Làm gì để bảo hiểm nông nghiệp hấp dẫn?

Kinh tế - Ngày đăng : 07:32, 03/01/2018

(HNM) - Tham gia bảo hiểm nông nghiệp, nhiều nông dân đã tự tin mở rộng quy mô, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Trường hợp gặp rủi ro được cơ quan bảo hiểm bồi hoàn, từ đó có cơ hội tái sản xuất, phát triển bền vững.


Với mục đích giảm thiểu rủi ro trong sản xuất nông nghiệp, năm 2011, Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013 tại 20 tỉnh, thành phố. Sau 3 năm thực hiện thí điểm đối với cây lúa, vật nuôi, thủy sản đã thu hút 304.017 hộ nông dân và tổ chức sản xuất tham gia thí điểm; tổng giá trị được bảo hiểm gần 7.750 tỷ đồng; tổng số phí bảo hiểm là 394 tỷ đồng; tổng số tiền bồi thường bảo hiểm 712,9 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, dù chưa thu hút được nhiều nông dân, doanh nghiệp, song quá trình triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đã cho thấy đây là giải pháp tài chính hiệu quả, góp phần hỗ trợ cho người sản xuất nông nghiệp chủ động khắc phục những thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng khó lường như hiện nay thì việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp có ý nghĩa rất lớn.

Tại hội thảo về bảo hiểm nông nghiệp với chủ đề "Nhận diện thách thức, thúc đẩy tăng trưởng" do Báo Diễn đàn doanh nghiệp vừa tổ chức, Phó Trưởng ban Kinh tế, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Đức Ngọc cho rằng: Để triển khai bảo hiểm nông nghiệp, ngành Nông nghiệp cần khắc phục những hạn chế đang tồn tại, nếu cứ sản xuất manh mún với quy mô sản xuất nhỏ khi 70 đến 80% số hộ có diện tích dưới 0,5ha thì khó có thể triển khai bảo hiểm nông nghiệp. "Người sản xuất cần nắm được lợi ích cũng như ý nghĩa của bảo hiểm nông nghiệp. Tiếc là, nhiều nông dân vẫn chưa mặn mà, thậm chí chưa hiểu về bảo hiểm nông nghiệp", ông Nguyễn Đức Ngọc nói.

Đồng quan điểm trên ông Lê Xuân Luyện, Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ NN&PTNT) nhận định: Không chỉ nông dân mà ngay các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm cũng chẳng mấy mặn mà. Trong 3 năm triển khai thí điểm, tổng số tiền mua bảo hiểm thu được hơn 300 tỷ đồng trong khi các công ty bảo hiểm phải chi trả hơn 700 tỷ đồng. Do đó cần cân đối lợi ích của hai bên mới có thể triển khai bảo hiểm nông nghiệp.

Hiện nay, để dễ dàng tiếp cận các sản phẩm bảo hiểm nhằm giảm thiểu các rủi ro khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo chấp thuận việc xây dựng nghị định về bảo hiểm nông nghiệp. Việc này sẽ áp dụng đối với tất cả các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam, được thực hiện trên cơ sở tự nguyện thỏa thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm và tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp.

Theo dự thảo, ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ phí bảo hiểm cho các hộ nông dân nghèo, cận nghèo có quyết định công nhận của cơ quan có thẩm quyền tại địa phương và đã giao kết hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp với doanh nghiệp để bảo hiểm cho các rủi ro thiên tai theo công bố của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và hợp đồng bảo hiểm. Ngoài ra, có nhiều chính sách thu hút doanh nghiệp bảo hiểm cùng tham gia. Bảo hiểm nông nghiệp dự kiến sẽ được tiếp tục triển khai trong năm 2018. Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) Ngô Việt Trung cho rằng: Bảo hiểm nông nghiệp cần hướng đến những nhóm hàng chủ lực, những vùng sản xuất trọng điểm có định hướng phát triển quy mô lớn theo quy hoạch của Chính phủ và Bộ NN&PTNT.

Đỗ Minh