"Gương vỡ lại lành" - Phát hiện đột phá của nhà khoa học Nhật Bản

Công nghệ - Ngày đăng : 08:52, 29/12/2017

Giới khoa học Nhật Bản đã tình cờ phát triển được một loại thủy tinh mới, có khả năng tự phục hồi sau khi nứt vỡ.

Nhà khoa học Yu Yanagisawa thí nghiệm ghép hai mảnh thủy tinh tự liền. (Nguồn: AFP/TTXVN)


Phát hiện này mở ra cánh cửa mới cho việc chế tạo một loại thủy tinh nhẹ, có sức chịu lực lớn và có tuổi thọ dài gấp 3 lần so với loại chúng ta thường thấy ngày nay.

Phát hiện có tính đột phá trên thuộc về nhà khoa học Yu Yanagisawa thuộc Đại học Tokyo (Nhật Bản). Anh Yu Yanagisawa đã quan sát thấy hiện tượng kỳ thú này khi nghiên cứu chất keo dính có thể sử dụng trên bề mặt ướt.

Trong các thí nghiệm được thực hiện lặp đi lặp lại tiếp đó, Yanagisawa đã đập thủy tinh ra thành các mảnh nhỏ, rồi lấy tay ấn mép các mảnh vỡ lại với nhau trong khoảng 30 giây cho đến khi miếng thủy tinh tự liền lại gần giống như hình dạng ban đầu.

Để chứng minh sự kết dính mạnh mẽ ấy, anh treo một chai nước khá đầy lên miếng thủy tinh này. Kết quả cho thấy miếng thủy tinh và chai nước không tách rời nhau.

Yu Yanagisawa là người đầu tiên chứng minh được khái niệm về thủy tinh "tự lành". Trước đó, các nhà khoa học khác cũng đã khẳng định những đặc tính "tự hồi phục" tương tự của vật liệu, nhưng là với cao su hoặc chất keo đặc.

Loại thủy tinh hữu cơ mà Yu Yanagisawa sử dụng được sản xuất từ một chất liệu polymer khối lượng thấp có tên hóa học là "polyether thioureas", sử dụng sự liên kết hydro để khiến các cạnh của miếng thủy tinh bị vỡ có thể liền lại.

Loại thủy tinh này vốn được sử dụng để chế tạo màn hình điện thoại và các bộ đồ ăn. Liệu điều này có nghĩa là bạn sẽ có thể tự sửa chữa màn hình điện thoại chỉ với một cái ấn tay, hoặc tự gắn một chiếc ly bị vỡ thành nhiều mảnh?

Các nhà khoa học tin rằng với phát hiện đột phá của Yu Yanagisawa, những điều ấy sẽ thành hiện thực trong tương lai gần.

Theo TTXVN/Vietnam+