫn địa lý như danh tiếng, tính chất chất lượng đặc thù thì có thể chọn hình thức đăng ký dưới dạng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận.
Hiện nay, Cục SHTT cũng như các Sở KH&CN có nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ cho cộng đồng địa phương bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm như:
- Tư vấn hỗ trợ về mặt chuyên môn để hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương lập hồ sơ đăng ký bảo hộ;
- Hỗ trợ về mặt kinh phí để thuê khoán chuyên gia, các nhà khoa học, luật sư về SHTT hỗ trợ cộng đồng xây dựng, lập hồ sơ đăng ký. Do việc hỗ trợ này sử dụng ngân sách nhà nước, do đó, cần thực hiện các thủ tục phù hợp với từng chương trình, địa phương. Trường hợp bạn cần tìm hiểu thêm về cơ chế hỗ trợ này, đề nghị liên hệ với Cục để được tư vấn, hướng dẫn cụ thể hơn.
15:47 26/12/2017
Câu hỏi dành cho ông Nguyễn Văn Nam, Phó Chủ tịch Hội sản xuất và tiêu thụ Mỳ Chũ Lục Ngạn:Hiện tại ở Bắc Giang có rất nhiều nơi sản xuất mỳ gạo nhưng riêng mỳ Chũ của Lục Ngạn lại có chỗ đứng riêng trong lòng người tiêu dùng. Không chỉ tiêu thụ rộng rãi trong nước, mỳ Chũ còn được nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ra nước ngoài mang lại lợi nhuận lớn. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm để phát triển thương hiệu mỳ Chũ?
-Ông Nguyễn Văn Nam: Theo tôi, muốn thành công là ở công tác quảng bá đúng lúc, đúng chỗ. Cụ thể như tham gia quảng bá ở các Hội chợ lớn, kể cả trong nước và quốc tế. Tham gia các hội nghị kết nối cung cầu được tổ chức thường niên tại các tỉnh. Chú trọng quảng bá bằng hình ảnh trên các kênh thông tin đại chúng. Không những quảng bá rộng rãi, Hội sản xuất cũng cần củng cố chất lượng đầu vào, đẩy mạnh sản lượng...
Hiện tại, sản phẩm mỳ Chũ của chúng tôi đã tiếp cận được các thị trường Bắc, Trung, Nam. Tới đây, chúng tôi sẽ đưa sản phẩm vào quảng bá ở 6 tỉnh miền Tây, nơi mà văn hoá ẩm thực của người dân ít biết đến sản phẩm mỳ gạo.
Với thị trường ngoài nước, chúng tôi tiếp cận qua các công ty thương mại, chuyên xuất nhập khẩu lương thực, thực phẩm hàng nông sản. Ngoài việc nhờ các công ty này quảng bá sản phẩm của chúng tôi ra thị trường nước ngoài, chúng tôi còn chủ động tìm các kênh riêng để đưa sản phẩm mỹ Chũ ra nước ngoài. Cụ thể, sản phẩm của chúng tôi đã có mặt tại tất cả các nước Châu Á như: Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Lào, Campuchia...và một số nước Châu Âu như: Nga, Anh, Pháp, Tiệp Khắc, Ba Lan...
15:46 26/12/2017
Câu hỏi dành cho PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh: Các địa phương sau khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thì việc tiếp theo là phát triển sản phẩm mang tính bền vững còn rất nhiều khó khăn. Vậy theo ông, giải quyết khó khăn này các địa phương cần phải làm gì?
PGS. TS Nguyễn Quốc Thịnh: Như tôi đã nói, việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý chỉ là bước xác lập quyền sở hữu và những yếu tố pháp luật có liên quan đến đặc sản địa phương. Việc phát triển thương mại các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý mới thưc sự là vấn đề quan trọng và khó khăn hơn nhiều. Để phát triển bền vững thì ại càng khó khăn hơn, đòi hỏi sự tham gia vào cuộc không chỉ của tổ chức tập thể quản lý chỉ dẫn địa lý và các thành viên mà cần sự tham gia của chính quyền địa phương cũng như các cơ quan quản lý nhà nước khác, đặc biệt trong kiểm soát quá trình sản xuất, kiểm soát quá trình phân phối và xử lý các trường hợp vi phạm, nhất là đối với hàng giả, hàng kém chất lượng.
Một trong những vấn đề cần làm ngay đó là các cơ quan quản lý đối với chỉ dẫn địa lý cần trao quyền tối đa cho các tổ chức tập thể về quản lý sử dụng và khai thác chỉ dẫn địa lý. Tiếp theo, cần xác lập hệ thống phân phối hợp lý theo những mô hình khác nhau tùy theo điều kiện để gia tăng thương mại hóa các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý. Hoàn thiện và phát triển các điểm tiếp xúc thương hiệu để gia tăng cơ hội tiếp xúc và nâng cao nhận thức về thương hiệu của công chúng. Phát triển các giá trị cảm nhận đối với sản phẩm và thương hiệu thông qua việc cam kết chất lượng và gia tăng các giá trị bổ sung đi cùng với sản phẩm, đảm bảo tối đa hóa lợi ích cho khách hàng.
15:45 26/12/2017
Câu hỏi: Ông có thể chia sẻ, trong thời gian tới, kế hoạch bảo hộ cho các sản phẩm tiếp theo của tỉnh Bắc Giang như thế nào?
Ông Nguyễn Đức Kiên, Giám đốc Sở KH&CN Bắc Giang: Trong thời gian tới, Sở KH&CN tỉnh Bắc Giang phối hợp với các huyện, thành phố tiếp tục chọn lựa những sản phẩm đặc trưng của địa phương để đề nghị Cục SHTT bảo hộ.
Tiếp tục duy trì chất lượng danh tiếng các sản phẩm đã được bảo hộ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nhằm duy trì lâu dài và bền vững sản phẩm này.
Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ xây dựng các thương hiệu được bảo hộ.
Nghiên cứu chọn lựa một số sản phẩm có uy tín để bảo hộ ở các quốc gia khác.
15:44 26/12/2017
Câu hỏi dành cho Phó Cục trưởng Cục SHTT Phan Ngân Sơn:Sản phẩm sẽ được bảo vệ ra sao khi phát hiện có vi phạm ở nước ngoài, thưa ông?
Phó Cục trưởng Cục SHTT Phan Ngân Sơn: Về nguyên tắc, quyền SHTT là quyền “mang tính lãnh thổ”, nghĩa là việc bảo hộ quyền SHTT chỉ áp dụng trong phạm vi một nước hoặc một khu vực nơi đăng ký và được bảo hộ quyền. Sản phẩm của Việt Nam khi ra thị trường nước ngoài phải tuân thủ các quy định pháp luật của nước ngoài, trong đó có pháp luật về SHTT. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam khi mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh ra thị trường nước ngoài cần lưu ý đăng ký xác lập quyền SHTT ở các thị trường này để bảo đảm tài sản của mình được bảo vệ hợp pháp.
Trong trường hợp các tổ chức, cá nhân có sản phẩm đã được bảo hộ tại nước ngoài nhưng vẫn bị xâm phạm, thì có một số giải pháp sau:
- Trực tiếp hoặc thông qua luật sư về SHTT tại Việt Nam để liên hệ với Luật sư tại nước ngoài để đại diện cho mình tiến hành các biện pháp bảo vệ, chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
- Thông qua cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài để các cơ quan này có các biện pháp thích hợp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam.
15:40 26/12/2017
Câu hỏi: Sở KH&CN Bắc Giang đã và sẽ có định hướng, tham mưu thế nào để giữ vững thương hiệu, tránh rơi vào tình trạng cung nhiều hơn cầu?
Ông Nguyễn Đức Kiên, Giám đốc Sở KH&CN Bắc Giang: Đúng là hiện nay trên cả nước có hiện tượng một số chỉ dẫn địa lý các sản phẩm rơi vào tình trạng cung lớn hơn cầu, bởi vì các sản phẩm này gần như mang tính chất địa phương. Ví như sản phẩm cam hầu hết các địa trên cả nước đều có và đều được xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, việc phát huy giá trị thương hiệu gặp nhiều khó khăn, chính vì vậy vấn đề đặt ra là chúng ta phải chọn lựa những sản phẩm mang tính đặc thù rõ nét, từ đó đầu tư KHCN cũng như chính quyền địa phương có chính sách hỗ trợ kinh phí và tìm đầu ra cho sản phẩm. Có như vậy, sản phẩm được bảo hộ sẽ không rơi vào tình trạng cung lớn hơn cầu.
Một vấn đề đặt ra là tỉnh cần phải có quy hoạch để phát triển sản phẩm chủ lực phù hợp với điều kiện địa phương, tránh tình trạng phát triển dàn trải, khó quản lý. Nếu tình trạng như vậy thì cung sẽ lớn hơn cầu. Vấn đề này, vai trò quản lý nhà nước đóng vai trò quyết định. Hạn chế việc phát triển ồ ạt, tự phát của người dân trong việc phát triển sản phẩm chủ lực.
15:39 26/12/2017
Câu hỏi dành cho Phó Cục trưởng Cục SHTT Phan Ngân Sơn:Gần đây, một số sản phẩm của Việt Nam đã nhận được sự bảo hộ quyền SHTT ở nước ngoài, ví dụ như Cà phê Buôn Ma Thuột được bảo hộ ở Hoa Kỳ; chè Thái Nguyên được bảo hộ ở Hoa Kỳ, Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), Chè Shan Tuyết Mộc Châu được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Thái Lan. Xin ông cho biết Cục SHTT có những cơ chế chính sách gì để hỗ trợ thêm việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT cho các nông sản ra nước ngoài?
Phó Cục trưởng Cục SHTT Phan Ngân Sơn: Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các nhà sản xuất, kinh doanh của Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực, có danh tiếng của Việt Nam, việc bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm tại các thị trường nước ngoài là rất cần thiết.
Cục SHTT đã và đang có nhiều hoạt động, giải pháp để hỗ trợ cho việc đăng ký bảo hộ SHTT cho các sản phẩm nông sản ra nước ngoài, cụ thể là:
- Cục SHTT đã trao đổi, làm việc với các cơ quan SHTT các nước cung cấp danh mục các sản phẩm nông nghiệp đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam để cơ quan SHTT các nước có thông tin, số liệu làm bằng chứng để ngăn chặn hành vi xâm phạm có thể xảy ra khi các sản phẩm có danh tiếng của Việt Nam bị các tổ chức, cá nhân khác đăng ký bảo hộ;
- Thực hiện việc bảo hộ lẫn nhau cho các sản phẩm chỉ dẫn địa lý của Việt Nam và các nước trong khuôn khổ các hiệp định song phương và đa phương. Cục đã xây dựng kế hoạch và ký các văn bản hợp tác với EU và các nước như Nhật Bản, Thái Lan… để thúc đẩy việc đăng ký, bảo hộ lẫn nhau cho các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý. Trên cơ sở đó, Cục có các hoạt động nhằm hỗ trợ các địa phương xây dựng hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý sang các nước. Cụ thể, Cục SHTT cũng đã đề xuất bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tại 28 nước Châu Âu trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu. Hiện nay Cục đang lựa chọn 3 chỉ dẫn địa lý để hỗ trợ xây dựng hồ sơ đăng ký sang Nhật Bản theo kế hoạch hợp tác về chỉ dẫn địa lý giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Nông, Lâm và nghề cá Nhật Bản.
- Trong khuôn khổ Chương trình phát triển tài sản trí tuệ do Thủ tướng chính phủ phê duyệt mà Cục SHTT được giao tổ chức triển khai, Cục SHTT sẽ ưu tiên hỗ trợ về mặt chuyên môn và nguồn kinh phí để hỗ trợ bảo hộ cho các sản phẩm đăng ký bảo hộ tại các thị trường nước ngoài truyền thống và tiềm năng.