Sông Nhuệ ngập tràn rác thải sinh hoạt
Đời sống - Ngày đăng : 23:33, 31/12/2017
(HNMO) - Mỗi ngày, ngoài hàng trăm nghìn mét khối nước thải trên địa bàn thành phố Hà Nội chưa qua xử lý đổ trực tiếp ra sông, sông Nhuệ còn phải gánh chịu một lượng không nhỏ rác thải sinh hoạt xả xuống...
Trục chính sông Nhuệ chảy qua địa bàn Hà Nội (bắt đầu từ cống Liên Mạc) qua các quận, huyện: Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thanh Trì, Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên. Đi dọc dòng sông Nhuệ vào những ngày nước cạn, người ta không khỏi giật mình vì những bãi rác thải sinh hoạt ven sông…
Có thể nói, xã Cự Khê (huyện Thanh Oai) là một trong số các xã ven sông Nhuệ “đi đầu” về nạn xả rác thải sinh hoạt bừa bãi xuống sông. Tình trạng xả rác xuống sông Nhuệ ở đây đã diễn ra từ nhiều năm nay. Khoảng 3 km bờ sông Nhuệ chạy qua địa bàn 2 thôn của xã là Khúc Thủy và Cự Đà, có hàng chục bãi rác thải sinh hoạt góp phần lấp dòng chảy con sông.
|
Rác thải sinh hoạt được người dân xã Cự Khê, huyện Thanh Oai "vô tư" đổ xuống dòng sông Nhuệ. |
Trao đổi về thực trạng này, Chủ tịch UBND xã Cự Khê Đặng Anh Phương xác nhận là chính quyền xã có biết tình trạng người dân xả rác thải sinh hoạt xuống sông Nhuệ. UBND xã đã nhiều lần tuyên truyền, vận động để người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, không xả rác thải bừa bãi xuống sông Nhuệ, nhưng chính quyền vận động cứ vận động, người dân xả rác, cứ xả rác. Theo ông Đặng Anh Phương, những năm trước, 2 thôn Cự Đà và Khúc Thủy do khó khăn về đường giao thông nên ô tô không thể vào được nên việc thu gom rác thải gặp rất nhiều khó khăn. Đây chính là nguyên nhân tạo thành thói quen xấu để người dân xả rác thải sinh hoạt xuống sông. Tuy nhiên, đến nay mặc dù đã có đội thu gom rác thải, nhưng tình trạng xả rác thải xuống sông vẫn còn. Song, ngoài biện pháp tuyên truyền, vận động, thời gian qua, UBND xã Cự Khê chưa có biện pháp gì quyết liệt hơn nhằm ngăn chặn nạn đổ rác thải sinh hoạt xuống sông.
Thực tế cho thấy, ngoài xã Cự Khê, ở một số xã ngoại thành Hà Nội nằm ven sông Nhuệ, những năm trước đường sá đi lại không được thuận lợi nên việc thu gom vận chuyên rác thải sinh hoạt về nơi xử lý tập trung gặp không ít khó khăn. Do đó, người dân trong thôn, trong xã đã thành thói quen xấu là đem vứt rác thải sinh hoạt xuống sông Nhuệ. Đến nay, mặc dù đường sá đi lại đã được mở rộng, giao thông thuận lợi hơn trước, các huyện cũng đã đầu tư cho các xã ven sông Nhuệ phương tiện thu gom rác thải sinh hoạt để chở về nơi tập kết tạm thời nhưng do một số xã, chính quyền chưa chỉ đạo sát sao nên việc duy trì chưa đi vào nền nếp, người dân vẫn giữ thói quen xấu xả rác thải xuống sông.
Không lẽ chính quyền một số xã ven sông Nhuệ cứ mãi để tình trạng người dân “vô tư” xả rác thải xuống sông Nhuệ? Để ngăn chặn tình trạng này, ngoài tăng cường tuyên truyền, vận động, đã đến lúc chính quyền cấp xã phải quyết liệt vào cuộc, áp dụng những biện pháp mạnh như xử phạt hành chính, chứ không thể mãi thờ ơ, đứng ngoài xem như không phải trách nhiệm của mình.
Một số hình ảnh về nạn xả rác thải bừa bãi dọc bờ sông Nhuệ:
|
Người dân sinh sống ven sông Nhuệ tùy tiện xả rác ra bờ sông. |
|
Chân cầu Mỹ Hưng (huyện Thanh Oai) thành điểm xả rác thải. |
|
Vô tư xả rác xuống sông. |
|
Sông Nhuệ ngập tràn rác. |
|
Ngay tại điểm thu gom rác trên địa bàn xã Cự Khê (huyện Thanh Oai), dưới sông vẫn ngập rác thải. |
|
Xả rác thải bừa bãi xuống sông không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn mất mỹ quan. |