Học tại nhà được không?

Giáo dục - Ngày đăng : 06:51, 05/01/2018

(HNM) - Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh có báo cáo gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề xuất nhiều nội dung liên quan đến việc tạo cơ chế mở cho giáo dục thành phố...

TP Hồ Chí Minh đề xuất cho học sinh phổ thông học tại nhà nếu đủ điều kiện.


Toàn TP Hồ Chí Minh hiện có 2.144 trường học, 76.277 giáo viên, 1,6 triệu học sinh từ bậc mầm non đến trung học phổ thông. Những năm học gần đây, bình quân mỗi năm thành phố tăng khoảng 60.000 học sinh, có năm tăng hơn 80.000. Vì vậy thành phố chịu áp lực lớn về phòng học, giáo viên, ùn tắc giao thông...

Trong báo cáo gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, UBND TP Hồ Chí Minh đề xuất được tạo cơ chế mở cho ngành Giáo dục với nhiều đột phá như: Có định hướng mở trong biên chế năm học thay vì học đủ 9 tháng/năm như hiện nay; linh hoạt trong cơ cấu giờ, tiết học (có thể học 1 buổi, 2 buổi hoặc cả ngày); cho học sinh học tại trường, nhà, trực tuyến; thời lượng giảng dạy các môn học cũng mở, ít hay nhiều tùy từng trường, từng môn học...

Ngoài ra, thành phố còn đề xuất được đa dạng việc kiểm tra, đánh giá chất lượng học sinh. Cụ thể, đánh giá qua kết quả học tập, các kỹ năng đạt được, kết quả nghiên cứu khoa học của học sinh. Bên cạnh đó, thành phố cũng đề xuất được tự công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông cho học sinh. Ngoài ra, phải xem đội ngũ nhà giáo là đội ngũ đặc biệt, có chế độ đãi ngộ đặc biệt như quân đội, công an… để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào ngành Sư phạm.

Trước những đề xuất mang tính đột phá trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống, nguyên giảng viên Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh cho biết, điều này rất đáng được lưu ý. Hình thức học như trên thực chất là học theo tín chỉ của bậc đại học, lấy người học làm trung tâm. Người học tự học, tự nghiên cứu, giảm sự nhồi nhét kiến thức của người dạy, và do đó, phát huy tính chủ động, sáng tạo. Với việc đào tạo theo hệ thống tín chỉ ở bậc phổ thông như vậy sẽ tạo sự linh hoạt trong học tập của học sinh. Tùy theo điều kiện, khả năng, học sinh có thể hoàn thành các tín chỉ sớm hay muộn. Như vậy, những học sinh giỏi có thể học nhanh hơn, đủ điều kiện thì tốt nghiệp.

Tương tự, ông Nguyễn Đình Độ, Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) cho hay, ngành Giáo dục nhiều nước trên thế giới đã đào tạo học sinh theo tín chỉ từ lâu và hình thức này giúp học sinh phát huy năng lực, phân loại được học sinh. Nếu em nào có năng lực tốt thì hoàn toàn có thể rút ngắn thời gian học, còn không cứ theo chương trình đúng hạn. Tuy nhiên, ông Độ cho rằng: “Để thận trọng, chúng ta nên thí điểm ở một số trường có cơ sở vật chất và đội ngũ tốt. Sau một thời gian sẽ đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm, điều chỉnh để hoàn thiện trước khi áp dụng đại trà”.

Ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, mục đích cao nhất của những đề xuất trên là vì học sinh. Học sinh được lựa chọn loại hình học tập phù hợp với năng lực và hoàn cảnh của mình, đặc biệt học sinh khuyết tật, vùng sâu, vùng xa không có điều kiện đến lớp. Tuy nhiên theo ông Hoàng, việc khó nhất là phải điều chỉnh nhiều nội dung trong Luật Giáo dục. Chẳng hạn, đề xuất cho tự lựa chọn loại hình học tập đồng nghĩa với việc học sinh sẽ tốt nghiệp trung học phổ thông trước thời gian quy định trong khi hiện luật quy định từ 18 tuổi mới được công nhận tốt nghiệp... Cũng theo ông Hoàng, đề xuất trên nằm trong đề án phát triển giáo dục của thành phố từ nay đến năm 2030 và chỉ khi được phê duyệt thì mới bắt đầu lập đề án chi tiết.

Nghiêm Ý