Dự thảo Nghị định tăng lương cơ sở từ 1-7-2018
Kinh tế - Ngày đăng : 15:11, 05/01/2018
Ảnh minh họa: Internet |
Bộ Nội vụ cho biết, mức lương cơ sở 1.300.000 đồng/tháng mới chỉ bằng mức chuẩn về thu nhập của người cận nghèo của khu vực thành thị giai đoạn 2016-2020, bằng 41,43% mức lương tối thiểu vùng bình quân năm 2017 của khu vực doanh nghiệp, đạt 60,3% mức chi tiêu bình quân đầu người một tháng năm 2016, dẫn đến tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang còn nhiều khó khăn.
Tuy điều kiện ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn nhưng để cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 49/2017/QH14 ngày 13-11-2017, trong đó quy định: “Thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,3 triệu đồng/tháng lên 1,39 triệu đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng theo quy định (đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm) và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng mức lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 1-7-2018.
Giao các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương tiếp tục thực hiện các quy định về chính sách tạo nguồn cải cách tiền lương kết hợp triệt để tiết kiệm chi gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, bảo đảm tự cân đối nhu cầu tăng chi do điều chỉnh mức lương cơ sở trong phạm vi dự toán ngân sách được giao…”. Vì vậy, việc xây dựng Nghị định điều chỉnh mức lương cở sở là cần thiết để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội.
Theo đó, dự thảo quy định về mức lương cơ sở dùng làm căn cứ tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật; tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật, tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở: Từ ngày 1-7-2018, mức lương cơ sở là 1.390.000 đồng/tháng.
Về kinh phí thực hiện, dự thảo nêu rõ: Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, bảo đảm tự cân đối nhu cầu tăng chi do điều chỉnh mức lương cơ sở trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao năm 2018 của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; sử dụng một phần nguồn thu được để lại theo chế độ của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; sử dụng 50% nguồn tăng thu ngân sách địa phương thực hiện so với dự toán năm 2017 do Thủ tướng Chính phủ giao và nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương năm 2017 chưa sử dụng hết chuyển sang (nếu có).
Đối với một số địa phương ngân sách khó khăn, sau khi thực hiện quy định nêu trên mà vẫn thiếu nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2018 thì ngân sách trung ương bổ sung số thiếu để địa phương thực hiện.