Tạo việc làm cho bộ đội xuất ngũ: Phát huy nguồn nhân lực chất lượng
Đời sống - Ngày đăng : 09:34, 31/12/2017
Giáo viên Trường Trung cấp nghề số 10 (Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội) tư vấn học nghề cho bộ đội xuất ngũ. |
Đa dạng hình thức hỗ trợ
Trung bình mỗi năm, TP Hà Nội có khoảng 4.000 thanh niên nhập ngũ. Sau thời gian rèn luyện trong quân đội, những người này xuất ngũ và tham gia thị trường lao động. Thực hiện chính sách ưu tiên với bộ đội xuất ngũ, TP Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp giúp họ học nghề, tìm việc làm.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Thạch Thất cho biết, trong quá trình triển khai công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, huyện Thạch Thất luôn ưu tiên đối tượng thuộc hộ gia đình chính sách, người có công, bộ đội xuất ngũ... Sau học nghề, đa số các học viên tìm được việc làm hoặc tự tạo ra việc làm phù hợp. Tương tự huyện Thạch Thất, đây cũng là đối tượng ưu tiên của các địa phương của TP Hà Nội trong hoạt động hỗ trợ học nghề, vay vốn ưu đãi để giải quyết việc làm tại chỗ.
Song song với hình thức hỗ trợ tìm việc làm tại chỗ, TP Hà Nội còn tạo nhiều “kênh” khác nhau để lực lượng này có thêm cơ hội việc làm. Ngày 14-8-2015, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã ký quy chế phối hợp tư vấn, hướng nghiệp học nghề, giới thiệu việc làm cho bộ đội xuất ngũ trên địa bàn thành phố. Trên tinh thần đó, các đơn vị đã tổ chức 8 phiên giao dịch chuyên đề cho đối tượng này, thu hút hơn 200 đơn vị tham gia tuyển dụng với tổng nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh, xuất khẩu lao động lên tới hơn 3.000 người.
Tại phiên giao dịch việc làm diễn ra ngày 28-12-2017, hơn 1.300 vị trí việc làm được các doanh nghiệp ưu tiên cho bộ đội xuất ngũ, quân nhân sắp hoàn thành nghĩa vụ quân sự, giúp họ lựa chọn được hướng đi cho tương lai. Quân nhân Nguyễn Văn Tùng (sinh năm 1996, Tiểu đoàn Trinh sát 20, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội) cho biết: “Tôi rất thích nghề lái xe nên sẽ học nghề này tại Trường Trung cấp nghề số 10 thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội”.
Đối với các đơn vị tuyển dụng, những phiên giao dịch việc làm này cũng giúp họ tìm được nhân lực có sức khỏe tốt, tính kỷ luật cao. “Ưu thế lớn nhất của thanh niên xuất ngũ là sức khỏe tốt, nhanh nhẹn, chịu được áp lực công việc, ý thức kỷ luật cao vì đã được rèn luyện trong môi trường quân đội. Đây là tiêu chí hàng đầu trong tuyển chọn lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng. Vì thế, các đơn vị tuyển dụng luôn ưu tiên và mong muốn tuyển được bộ đội xuất ngũ”, ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và cung ứng Việt Lực khẳng định.
Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Trung tâm Tư vấn, Trường Trung cấp nghề số 10 (Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội) cho biết thêm, trung bình mỗi năm, trường đào tạo nghề cho khoảng 5.000-6.000 bộ đội xuất ngũ, quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Sau khi tốt nghiệp, 100% học viên có việc làm với mức thu nhập khởi điểm từ 6 triệu đồng/người/tháng trở lên.
Những dẫn chứng nêu trên cho thấy, nhờ triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nên đa số bộ đội xuất ngũ được học nghề, tìm được việc làm phù hợp.
Cần chính sách hỗ trợ phù hợp hơn
Trên thực tế, số lượng bộ đội xuất ngũ có nhu cầu tham gia thị trường lao động tăng dần hằng năm. Số đơn vị tuyển dụng cần nhân lực đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự cũng không ít. Tiếc rằng, trong nhiều trường hợp, cung - cầu lao động chưa gặp nhau do nhiều nguyên nhân.
Anh Phùng Thanh Dương, Công ty TNHH Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Vincom cho biết, công ty đang cần tuyển khoảng 500 nhân viên làm vệ sinh căn hộ, trường học, siêu thị, bệnh viện, nhân viên kỹ thuật điện, điện lạnh, xây dựng… Tham gia phiên giao dịch việc làm chuyên đề bộ đội xuất ngũ, công ty chỉ tuyển được vài người vì đa số người tham gia phỏng vấn đưa ra yêu cầu cao.
Kết quả khảo sát của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng cho thấy, trình độ chuyên môn kỹ thuật của bộ đội xuất ngũ và quân nhân sắp hoàn thành nghĩa vụ khá cao, với 54% số người có trình độ trung cấp, cao đẳng, 19,7% có trình độ đại học; lao động phổ thông chỉ chiếm 26,3%. Công việc mà lực lượng này mong muốn được làm tập trung chủ yếu vào các ngành, nghề như công nhân kỹ thuật, lái xe, điện - cơ khí, xuất khẩu lao động... “Những năm gần đây, số thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự có trình độ đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp tăng, đòi hỏi hoạt động hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm cho đối tượng này phải có sự thay đổi”, ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội khẳng định.
Tạo điều kiện cho bộ đội xuất ngũ học nghề, tìm việc làm thể hiện sự quan tâm, ghi nhận những đóng góp của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó cũng là giải pháp động viên, khuyến khích thanh niên lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự. Mong rằng, các cấp, các ngành chức năng triển khai nhiều hơn các giải pháp hỗ trợ thiết thực để lực lượng này học nghề, tìm việc làm ngày càng hiệu quả hơn.
Đại tá Nguyễn Hữu Lanh, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội kiến nghị cơ quan, đơn vị chức năng cung cấp thông tin đa chiều, dự báo chính xác về thị trường lao động, việc làm, từ đó xây dựng chương trình đào tạo nghề và có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề phù hợp cho bộ đội xuất ngũ. Ngoài ra, các đơn vị tuyển dụng nên có chế độ ưu đãi cao hơn với lực lượng lao động có tính đặc thù này. |