Những nét độc đáo của chiến dịch

Chính trị - Ngày đăng : 06:58, 30/12/2017

(HNM) - Từ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đặc biệt của Đảng và Bác Hồ đã tạo ra những nét độc đáo góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của Chiến dịch Phòng không tháng 12-1972, vừa có những điểm chung của nghệ thuật quân sự Việt Nam, vừa mang nét riêng của nghệ thuật phòng không - không quân...


Độc đáo về tạo lập thế trận

Trong quá trình xây dựng kế hoạch đánh máy bay B.52 bảo vệ Hà Nội, điều trăn trở nhất của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân là giải quyết mâu thuẫn giữa “nguyên tắc” tác chiến và “yêu cầu” tác chiến. Nguyên tắc tác chiến khi bảo vệ mục tiêu yếu địa là phải đánh được địch trước khi chúng cắt bom, bảo vệ an toàn cho mục tiêu. Còn yêu cầu tác chiến là phải bắn rơi tại chỗ máy bay B.52, bởi đây là lợi thế tuyệt đối để ta đàm phán với địch ở Hội nghị Paris.

Bộ đội tên lửa chuẩn bị chiến đấu trong Chiến dịch Phòng không tháng 12-1972.



Vấn đề là máy bay B.52 khi đánh phá thường cắt bom ở cự ly khoảng 10km. Trong khi số đơn vị tên lửa bảo vệ Hà Nội của ta chỉ có 3 trung đoàn, để đánh được máy bay địch trước khi cắt bom, ta phải bố trí tên lửa ra xa mục tiêu bảo vệ. Như vậy, số lượng các đơn vị tên lửa cùng bắn được vào một mục tiêu sẽ ít, không bảo đảm chắc chắn bắn rơi tại chỗ máy bay B.52, nghĩa là không đáp ứng được yêu cầu tác chiến. Ngược lại, muốn bắn rơi tại chỗ máy bay B.52, thì phải bắn tập trung. Muốn vậy, tên lửa phải bố trí vào vòng trong, đồng nghĩa với bắn máy bay khi đã cắt bom.

Để giải quyết mâu thuẫn này, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng đã đặt yêu cầu tác chiến lên trên - quyết tâm bắn rơi tại chỗ máy bay B.52, để buộc đối phương phải dừng ném bom. Từ quyết tâm trên, ta đã cơ động toàn bộ lực lượng tên lửa vào vòng trong để thực hiện “Binh khí tập trung, hỏa lực tập trung” trên hướng chủ yếu, hướng quan trọng. Với cách bố trí đội hình chiến đấu như vậy, mặc dù lực lượng tên lửa chỉ bằng 1/3 so với Chiến dịch Phòng không bảo vệ Hà Nội năm 1967, nhưng sức mạnh đã nhân lên gấp bội. Đây là nét rất độc đáo và sáng tạo thế trận đánh máy bay B.52 trong Chiến dịch Phòng không tháng 12-1972.

Kết quả là, ngay trong đêm mở màn chiến dịch, bộ đội tên lửa đã bắn rơi 3 máy bay B.52, đêm 20-12 bắn rơi tiếp 7 máy bay B.52. Như vậy, với thế trận chiến đấu của lực lượng tên lửa phòng không bảo vệ Hà Nội năm 1972, đã tạo ra cách đánh hay, bắn rơi tại chỗ nhiều máy bay địch. Thế trận trong Chiến dịch Phòng không tháng 12-1972 sau này được gọi là thế trận đánh B.52.

Và độc đáo trong sử dụng lực lượng

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải đánh cho Mỹ thua ngay trên bầu trời Hà Nội, tức là phải bắn rơi máy bay B.52 tại Hà Nội. Nhưng, từ thực tế lúc này, lực lượng tên lửa bảo vệ Hà Nội chỉ có 3 trung đoàn. Do vậy, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đã quyết định: Tên lửa chỉ sử dụng đánh máy bay B.52. Đây là nét độc đáo trong sử dụng lực lượng của chiến dịch. Với việc sử dụng lực lượng pháo phòng không bảo vệ tên lửa và đánh các loại máy bay khác, chúng ta đã tập trung được sức mạnh, vũ khí hiện đại, hỏa lực mạnh nhất cho tiêu diệt đối tượng chủ yếu là máy bay B.52.

Cùng với đó, nét độc đáo của chiến dịch còn thể hiện trong chuyển hóa đội hình chiến đấu. Sau những ngày đầu bị tổn thất quá nặng nề, địch không thể chịu đựng nổi, buộc phải thực hiện thủ đoạn đánh phá mới. Từ đêm 21-12-1972, địch ngừng đánh Hà Nội, mỗi đêm chúng chỉ sử dụng khoảng 30 lần chiếc máy bay B.52 đánh ở vòng ngoài: Hải Phòng, Thái Nguyên, Lạng Sơn và các vùng phụ cận Hà Nội. Bộ Tư lệnh Quân chủng nhận định: Sở dĩ máy bay B.52 đánh giãn ra vòng ngoài là nhằm tránh tổn thất và kéo lực lượng tên lửa của ta ra xa rồi bất ngờ sử dụng lực lượng lớn vào đánh Hà Nội. Tương kế tựu kế, ta đã quyết tâm giữ vững thế trận đã có, tiếp tục điều lực lượng tên lửa tăng cường cho vòng trong. Đây là một quyết định rất sáng suốt của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng. Đến tối 25-12-1972, lực lượng tên lửa bảo vệ Hà Nội đã lên tới 13 tiểu đoàn hỏa lực (tăng 1,7 lần so với giai đoạn I của chiến dịch).

Đúng như dự đoán, từ 21h49 đến 23h12 đêm 26-12-1972, địch đã sử dụng tới 105 lần chiếc máy bay B.52, 90 lần chiếc máy bay chiến thuật tổ chức đánh dồn dập, đồng thời vào cả ba khu vực mục tiêu Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên. Tại Hà Nội, địch đã sử dụng 66 lần chiếc máy bay B.52 và 70 lần chiếc máy bay chiến thuật tiến công từ ba hướng: Tây Bắc, Đông Bắc và Tây Nam. Do có sự chuyển hóa thế trận độc đáo là tăng cường lực lượng cho vòng trong, nên ta đã bắn rơi 8 máy bay B.52 và hàng chục máy bay chiến thuật. Trận đánh này thực sự là trận then chốt quyết định của chiến dịch. Đêm 27-12-1972, bộ đội tên lửa lại bắn rơi 4 máy bay B.52.

Như vậy, với việc kịp thời chuyển hóa đội hình chiến đấu một cách khoa học nhưng rất linh hoạt, độc đáo đã tạo ra cách đánh hay, phát huy được sức mạnh chiến đấu của các lực lượng trong chiến dịch.

Một trong những nguyên tắc của bộ đội phòng không là sau mỗi trận chiến đấu khi trận địa đã bị lộ, thì phải tiến hành cơ động để tránh bị đối phương tiến công. Nhưng trong Chiến dịch Phòng không tháng 12-1972, do tất cả lực lượng tên lửa đều bố trí ở vòng trong, các trận địa tên lửa ở vòng trong đều kín nên không có trận địa dự bị để cơ động đến trận địa mới. Vì thế, sau mỗi trận đánh, các đơn vị thu hồi khí tài kéo từng xe, bệ, đạn sơ tán trong dân. Cho nên, khi máy bay trinh sát, máy bay chiến thuật của địch đến đánh phá thì không phát hiện được tên lửa. Tối đến, ta lại kéo tên lửa ra triển khai tiếp tục chiến đấu. Đây lại là một nét độc đáo về nghệ thuật cơ động vòng trong của lực lượng tên lửa trong Chiến dịch Phòng không tháng 12-1972.

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đánh bại uy thế không lực Hoa Kỳ năm 1972, là chiến thắng độc nhất vô nhị trên thế giới của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Phát huy tinh thần Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, nhất định dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ còn làm nên nhiều chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đại tá, Thạc sĩ Phạm Đức Trường