Hà Nội đặc biệt lưu ý phòng chống dịch bệnh sởi và ho gà

Sức khỏe - Ngày đăng : 14:13, 04/01/2018

(HNMO) - Ngày 4-1, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân năm 2018.


Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), năm 2017, dịch sốt xuất huyết đã hoành hành ở hầu khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước với 183.287 trường hợp mắc, trong đó có 30 trường hợp tử vong. Đặc biệt, tại Hà Nội, số ca mắc tăng gấp 700 lần so với cùng kỳ năm trước, với gần 25.000 người mắc bệnh, 7 người tử vong.


Dịch sốt xuất huyết không chỉ diễn biến phức tạp tại nước ta, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng, nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á ghi nhận số mắc/100.000 dân có xu hướng tăng (như Campuchia, Lào, Philippines, Malaysia). Nhưng, năm 2017 Việt Nam đã rất thành công trong việc dập tắt dịch sốt xuất huyết với số ca tử vong được đánh giá thấp nhất so với các nước trong khu vực Đông Nam Á và khu vực Châu Mỹ Latinh. Tuy nhiên, một số dịch bệnh năm qua tại Việt Nam cũng có sự gia tăng. Về bệnh thủy đậu, có 38.898 trường hợp mắc, tăng 45,9% so với năm 2016. Bệnh viêm màng não mô cầu có 52 trường hợp mắc, 3 ca tử vong. Bệnh liên cầu khuẩn lợn cũng ghi nhận 169 trường hợp mắc, cao hơn 104 trường hợp so với năm 2016.

Riêng tình hình dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong phòng chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân 2018, thành phố đặc biệt lưu ý đến bệnh sởi và ho gà. Ghi nhận từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 83 trường hợp mắc sởi, 1 trường hợp tử vong; 71/83 trường hợp mắc chưa được tiêm vắc xin phòng sởi. Về bệnh ho gà, đến nay đã ghi nhận 125 ca mắc, 1 ca tử vong. Điều đáng nói, 91,2% số ca mắc chưa được tiêm đủ 3 mũi vắc xin phòng bệnh. "Hiện Hà Nội vẫn đang kiểm soát tốt tình hình bệnh sởi và ho gà, chỉ ghi nhận các ca bệnh đơn lẻ, rải rác, không ghi nhận ổ dịch lớn. Tuy nhiên, Hà Nội tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống những dịch bệnh này trong mùa Đông - Xuân năm nay", PGS.TS Hoàng Đức Hạnh nói.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý nhấn mạnh, khi có dịch bệnh xảy ra, thành phố đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc. Cùng với các biện pháp chống dịch đồng bộ, thành phố đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân. Với việc xây dựng 10 biện pháp, phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng ngành, từng đơn vị, thành phố xác định nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, năm 2017 tại Việt Nam không ghi nhận bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và mới nổi xâm nhập vào Việt Nam. Các bệnh lưu hành khác được khống chế, không có diễn biến bất thường. Tuy nhiên, dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan quốc tế. Các bệnh nguy hiểm và mới nổi luôn có nguy cơ cao xâm nhập như: Cúm A(H7N9), MERS-CoV, sốt vàng, dịch hạch... và bùng phát nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch. Trước tình hình trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu ngành Y tế tiếp tục nâng cao công tác dự phòng, đối phó với dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh dễ bùng phát trong mùa Đông - Xuân năm nay bằng những kế hoạch và hoạt động cụ thể.

Gia Phong