Chưa có nhiều thay đổi

Xã hội - Ngày đăng : 07:58, 27/12/2017

(HNM) - Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định, những quy định mới về bảo hiểm xã hội, tiền lương không ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp và người lao động.

Quy định mới về bảo hiểm, tiền lương được cho là không ảnh hưởng nhiều đến người lao động.
Ảnh: Thái Hiền


- Cách tính bảo hiểm xã hội mới không chỉ dựa trên căn cứ tiền lương, mà còn bao gồm phụ cấp và các khoản ghi trong hợp đồng. Quy định này có gây khó khăn cho doanh nghiệp không, thưa ông?

- Theo quy định, ngay từ khi Bộ luật Lao động (sửa đổi) năm 2012 có hiệu lực thì doanh nghiệp phải thực hiện ngay việc lấy tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội và các khoản khác. Nhưng, vì thời điểm đó doanh nghiệp đang khó khăn, bản thân người lao động cũng khó khăn nên việc lấy tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội và các khoản khác được lùi đến ngày 1-1-2018. Hiện tại, Chính phủ đã có hướng dẫn cách tính tiền lương, các khoản phụ cấp có tính chất tiền lương để làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội không bao gồm các khoản phụ cấp khác không có tính chất tiền lương. Vì thế, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể yên tâm, từ ngày 1-1-2018 chưa có gì biến động về tổng tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội và các khoản khác, trừ trường hợp phát sinh những khoản phụ cấp có tính chất tiền lương.

- Theo ông, tiền lương nên được tính như thế nào để tránh sự chồng chéo, nhầm lẫn?

- Trong tương lai gần, chúng ta phải tính toán, xác định rõ tiền lương là giá cả của sức lao động, xoay quanh giá trị. Số tiền mà người lao động nhận được phải đúng nghĩa tiền lương, không biến tiền lương thành các khoản phụ cấp khác. Theo quy định của nhiều nước trên thế giới, phần lương chính, tăng thu nhập tiền lương phải chiếm từ 70% trở lên, các khoản phụ cấp chỉ chiếm khoảng 30%, các khoản khác từ phúc lợi xã hội, từ lợi nhuận của doanh nghiệp không bao hàm yếu tố tiền lương, tức là không hạch toán vào giá thành sản phẩm. Cách thức tính lương ở nước ta cũng nên theo quy luật này.

- Ngoài tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, lương hưu dành cho người lao động, nhất là đối với lao động nữ, cũng bộc lộ nhiều bất cập. Ông nghĩ sao về điều này?

- Thực chất, từ ngày 1-1-2018, lương hưu cho cả nam và nữ đều được điều chỉnh. Trước đây, nam giới tham gia bảo hiểm xã hội đủ 30 năm trở lên sẽ hưởng đủ 75% lương; hiện nay, thời gian tham gia bảo hiểm xã hội nới thành 35 năm thì mới được hưởng đủ 75%. Tương tự, lộ trình tham gia bảo hiểm xã hội đối với nữ giới tăng từ 25 năm lên 30 năm thì khi nghỉ hưu mới hưởng đủ 75% lương. Việc điều chỉnh này phù hợp với thực tế xã hội và quy luật đóng - hưởng của bảo hiểm xã hội là đóng cao hưởng cao, đóng thấp hưởng thấp, không có gì là bất thường.

- Ông có thể giải thích vì sao một nhóm lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 1-1-2018 lại hưởng lương thấp?

- Từ năm 2017 trở về trước, nhóm lao động nữ tham gia bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm thì khi về hưu được hưởng 45% lương. Sau đó, cứ mỗi năm tham gia bảo hiểm xã hội, nhóm đối tượng này được cộng thêm 3% lương. Từ ngày 1-1-2018, mức tăng lương hưu của phụ nữ sẽ là 2%, tương tự mức tăng của nam giới cùng hưởng 45% lương khi về hưu.

Sở dĩ mức tăng lương hưu cho phụ nữ cao hơn 1% so với nam giới được đưa vào các quy định của pháp luật là vì Đảng, Nhà nước ta ưu tiên cho phụ nữ, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển, hướng tới thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới. Hiện nay, bảo hiểm xã hội tuân theo nguyên tắc đóng - hưởng nên mức tăng giữa nam và nữ tương đương nhau là tất yếu. Trên thực tế, phương án điều chỉnh này ưu việt hơn so với những phương án khác nên được 78% đại biểu Quốc hội thông qua. Số người chịu tác động của mức điều chỉnh này cũng là thấp nhất, chỉ vào khoảng 4.000 người.

- Để bảo đảm công bằng với mọi đối tượng, theo ông, chính sách lương hưu nên được điều chỉnh như thế nào?

- Quan điểm của tôi là không nên sửa luật, vì có muốn sửa luật cũng không kịp. Quy định có hiệu lực từ ngày 1-1-2018, trong khi đến tháng 5-2018 thì kỳ họp Quốc hội mới diễn ra.

Theo tôi, Bộ LĐ-TB&XH nên đề xuất Chính phủ, trong năm 2018, khi điều chỉnh tăng lương khu vực nhà nước thì cũng tăng lương hưu với mức khoảng 7%, tùy theo từng đối tượng. Nhóm người hưởng lương hưu cao chỉ tăng bằng mức trượt giá, khoảng 4-5%; 2-3% còn lại bù cho những đối tượng có lương hưu dưới 1,3 triệu đồng ở thời điểm hiện tại (như trường hợp cô giáo Lan ở Hà Tĩnh) để đạt mức 1,3 triệu đồng/người/tháng hoặc bù vào đối tượng có mức lương dưới 2 triệu đồng để đạt 2 triệu đồng/người/tháng. Những người về hưu từ ngày 1-1-2018 thì chịu giảm 10%, có thể bù cho họ 2% trong suốt quá trình hưởng lương để hạn chế thiệt thòi. Từ năm 2019, cách tính lương hưu đi theo lộ trình này thì số đối tượng chịu thiệt sẽ giảm đi, mức đóng - hưởng sẽ tương đối công bằng.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Hà Hiền