Không nên dùng tiếng nước ngoài tùy tiện
Bạn đọc - Ngày đăng : 06:48, 06/01/2018
(HNM) - Báo An ninh thế giới cuối tháng có bài viết với tiêu đề “Chuyện các start-up và giấc mơ thay đổi thế giới”. Buổi phát thanh trưa 10-12-2017 của Đài Tiếng nói Việt Nam, mục thể thao, phát thanh viên nói: Ban Tổ chức đang tìm đội bóng “fairplay” để xét chọn trao giải thưởng năm 2017.
Thi thoảng trên báo cũng có bài viết phê phán hiện tượng dùng từ nước ngoài tùy tiện, không đúng chỗ. Trở lại hai trường hợp nêu trên, tôi đã đọc đâu đó trên báo cụm từ “khởi nghiệp” (khởi đầu lập nghiệp), chính là nghĩa dịch của cụm từ start-up. Còn “fairplay”, tuy cũng đã có nghe nhiều lần cụm từ “chơi đẹp” trong bóng đá, nhưng tôi vẫn đi tìm quyển Từ điển Anh - Việt loại bỏ túi, xuất bản năm 1989 để tra xem sao. Từ “fair” nghĩa tiếng Việt có đến 11 từ hoặc cụm từ như: Đẹp, đúng, phải, hợp lý... Từ “play” có đến 9 từ hoặc cụm từ như: Chơi, trò chơi, sự đấu, đánh (đàn), diễn (kịch), nô đùa... Trong lĩnh vực bóng đá, người Việt đã chọn từ chơi (play) và đẹp (fair) thành cụm từ “chơi đẹp” là phù hợp và thực tế đã sử dụng rất phổ biến trước nay. Vậy còn băn khoăn gì mà phải dùng từ tiếng Anh trong khi tiếng Việt rất phong phú. Trừ trường hợp đặc biệt chưa có từ ngữ nào để diễn tả thì vay mượn, có chú thích.
Tôi rất mong hiện tượng nêu trên cần có nhiều biện pháp thích hợp, dần dần loại bỏ hiện tượng “sính ngoại” này để bảo vệ, tự tôn dân tộc. Việc có thể làm trong tầm tay là sử dụng quyền quản lý của cơ quan báo chí. Bài viết nào có hiện tượng dùng tiếng nước ngoài tùy tiện cần sửa chữa ngay trước khi bài báo được đăng tải.