Nhiều biến tướng của hoạt động từ thiện xã hội

Đời sống - Ngày đăng : 07:48, 06/01/2018

(HNM) - Hiện hoạt động này còn mang tính tự phát, tự vận động, tự tổ chức cấp phát, chưa được quản lý chặt chẽ nên bị không ít cá nhân, tổ chức lợi dụng, làm biến tướng gây ảnh hưởng xấu với dư luận...

Mập mờ thật, giả

Cách đây không lâu, vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người “núp bóng” hoạt động từ thiện xã hội ở Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam đã bị lực lượng công an phát hiện, khởi tố, bắt tạm giam một số lãnh đạo của đơn vị này. Việc đó không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, tinh thần của tổ chức, cá nhân tự nguyện góp tiền của, mà còn làm mất lòng tin của mọi người vào những giá trị nhân văn tốt đẹp của hoạt động thiện nguyện. Trên thực tế, ngoài những cơ quan có đầy đủ tư cách pháp nhân vi phạm, nhiều tổ chức, cá nhân cũng lợi dụng hoạt động từ thiện để lừa đảo.

Hoạt động từ thiện xã hội luôn được nhiều người quan tâm, góp phần tích cực vào việc an sinh xã hội.


Nếu tìm trên mạng xã hội, internet chúng ta không quá khó để thấy những thông tin phản ánh về thực trạng này như: Núp bóng từ thiện chiếm đoạt tài sản; núp bóng từ thiện lừa dân nghèo, bóc mẽ đường dây lừa đảo núp bóng từ thiện, giả danh từ thiện bán hàng đa cấp. Trong đó, nhiều thông tin phản ánh về hình thức từ thiện như "tặng quà là thực phẩm cho người nghèo", nhưng thực chất là hàng hóa kém chất lượng, quá hạn sử dụng; tặng tiền hoặc sản phẩm nhưng thực chất để mời truyền thông “đánh bóng” thương hiệu, tư lợi cá nhân.

Thậm chí, một số cán bộ quản lý nhà nước về hoạt động này cho biết, hiện tượng từ thiện một nơi, lấy dấu nhiều nơi để về cơ quan báo cáo cũng khá phổ biến, hoặc tình trạng “một tiền gà ba tiền thóc” - nghĩa là đi tặng tiền, quà, sản phẩm cho người nghèo số lượng ít hơn nhiều so với chi phí một chuyến đi... Bên cạnh đó, có cả kiểu từ thiện bị biến tướng bởi một số người lợi dụng lòng tốt và sơ hở của các nhà hảo tâm để quyên góp từ thiện. Theo Phó Chủ tịch UBND phường Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm) Nguyễn Hưng, không ít trường hợp giả danh người quyên góp từ thiện, mang giấy giới thiệu của một tổ chức nào đó đến các tập thể, cá nhân “xin” tiền. Trên các trang Facebook hiện nay cũng có nhiều thông tin, hình ảnh người nghèo, mắc bệnh hiểm nghèo để “bẫy” người cả tin...

Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước

Để ngăn chặn thực trạng lợi dụng các hoạt động từ thiện, phát huy những chương trình hoạt động, phong trào tình nguyện, từ thiện xã hội đích thực, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Đức Tiến chia sẻ: "Thành đoàn luôn thực hiện phương châm “quy về một mối” các hoạt động thiện nguyện, để tránh tình trạng giả danh của tổ chức cá nhân hoạt động không trong sáng để từ thiện với mục đích xấu. Cụ thể, khi phát động phong trào thiện nguyện hay hoạt động ngắn hạn, đột xuất, chúng tôi đều chỉ đạo cơ sở tập trung các đầu mối về Thành đoàn, sau đó xem xét, phân bổ công khai, không ủy quyền bất cứ tập thể, cá nhân nào và không liên kết quyên góp từ thiện, tránh việc đối tác “mượn danh" Thành đoàn để huy động nguồn tài trợ tùy tiện, không đúng mục đích, hoặc trục lợi cá nhân".

Còn theo Phó Chủ tịch UBND phường Trần Hưng Đạo Nguyễn Hưng, tại cấp chính quyền cơ sở, hoạt động từ thiện được bảo đảm thiết thực bằng biện pháp giám sát việc đi trao quà, kiểm tra chéo tại cơ sở được nhận quà hoặc địa chỉ được quyên góp. Đồng thời, để “siết” chặt quản lý đối với hoạt động thu, chi trong công tác từ thiện, phường luôn cử đại diện các đoàn thể cùng tham gia.

Luật sư Nguyễn Văn Hà, Trưởng Văn phòng Luật sư Hà Lan và Cộng sự, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, pháp luật hiện nay chưa có bất cứ chế tài nào quy định cụ thể về việc xử lý sai phạm trong hoạt động quyên góp hay trao quà từ thiện. Tuy nhiên, khi có sai phạm, pháp luật điều chỉnh bằng các điều khoản về “chiếm đoạt tài sản” hoặc “lạm dụng tín nhiệm trục lợi cá nhân” để áp vào việc xử lý trường hợp vi phạm. Luật sư Nguyễn Văn Hà nhấn mạnh, một biện pháp tốt nữa có thể ngăn chặn vi phạm trong hoạt động từ thiện và phát huy hiệu quả của hoạt động đậm chất nhân văn này là các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, tập thể quản lý trong cấp, ngành của mình đối với từng hoạt động, chương trình từ thiện xã hội; cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ địa bàn dân cư trở lên sẽ giám sát và tuyên truyền về hoạt động từ thiện xã hội ở địa phương...

Thiết nghĩ, nếu như tăng cường quản lý, điều hành của cơ quan chức năng thì tình trạng mạo danh, trá hình... để hoạt động từ thiện xã hội rất khó tồn tại. Đặc biệt là sự vào cuộc của ngành công an để giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm những sai phạm trong lĩnh vực này.

Linh Nhi