Ưu tiên phát triển đồng bộ vận tải hành khách công cộng
Giao thông - Ngày đăng : 10:47, 29/12/2017
84% người dân ủng hộ các giải pháp chống ùn tắc giao thông
Tháng 2-2017, Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải và Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội phối hợp với Công an thành phố Hà Nội thực hiện điều tra khảo sát phỏng vấn hộ gia đình trên 30 quận, huyện trên địa bàn Hà Nội.
Kết quả 73,38% số người được lấy ý kiến cho biết sẽ chuyển đổi sử dụng phương tiện cá nhân sang sử dụng VTHKCC để đi lại khi VTHKCC hoàn thiện và đáp ứng về giá vé, cự ly tiếp cận, thời gian ngắn, đúng lịch trình và có tiện nghi; 84% người dân toàn thành phố và 85,13% người dân Vành đai 3 ủng hộ các chính sách về tăng cường quản lý, hạn chế hoạt động của phương tiện cá nhân vì những lý do chính là tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Trong nhóm người có quan điểm ủng hộ thì có 90,35% có ý kiến phải đáp ứng điều kiện đi kèm cụ thể như: Hoạt động VTHKCC phải đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, các yêu cầu về chất lượng, tính đúng giờ, giá vé phù hợp, an toàn, tiện nghi.
Căn cứ vào chuỗi số liệu ô tô và xe máy của thành phố Hà Nội từ năm 2005 đến năm 2016 cùng với các chỉ tiêu về GRDP, dân số, thuế phí, đánh giá nhu cầu sở hữu phương tiện của người dân Thủ đô qua khảo sát; tiến hành xây dựng hàm hồi quy đa biến để dự báo nhu cầu phương tiện ô tô con, xe máy trong tương lai của Hà Nội và các quyết định của Thủ tướng chính phủ phê duyệt các Chiến lược, Quy hoạch, các chỉ tiêu liên quan đến Quy hoạch GTVT của thành phố Hà Nội, đến năm 2020, VTHKCC đáp ứng 20-25% (trong đó VTHKCC bằng xe buýt 14-17%; đường sắt đô thị 1-3%; VTHKCC khác 5%) và vận tải cá nhân là 75-80%; đến năm 2025, VTHKCC đáp ứng 27-31% (trong đó, VTHKCC bằng xe buýt 18-19%; đường sắt đô thị 4-7%; VTHKCC khác 5%) và vận tải cá nhân là 69-73%; đến năm 2030, VTHKCC đáp ứng 35-40% (trong đó VTHKCC bằng xe buýt đáp ứng 20-21%; đường sắt đô thị đáp ứng 10-14%; VTHKCC khác đáp ứng 5%) và vận tải cá nhân 60-65%.
Đến năm 2020, hệ thống VTHKCC sẽ được phát triển với các loại hình đa dạng gồm xe buýt, xe buýt nhanh BRT, đường sắt đô thị, tàu điện một ray sẽ đạt: Xe buýt: 2.450 xe với sản lượng 850 triệu lượt HK/năm, 159 tuyến; xe buýt nhanh (BRT) 4 tuyến; đường sắt đô thị (ĐSĐT) 2 tuyến. Đến năm 2030, mạng lưới VTHKCC sẽ có 3.500 xe buýt với sản lượng 1.814 triệu lượt HK/năm và 220-250 tuyến; BRT mở mới thêm 07 tuyến; đường sắt đô thị xây dựng thêm 9 đoạn tuyến và tàu điện một ray (Monorail) hoàn thiện 3/3 tuyến.
6 nhóm giải pháp đồng bộ
Trên cơ sở phân tích, đánh giá các đặc điểm quản lý, chính sách quản lý phương tiện giao thông tại các thành phố trên thế giới, Sở GTVT Hà Nội đã phối hợp cùng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải xây dựng Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường” với 06 nhóm giải pháp đồng bộ phù hợp với điều kiện Hà Nội.
Để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo Quy hoạch, kế hoạch, thành phố Hà Nội sẽ huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đảm bảo đồng bộ, hiện đại theo đúng Quy hoạch, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông thành phố được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31-03-2016, trong đó tập trung triển khai nhanh các tuyến đường sắt đô thị.
Giai đoạn 2017-2020, thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn của thành phố, tiếp tục thực hiện các danh mục công trình kết cấu hạ tầng giao thông đô thị trọng điểm đang triển khai và các công trình đề xuất trong Nghị quyết số 06/2015/NQ-HĐND ngày 01-12-2015 về Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông (UTGT) và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017-2020.
Giai đoạn 2021-2030, tiếp tục triển khai kế hoạch thực hiện dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và theo hình thức PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công tư) nhằm hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông đô thị, mạng lưới VTHKCC khối lượng lớn.
Đối với phát triển và nâng cao chất lượng hiệu quả VTHKCC, Hà Nội sẽ phát triển hệ thống VTHKCC đa phương thức với việc triển khai đưa vào hoạt động các tuyến đường sắt đô thị và các tuyến BRT phù hợp với điều kiện hạ tầng và phục vụ việc kết nối với các tuyến đường sắt đô thị; mở rộng phát triển phương tiện xe buýt với sức chứa khác nhau (xe buýt sức chứa nhỏ, xe buýt 2 tầng,...) phù hợp với điều kiện hạ tầng các khu vực, các tuyến đường có mặt cắt khác nhau; xây dựng kế hoạch đưa vào khai thác các loại xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch (LPG, CNG, xe buýt sử dụng năng lượng điện,...), xe buýt hỗ trợ người khuyết tật; phát triển mạng lưới tuyến buýt liên đô thị kết nối với các tỉnh xung quanh thành phố Hà Nội (cự ly <200km); xây dựng định mức, đơn giá và quy trình vận hành khai thác cho hệ thống xe buýt nhanh BRT, đường sắt đô thị, làm cơ sở để quản lý điều hành; phát triển hợp lý các loại hình VTHKCC khác như: Xe hợp đồng, xe trung chuyển, xe đạp công cộng, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ... nhằm hỗ trợ VTHKCC khối lượng lớn, hình thành mô hình VTHKCC đô thị đồng bộ, liên hoàn.
Tăng cường kết nối đến các khu đô thị lớn, các khu công nghiệp tập trung, các phố, các khu dân cư tập trung đông đảm bảo cự ly tiếp cận hợp lý để tạo sự thuận lợi cho người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng (cự ly tiếp cận <500m); xác định các điểm trung chuyển xe buýt gần các điểm giao cắt giữa trục đường chính với tuyến đường vành đai làm cơ sở hình thành các điểm đỗ xe chuyển tiếp.
Đảm bảo thời gian đi lại hợp lý của phương tiện giao thông công cộng phục vụ hành khách nhanh gọn (chú trọng 03 yếu tố: Thời gian phương tiện lưu thông trên đường; thời gian dừng đón trả khách tại các điểm dừng; thời gian chậm xe); ứng dụng công nghệ cao trong việc quản lý quá trình vận hành phương tiện trên tuyến; ứng dụng hệ thống vé điện tử hiện đại, xây dựng hệ thống bản đồ số trực tuyến; hệ thống vé thông minh (Smartcard), vé liên thông các loại hình VTHKCC; ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, cập nhật thông tin về VTHKCC nhằm tối ưu hóa chuyến đi, giảm ùn tắc giao thông và xử lý vi phạm; giám sát nâng cao chất lượng công tác quản lý chất lượng VTHKCC thông qua hệ thống giám sát ứng dụng công nghệ hiện đại (camera, thiết bị giám sát hành trình) kết hợp tăng cường tiếp nhận phản ánh của hành khách để kiểm tra phát hiện xử lý vi phạm...
Về quản lý phương tiện giao thông đường bộ, song song với việc triển khai đồng bộ các giải pháp trên, Hà Nội sẽ tập trung giải quyết theo hướng tăng cường quản lý về số lượng, quản lý chất lượng, quản lý phương tiện tham gia giao thông phù hợp kết cấu hạ tầng giao thông và đưa ra lộ trình hạn chế hoạt động của xe máy, tiến tới dừng hoạt động vào năm 2030 trên địa bàn các quận thuộc thành phố Hà Nội; giảm dần việc cấp phép trông giữ ô tô, xe máy; tăng cường xử lý vi phạm vỉa hè, lòng đường các tuyến phố thuộc 04 quận nội thành (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa) tiến tới cấm sử dụng vỉa hè để trông ô tô xe máy, dành vỉa hè cho người đi bộ.
Về điều chỉnh quy hoạch đô thị, Hà Nội thực hiện rà soát điều chỉnh quy hoạch phát triển đô thị theo hướng TOD, bố trí hợp lý giao thông tĩnh phục vụ kết nối thuận tiện giữa phương tiện giao thông cá nhân và giao thông công cộng. Tập trung bố trí hợp lý giao thông tĩnh phục vụ việc kết nối thuận tiện giữa giao thông cá nhân và giao thông công cộng.
Trong ứng dụng công nghệ thông tin, sẽ đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành giao thông (giao thông thông minh) trong việc thu phí tự động (thu không dừng) nhằm giảm chi phí đầu tư, giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông; trong quản lý vị trí đỗ xe như: Công nghệ tìm kiếm điểm đỗ xe thông minh (iParking) và camera giám sát trang bị tại các bến xe trên địa bàn Hà Nội...
Đồng thời, tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến nâng cao ý thức người dân trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ, xây dựng văn hóa giao thông và lợi ích khi sử dụng VTHKCC (an toàn, thuận lợi, tiết kiệm xã hội...).