Cần sớm nhân rộng

Kinh tế - Ngày đăng : 07:02, 28/12/2017

(HNM) - Hiện nay, mô hình nhà hàng vừa bảo đảm tiêu chí an toàn thực phẩm, vừa không khói thuốc lá đang là vấn đề được nhiều người quan tâm.


"Đếm được trên đầu ngón tay"

Ghi nhận của phóng viên tại một số nhà hàng ở Hà Nội cho thấy, hầu hết các cơ sở mới chỉ đạt tiêu chí sạch sẽ, bảo đảm an toàn thực phẩm, còn tiêu chí không khói thuốc rất khó thực hiện. Hầu hết nhà hàng đều thiếu bảng quy định cấm hút thuốc, nếu có thì chỉ dán tạm bợ hoặc ở vị trí khuất. Nhiều nhà hàng còn để khách hàng hút thuốc ở ngay sảnh tầng 1, gây ảnh hưởng đến khách hàng khác...

Nhà hàng Nhật Bản Ishushi không khói thuốc lá và bảo đảm an toàn thực phẩm.


Số cơ sở làm tốt cả hai tiêu chí này có thể "đếm được trên đầu ngón tay", trong đó nhà hàng lẩu Sauna, số 108 Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm) là một ví dụ điển hình. Với tiêu chí an toàn thực phẩm và không khói thuốc, bất kỳ khách hàng nào đến đây đều phải tuân thủ; những khách hàng cố tình hút thuốc đều được nhắc nhở.

Chị Nguyễn Thanh Tâm, một khách hàng tại đây cho biết: "Tôi rất thích ăn ở nhà hàng không có khói thuốc. Việc tìm được một hàng ăn ưng ý, sạch sẽ, thức ăn tươi, ngon, có chứng nhận an toàn, lại không phải "hút thuốc lá thụ động" quả là rất khó khăn".

Bên cạnh đó, cũng có những nhà hàng bố trí khu vực ăn riêng cho người hút thuốc lá như nhà hàng Sushibar Nhật Bản ở 239 Xuân Thủy (quận Cầu Giấy). Với tiêu chí "vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi", nhà hàng Nhật Bản Ishushi ở phố Hai Bà Trưng và Nguyễn Chí Thanh cũng làm hài lòng tất cả khách hàng vì có khu vực hút thuốc lá riêng.

Mô hình cần nhân rộng

Là đơn vị tiên phong trong thực hiện Luật An toàn thực phẩm và Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Đề án Nhà hàng, khách sạn "Đảm bảo an toàn thực phẩm và không khói thuốc" của quận Hoàn Kiếm triển khai từ tháng 6-2017 và nhận được sự đồng thuận của người kinh doanh. Hiện tại, quận Hoàn Kiếm có 311 nhà hàng, khách sạn, trong đó có 270 nhà hàng và 41 khách sạn 3 sao trở lên.

Theo khảo sát nhanh của các phường trên địa bàn quận, nhìn chung các cơ sở đều đạt điều kiện an toàn thực phẩm, tuy nhiên Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã triển khai nhưng chưa đồng bộ. Số nhà hàng, khách sạn có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm là 238 cơ sở; số cơ sở đã cam kết thực hiện quy định phòng, chống tác hại thuốc lá là 157 cơ sở; số cơ sở 3 sao trở lên đáp ứng đủ hai tiêu chí là 137 cơ sở.

Bác sĩ Lưu Văn Báu, Phó Trưởng phòng Y tế UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, căn cứ vào các tiêu chí đánh giá các cơ sở, UBND quận Hoàn Kiếm xây dựng mẫu phiếu điều tra và khảo sát đánh giá thực trạng thực hiện các tiêu chí tại nhà hàng, khách sạn vào tháng 6-2017. Kết quả ban đầu cho thấy, một số cơ sở vẫn mắc các lỗi phổ biến như: Không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, hoặc có nhưng đã hết hạn... Trong lĩnh vực phòng, chống tác hại thuốc lá, nhiều cơ sở không thực hiện quy định về cấm hút thuốc lá tại địa điểm quản lý; không có biển cấm hút thuốc lá...

Đến nay, sau gần 6 tháng thực hiện đề án, có hơn 30 cơ sở đạt cả hai tiêu chí an toàn thực phẩm và không khói thuốc. UBND quận Hoàn Kiếm sẽ cấp biển với nội dung: "Công nhận cơ sở đảm bảo an toàn thực phẩm và không khói thuốc". Sau đó, tiếp tục giám sát hoạt động của các cơ sở, nếu có phản ánh hoặc phát hiện sai phạm sẽ tước biển.

Với các cơ sở chưa đạt, quận yêu cầu phải khắc phục những điểm còn thiếu, kịp thời bổ sung để đạt hai tiêu chí này, phấn đấu trong năm 2018, Hoàn Kiếm sẽ có thêm 84 nhà hàng, khách sạn 3 sao trên địa bàn đăng ký đạt mô hình bảo đảm an toàn thực phẩm và không khói thuốc. Các cơ sở đạt chuẩn sẽ được đưa vào danh sách để đăng công khai tại Cổng thông tin điện tử của quận.

Mô hình nhà hàng, khách sạn bảo đảm an toàn thực phẩm và không khói thuốc của quận Hoàn Kiếm đang có chiều hướng tích cực, rất đáng được nhân rộng. Tuy nhiên, để mô hình này phát huy hiệu quả, rất cần sự hợp tác của các cơ sở kinh doanh và sự quyết liệt của các cơ quan chức năng. Và quan trọng, việc thực hiện quy định về xử phạt vi phạm cần triệt để hơn để đủ sức răn đe các cơ sở cố tình vi phạm.

Quy định xử phạt hành vi hút thuốc và bán thuốc lá được xem là nghiêm khắc nhất tại Singapore: Nếu vứt đầu mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định, người vi phạm bị lập biên bản và xử phạt ngay. Trường hợp không nộp phạt trong vòng 7 ngày, người vi phạm sẽ bị đưa ra tòa án xét xử.

Từ ngày 1-8-2017, các cửa hàng bán lẻ sẽ phải cất thuốc lá trong một tủ trơn, không trang trí, không quảng cáo và không nằm trong tầm mắt khách hàng. Người vi phạm sẽ đối mặt với án tù 6 tháng, cộng thêm khoản tiền phạt 10.000 đô la Singapore (tương đương khoảng 170 triệu đồng). Nếu tái phạm, mức phạt sẽ tăng gấp đôi.

Kim Vũ