Lại nổi cơn sóng gió
Thế giới - Ngày đăng : 06:20, 04/01/2018
Ông chủ Nhà Trắng cho rằng, Mỹ đã “dại dột” khi viện trợ cho Pakistan 33 tỷ USD trong 15 năm qua, bởi nước này là nơi cư trú an toàn cho những kẻ khủng bố mà Washington liên tục săn lùng. Phát biểu trước báo giới tại trụ sở Liên hợp quốc, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley cũng nhấn mạnh, chính quyền Mỹ không thể chấp nhận “trò hai mặt” của Pakistan. Động thái này khiến quan hệ giữa hai nước, vốn đã có nhiều bất đồng kéo dài trước đó, càng xấu đi.
Những năm qua, Pakistan luôn có vai trò quan trọng trong chiến lược quân sự của Mỹ tại khu vực Trung và Nam Á. |
Không lâu sau những nhận định của Tổng thống D.Trump, Pakistan đã có đáp trả không kém gay gắt. Theo đó, với vai trò đồng minh chiến lược của Washington trong cuộc chiến chống khủng bố, Pakistan khẳng định đã làm nhiều việc cho Mỹ, bao gồm cả chuyện giúp xóa sổ nhóm khủng bố Al-Qaeda, trong khi chỉ nhận lại “những lời mắng nhiếc và sự nghi ngờ”. Islamabad cũng triệu tập Đại sứ Mỹ David Hale đến văn phòng ngoại giao ở thủ đô của Pakistan, động thái được xem là phản ứng ngoại giao hiếm có cho thấy sự tức giận của chính phủ nước này.
Giới lãnh đạo Pakistan cũng lập tức tham gia cuộc "khẩu chiến". Bộ trưởng Ngoại giao Khawaja Asif cho rằng, quan điểm mới của Mỹ chỉ nhằm che giấu thất bại của nước này tại Afghanistan, đồng thời đe dọa Islamabad đang chuẩn bị câu trả lời “sẽ khiến thế giới biết sự thật”. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Khurram Dastgir-Khan khẳng định, Mỹ đã nhận "miễn phí" đất đai, liên lạc không lưu, căn cứ quân sự và hợp tác tình báo để tiêu diệt Al-Qaeda trong 16 năm...
Căng thẳng leo thang đã khiến hoạt động viện trợ của Mỹ dành cho Pakistan tiếp tục bị trì hoãn. Một quan chức Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ mới đây cho biết, Nhà Trắng hiện không có kế hoạch gửi 255 triệu USD viện trợ cho Pakistan vào lúc này và sẽ tiếp tục xem xét mức độ hợp tác với Islamabad. Trước đó, chính quyền Mỹ đã từng có động thái tương tự vào tháng 8-2017. Tuy khoản tài chính này có vai trò quan trọng với phía Pakistan, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, việc Mỹ cắt viện trợ không đủ để đồng minh rơi vào khủng hoảng, thay vào đó chỉ là sự “nhắc nhở” mà thôi.
Thực tế, quan hệ của Mỹ và Pakistan đã dần xấu đi kể từ khi trùm khủng bố Osama bin Laden bị tiêu diệt tại Abbottabad (Pakistan) cách đây gần 7 năm. Sự kiện này không chỉ gây sóng gió về ngoại giao, mà còn khiến các nhà lãnh đạo quốc gia Nam Á đối mặt với nhiều chỉ trích về việc để kẻ đứng đầu nhóm khủng bố khét tiếng nhất thế giới ngang nhiên sống nhiều năm trên lãnh thổ của mình. Trong những năm sau đó, các hoạt động không kích của Mỹ tại Pakistan với danh nghĩa tiêu diệt những mục tiêu khủng bố cũng làm dấy lên hàng loạt các cuộc biểu tình phản đối của người dân. Tuy nhiên, đổi lại, chính quyền ở Washington đã cung cấp những khoản viện trợ “khủng” dành cho đồng minh quan trọng này.
Dẫu hai bên đang “lời qua tiếng lại” nhưng xét về chiến lược, cả Mỹ và Pakistan sẽ không để mối quan hệ rơi vào tình trạng nguy hiểm. Trên thực tế, sự thân cận với Mỹ đã đem lại cho Pakistan ảnh hưởng toàn cầu trong khi cũng mang tới cho Mỹ cơ hội tấn công các lực lượng quân sự mà nước này coi là châm ngòi bạo lực tại Afghanistan. Bản thân Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Haley cũng nêu rõ, Washington vẫn mong muốn Islamabad đóng góp nhiều hơn cho cuộc chiến chống khủng bố. Điều này có thể được xem như tín hiệu "mở" của Mỹ về khả năng đàm phán giải quyết những căng thẳng lâu nay.