Chuyện về mối quan hệ đặc biệt giữa lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và cụ Phan Bội Châu
Chính trị - Ngày đăng : 07:34, 26/12/2017
Cụ Phan Bội Châu (ở làng Đan Nhiệm, cách làng Kim Liên khoảng 4km) là bạn thân của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (1862-1929), thân phụ của Nguyễn Ái Quốc. Trước khi xuất dương sang Nhật tìm đồng chí, cụ Phan thường về làng Kim Liên, vào nhà cụ Phó bảng. Day dứt trước hiện tình của đất nước, cụ Phan cũng như nhiều nhà nho yêu nước lúc bấy giờ thường cùng nhau đàm luận, trao đổi về tình hình nước nhà. Chính qua các buổi gặp gỡ của các nhà nho yêu nước mà Nguyễn Tất Thành đã tiếp thu được những nguồn ảnh hưởng tốt đẹp. Phan Bội Châu kể lại rằng: “Lúc còn bé đi học, tôi cũng thông hiểu chút ít đại nghĩa, vẫn không thích làm người tầm thường, thỉnh thoảng lại ngâm câu thơ trong sách Tùy Viên: Túc dạ bất vong duy trúc bạch; lập thân tối hạ thị văn chương (tức là: Khuya sớm những mong ghi tên vào sử sách; lập thân hèn nhát ấy văn chương). Ông Nguyễn Ái Quốc lúc lên 10 tuổi, nghe tôi lúc rượu say ngâm câu này, đến bây giờ ông vẫn còn thuật lại”.
Đầu năm 1905, cụ Phan xuất dương và tổ chức phong trào Đông du đưa thanh niên sang Nhật. Uy tín của Phan Bội Châu ngày càng lớn trong và ngoài nước. Cụ Phan muốn đưa Nguyễn Tất Thành và một số thanh niên sang Nhật nhưng anh không đi. Chịu ảnh hưởng của các phong trào chống Pháp, nhưng với trí thông minh bẩm sinh, Nguyễn Tất Thành suy nghĩ về nguyên nhân thất bại của các phong trào đầu thế kỷ XX cũng như phong trào Cần Vương trước đó, đặc biệt đối với con đường Đông du của cụ Phan. Mặc dù rất khâm phục tinh thần yêu nước thiết tha của cụ Phan, Nguyễn Tất Thành thấy rõ: Phan Bội Châu hy vọng Nhật giúp đỡ để đuổi Pháp. Điều đó rất nguy hiểm, chẳng khác gì “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”.
Sau khi đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên, khẳng định sự nghiệp giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản, Nguyễn Ái Quốc rời Liên Xô về Quảng Châu (Trung Quốc) vào ngày 11-11-1924. Trước khi Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu, Phan Bội Châu có mặt ở Quảng Châu để liên hệ xin cho thanh niên Việt Nam vào học Trường Quân sự Hoàng Phố. Thời gian này, nhận ra xu thế cách mạng đã nghiêng về cách mạng thế giới, Phan Bội Châu định cải tổ Việt Nam Quang phục hội thành Việt Nam Quốc dân đảng, thảo Đảng cương và Chương trình đại lược cũng theo như chương trình Quốc dân đảng Trung Hoa. Nhưng thực ra sự chuyển biến này vẫn còn hời hợt, nặng về mặt hình thức.
Về Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc đã trao đổi thư từ với Phan Bội Châu, đề nghị sửa đổi lại Chương trình và Đảng cương Việt Nam Quốc dân đảng. Trong khoảng mười ngày đầu tháng 2-1925, Người gửi liên tiếp hai lá thư cho Phan Bội Châu, lúc này đang ở Hàng Châu. Ngày 14-2-1925, Phan Bội Châu gửi thư trả lời Lý Thụy (Nguyễn Ái Quốc). Nội dung thư có những ý chính như: “Nhớ lại hai mươi năm trước đây, khi đến nhà cháu uống rượu gõ án ngâm thơ. Anh em cháu thảy đều chưa thành niên, lúc đó Phan Bội Châu này đâu có ngờ rằng sau này cháu sẽ trở thành một tiểu anh hùng như thế này. Bây giờ đem kẻ già này so với cháu, bác thấy rất xấu hổ. Nhận được liên tiếp hai thư của cháu, bác cảm thấy vừa buồn vừa mừng. Buồn là buồn cho thân bác mà mừng là mừng cho đất nước ta. Việc thừa kế nay đã có người, người đi sau giỏi hơn kẻ đi trước, trên tiền đồ đen tối sẽ xuất hiện ánh sáng ban mai. Tuy thư dựa trực tiếp trên chuyện thật, nhưng ngụ ý sâu sắc, mà lối lập luận lại dựa trên những ý tưởng lớn, nhân đó mới biết là học vấn, tri thức của cháu nay đã tăng cường quá nhiều, quả thật không phải như hai mươi năm trước. Việc gây dựng lại giang sơn ngoài cháu có ai để nhờ ủy thác gánh vác trách nhiệm thay mình. Có được niềm an ủi lớn như thế, làm sao bác không cảm thấy vui mừng được… Bác đang định tìm một dịp tốt về Quảng Đông một chuyến để đàm luận với cháu, không biết cháu còn ở lại Quảng Đông lâu mau, hoặc giả trong tương lai có ý định đi chỗ khác không? Trong lòng bác có nhiều chuyện muốn hỏi ý kiến cháu nhưng không gặp mặt thì làm sao có thể bàn cho hết ý được? Làm sao được? Nếu không coi già yếu là đồ bỏ thì cháu viết thư nhiều cho bác, bác thành thật yêu cầu cháu đấy”.
Việc Phan Bội Châu coi Lý Thụy là một nhà lãnh đạo trẻ, đầy triển vọng, “xin được hỏi ý kiến”, một mặt nói lên tinh thần yêu nước chân chính của nhà yêu nước lỗi lạc họ Phan, luôn đặt sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc làm mục đích tối cao của đời mình, mặt khác do sức thu hút, cảm hóa kỳ diệu, mạnh mẽ của người cháu đi sau giỏi hơn, có thể gây dựng lại giang sơn với một tiền đồ tươi sáng.
Nguyễn Ái Quốc đã viết bài Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu đăng Báo Le Paria, số 36-37 vào tháng 9, 10-1925. Trong bài viết, bằng “đôi cánh của trí tưởng tượng”, Nguyễn Ái Quốc chỉ ra rằng “Varen, mặt đối mặt với người kia, con người đã hy sinh cả gia đình và của cải để xa lánh khỏi thấy mặt bọn cướp nước mình, sống xa lìa quê hương, luôn luôn bị lũ này săn đuổi, bị chúng nhử vào muôn nghìn cạm bẫy, bị chúng kết án tử hình vắng mặt, và giờ đây đang bị chúng đeo gông lên vai, đày đọa trong nhà giam, ngày đêm bị bóng dáng của máy chém như một bóng ma ám kề bên cổ. Giữa kẻ phản bội nhục nhã và bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được 20 triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng...”.
Sau khi bị bắt (18-6-1925), bị đưa về Huế giam lỏng với cuộc đời “Ông già Bến Ngự”, tuy rơi vào một tâm trạng cô quạnh, buồn rầu, bi quan tiêu cực của một con người đã bị thời đại vượt qua và cảm thấy mình hoàn toàn bất lực, nhưng mỗi khi nghe ai nhắc tới Nguyễn Ái Quốc thì cụ Phan lại bừng lên một niềm tin tưởng. Cuối đời, chính Phan Bội Châu đã thừa nhận: “Đời hoạt động cách mạng của tôi rốt cuộc là một thất bại lớn, đó là bởi tôi tuy có lòng mà thật bất tài. Nhưng dân tộc ta thế nào rồi cũng độc lập, nhất định phải thế. Hiện nay đã có người khác giỏi hơn lớp chúng tôi nhiều đứng ra đảm đương công việc để làm tròn cái việc mà lớp chúng tôi không làm xong. Đó là Nguyễn Ái Quốc”. Trong thời gian ở Huế, có người đến hỏi cụ Phan về câu “Nam Đàn sinh Thánh” và cho rằng có lẽ “Thánh” đó là chỉ cụ Phan, thì cụ Phan cương quyết khước từ và nói: “Tôi đâu có phải là Thánh. Thánh có rồi mà chưa về đó thôi (ý cụ muốn chỉ Nguyễn Ái Quốc)”.
Tóm lại, mối quan hệ giữa Nguyễn Ái Quốc và Phan Bội Châu cho thấy không chỉ là “Hậu sinh khả úy” mà điều quan trọng hơn là từ một “cú hích”, truyền cảm hứng ban đầu về nhiệt thành yêu nước, ý chí độc lập và lòng khát khao tự do, “hậu sinh” Nguyễn Ái Quốc đã tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo xây dựng, đắp bồi cho mình một phương pháp mácxít, một chủ nghĩa yêu nước chân chính thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin, một tri thức khoa học, cách mạng, nhân văn dồi dào, quyết chí đấu tranh cho nền độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc.