Cốt lõi là nâng cao thu nhập cho nông dân
Kinh tế - Ngày đăng : 07:39, 05/01/2018
Mô hình trồng bưởi Diễn mang lại giá trị kinh tế cao tại xã Kim An (huyện Thanh Oai). Ảnh: Thái Hiền |
Hiệu quả rõ nét
Gia đình ông Nguyễn Văn Mùa là một trong những hộ đầu tiên ở xã Kim An, huyện Thanh Oai đưa cây cam đường vào trồng trên vùng đất bãi. Hiện gia đình có 2,5ha trồng cam, bưởi, ổi, bình quân mỗi năm cho thu nhập gần 1 tỷ đồng. Từ hiệu quả ấy, gia đình ông Mùa đã xây dựng nhà cửa khang trang và giải quyết việc làm thường xuyên cho 6 đến 10 lao động với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.
Kim An là xã thuần nông, sản xuất nông nghiệp chiếm 60% trong cơ cấu kinh tế. Chủ tịch UBND xã Đoàn Văn Huỳnh cho biết, hiện cả xã có 130ha trồng cây ăn quả (chủ yếu là cam) cho năng suất 2.160 tấn/năm, giá trị thu nhập bình quân đạt từ 700 đến 800 triệu đồng/ha/năm. Từ năm 2014, sản phẩm cam Kim An đã được công nhận nhãn hiệu tập thể, từ đây càng giúp tăng giá trị thu nhập cho nông dân. Hiện nay, tính bình quân thu nhập, người dân xã Kim An đạt hơn 38 triệu đồng/người/năm.
Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng đã góp phần quan trọng nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp bền vững cho nông dân ngoại thành. Đến nay, thành phố đã phát triển nhiều vùng sản xuất tập trung chuyên canh quy mô lớn trồng rau an toàn, hoa, cây ăn quả, lúa chất lượng cao và chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản; đồng thời phát triển một số trang trại trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao cho năng suất, chất lượng cao...
Theo Phó chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Lê Thiết Cương, đến hết năm 2017, cơ cấu ngành Nông nghiệp của thành phố tiếp tục chuyển dịch tích cực, giảm dần tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi, chế biến và dịch vụ nông nghiệp, bảo đảm tỷ trọng cơ cấu các nhóm ngành, chuyển dịch đúng định hướng. Hiện, tỷ trọng trồng trọt, lâm nghiệp chiếm 44,4% trong cơ cấu nông nghiệp, tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản 52,56%; tỷ trọng dịch vụ 3,04%. Đến hết năm 2017, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước đạt trên 38 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,57%.
Tháo gỡ khó khăn
Chủ tịch UBND xã Kim An Đoàn Văn Huỳnh chia sẻ: Để có kết quả cao trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, từ những năm 2010, Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, từng bước giảm diện tích trồng lúa và rau màu, tăng diện tích trồng cây ăn quả. Theo đó, UBND xã đã xây dựng đề án trình UBND huyện phê duyệt. Đồng hành với xã, Sở NN&PTNT Hà Nội đã hỗ trợ địa phương sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) đối với cây cam đường trên quy mô 18ha để nông dân học tập, nhân rộng. Từ bước đi, cách làm bài bản, cây ăn quả đã góp phần tạo chuyển biến mới trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân, đưa Kim An trở thành xã đủ điều kiện để trình UBND TP Hà Nội công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017 với số điểm hơn 97 điểm.
Tuy vậy, hiện nay mức chênh lệch thu nhập giữa các xã ven đô, xã thuần nông và miền núi trên địa bàn Hà Nội vẫn còn khoảng cách. Sản xuất nông nghiệp vẫn ở quy mô nhỏ, phạm vi hộ gia đình; việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất còn hạn chế; năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất chưa cao; việc liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm khá nan giải; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm bất cập…
Trao đổi về những khó khăn của địa phương, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú cho biết: Trên địa bàn huyện, lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chậm phát triển, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lớn không nhiều. Trong khi đó, để nâng cao thu nhập cho người dân, quan trọng nhất phải chuyển đổi được cơ cấu kinh tế nhưng sản xuất nông nghiệp còn manh mún, việc tích tụ ruộng đất khó khăn, tâm lý của nhiều hộ nông dân không muốn cho doanh nghiệp thuê lại đất để sản xuất...
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020" yêu cầu, trong thời gian tới, các địa phương phải xác định: Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị gia tăng cao, bền vững và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; triển khai thực hiện đồng bộ kế hoạch tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2016-2020; thực hiện tốt khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp là “sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao”.
Thành phố cũng tiếp tục triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách của trung ương và thành phố đối với sản xuất nông nghiệp, nhất là chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, nghiên cứu, đề xuất, sớm ban hành cơ chế, chính sách mới phù hợp với thực tiễn và đặc thù của Thủ đô; kịp thời rà soát, bổ sung, điều chỉnh cơ chế, chính sách không còn phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ mới…