Đầu tàu liên kết, tăng trưởng kinh tế
Thế giới - Ngày đăng : 07:01, 30/12/2017
Sự thành công của APEC 2017 là điểm nhấn quan trọng của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong năm vừa qua. |
Tại Đại hội lần thứ XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình bày tỏ tham vọng đưa Trung Quốc trở thành quốc gia siêu cường vào năm 2050, dẫn đầu thế giới cả về kinh tế, văn hóa xã hội lẫn quân sự. Quyết tâm này bước đầu được hiện thực hóa qua cơ chế Vành đai và Con đường, dùng chiến lược đầu tư hạ tầng và tài chính để tạo ảnh hưởng khắp từ Châu Á sang Châu Âu. Sự thay đổi nhanh và mạnh trong mối quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và Nga đều đi theo hướng thực chất và hiệu quả hơn trên cơ sở “hợp tác cùng thắng”.
Xét ở góc độ kinh tế, nổi bật hơn cả là thành tựu mà Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương mang lại, với đỉnh cao là Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 25, diễn ra tại TP Đà Nẵng. Lãnh đạo các nền kinh tế APEC đã nhất trí thông qua Tuyên bố Đà Nẵng “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” nhằm thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính, xã hội, hướng tới xây dựng Cộng đồng APEC phát triển bao trùm và tự cường. Tuyên bố Đà Nẵng cũng nêu ra các vấn đề dài hạn, quan trọng, có ảnh hưởng sâu rộng đến tiến trình phát triển kinh tế APEC và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, sự ra đời của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thay thế Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng mở ra hướng đi mới cho hợp tác kinh tế các nước thành viên. Việc Mỹ rút lui khỏi TPP làm giảm đáng kể sức mạnh kinh tế của hiệp định, nhưng đã tạo tiền đề để Nhật Bản trở thành quốc gia có vai trò dẫn dắt.
Năm qua cũng là dấu mốc lịch sử 50 năm hình thành và phát triển của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới hàng loạt các nước ASEAN phần nào cho thấy tầm vóc cùng những ảnh hưởng của khu vực. Năm 2017 cũng ghi nhận sự đoàn kết của khối trong nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định và thượng tôn pháp luật trên Biển Đông. ASEAN và Trung Quốc đã thông qua dự thảo khung bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) sau gần bốn năm đàm phán.
Bên cạnh những thành tựu, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đang là thách thức đối với cộng đồng quốc tế, dẫn tới hàng loạt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc từ phía Liên hợp quốc nhắm đến quốc gia này. Thậm chí Trung Quốc cũng siết chặt giao thương, năng lượng với nước láng giềng. Trong khi đó, cuộc khẩu chiến giữa nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đẩy tình hình sang ngưỡng cực kỳ căng thẳng, dẫn tới những cuộc tập trận giữa Mỹ và các đồng minh xung quanh Triều Tiên leo thang, bất chấp kêu gọi từ phía Nga và Trung Quốc. Dù vậy, về tình hình an ninh, Châu Á vẫn đón nhận một số tin vui như việc tiễu trừ tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Iraq, đẩy lùi khủng bố tại Mindanao (Philippines)...
Có thể thấy, năm 2017 khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục có bước tiến mới cùng với đó là những thách thức về an ninh cần giải quyết. Các nhà phân tích cho rằng, nếu duy trì được sức tăng trưởng kinh tế đồng đều, hạn chế tác động của các nguy cơ an ninh (bao gồm cả các nguy cơ phi truyền thống) và một số rủi ro về khủng hoảng, tài chính, chủ nghĩa bảo hộ... khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẽ tiếp tục nắm vai trò đầu tàu và phát triển mạnh vào năm 2018.