Bảo đảm quyền lợi người lao động

Đời sống - Ngày đăng : 07:52, 03/01/2018

(HNM) - Trước những bất cập của Bộ luật Lao động (sửa đổi) năm 2012, các nhà quản lý, nghiên cứu chính sách cho rằng, việc điều chỉnh, bổ sung một số điều của Bộ luật này là cần thiết. Việc hoàn chỉnh khung pháp lý giúp doanh nghiệp phát triển, bảo đảm quyền lợi cho người lao động, nâng cao năng suất lao động...


Nổi cộm vấn đề tiền lương

Theo bà Trần Thị Lan Anh, Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ luật Lao động (sửa đổi) năm 2012 được đánh giá là tiến bộ so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, sau gần 5 năm triển khai, một số nội dung của luật cần được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế và xu hướng phát triển. Nổi cộm nhất là những quy định về tiền lương, trong đó có tiền lương tối thiểu vùng, thời gian làm thêm…

Việc sửa đổi luật phù hợp thực tiễn giúp bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Ảnh: Bá Hoạt


Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên phản ánh: Khoản 1, Điều 91 Bộ luật Lao động hiện hành quy định mức lương tối thiểu phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Trên thực tế, nhu cầu sống bao gồm cả vật chất và tinh thần, cho nên căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu để xác định lương tối thiểu là thiếu thực tế. Hơn nữa, Bộ luật Lao động không quy định rõ thời gian người lao động được hưởng trợ cấp nuôi con, đương nhiên người sử dụng lao động phải chi trả phần trợ cấp này từ khi người lao động tham gia vào thị trường lao động cho đến lúc nghỉ hưu, trong khi đó, một số người lao động không nuôi con hoặc thời gian nuôi con ngắn hơn thời gian tham gia vào thị trường lao động.

“Quy định này vừa gây khó cho doanh nghiệp, vừa không khuyến khích được người lao động phấn đấu làm việc để được hưởng mức thu nhập cao hơn. Vì thế, cơ sở để xác định mức lương tối thiểu vùng nên được tính toán lại, có thể căn cứ vào thực tế thu nhập của người lao động trong từng giai đoạn nhất định”, ông Nguyễn Xuân Dương kiến nghị.

Tương tự, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, trong bối cảnh năng suất lao động, giá thành sản phẩm không tăng thì việc tăng lương tối thiểu vùng hằng năm sẽ làm gia tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Đối với người lao động, không mấy người “mặn mà” với việc tăng lương tối thiểu vùng vì số tiền lương tăng thêm không “đuổi kịp” đà tăng giá của những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.

Nhiều ý kiến khác cũng đề nghị cơ sở để xác định tăng lương tối thiểu vùng cần được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng, khoa học hơn trong quá trình xây dựng dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi. Lộ trình tăng lương nên giãn ra 2-3 năm thay vì 1 năm như hiện nay.

Thỏa thuận số giờ làm thêm

Ngoài vấn đề tiền lương, quy định hiện hành về làm thêm giờ cũng không phù hợp với thực tế. Theo Điều 106, số giờ làm thêm tối đa của người lao động không quá 30 giờ/tháng, không quá 200 giờ/năm, trường hợp đặc biệt không quá 300 giờ. So sánh với các quốc gia trong khu vực thì số giờ làm thêm tối đa của lao động Việt Nam hiện ở mức thấp (Trung Quốc 36 giờ/tháng; Indonesia 56 giờ/tháng; Singapore 72 giờ/tháng; Malaysia 104 giờ/tháng; Lào 45 giờ/tháng; Campuchia, Philippines không khống chế thời gian). Trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, Bộ LĐ-TB&XH dự kiến tăng số giờ làm thêm của người lao động lên 400 giờ/năm.

Khẳng định rằng quy định số giờ làm thêm tối đa không quá 300 giờ/năm là cứng nhắc, gây khó cho nhiều doanh nghiệp và người lao động, bà Đào Thu Huyền (Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam) kiến nghị tăng thời gian làm thêm từ 400 đến 600 giờ/năm. “Với số giờ làm thêm quá ít, người lao động làm trong các doanh nghiệp Nhật Bản ít có cơ hội làm thêm để tăng thu nhập nên không phải ai cũng muốn gắn bó lâu dài. Doanh nghiệp không tìm được nguồn lao động ổn định, đương nhiên họ sẽ chuyển hướng đầu tư sang thị trường khác”, bà Đào Thu Huyền nói.

Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định, giảm thời gian làm thêm là một chính sách nhân văn. Nhưng, đặt trong bối cảnh thực tế thì việc tăng thời gian làm thêm là cần thiết, bởi rất nhiều doanh nghiệp có hợp đồng phải hoàn thành trong thời gian ngắn, không thể không tăng ca, làm thêm giờ. Hơn nữa, đa số lao động Việt Nam xuất phát từ nông thôn, năng suất lao động thấp, nếu không làm thêm giờ thì thu nhập của người lao động không đủ để trang trải cho cuộc sống.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, thời gian làm thêm nên có mức “trần”, tránh tình trạng người sử dụng lao động tăng giờ làm thêm quá nhiều, khiến người lao động bị căng thẳng, gia tăng tai nạn lao động. Thời gian làm thêm phải phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp, từng ngành, nghề; thu nhập làm thêm phải tính theo lũy tiến. Việc làm thêm phải trở thành thỏa thuận bình đẳng giữa người lao động và người sử dụng lao động, không ép buộc... Tất cả những điều này nên được thể hiện rõ trong luật.

Ngoài quy định về tiền lương tối thiểu, giờ làm thêm, nhiều nội dung khác của Bộ luật Lao động (sửa đổi) năm 2012 cũng được kiến nghị sửa đổi, bổ sung. Ghi nhận ý kiến góp ý, ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH khẳng định, quan điểm nhất quán trong quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động là tạo ra khung pháp lý hoàn chỉnh. Hiện nay, dự thảo đang được lấy ý kiến rộng rãi, dự kiến sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đầu vào quý I năm 2018 để lấy ý kiến hoàn thiện, và trình phê duyệt trong kỳ họp Quốc hội vào tháng 5-2019.

Hà Hiền